Chuyện 7 chiếc cầu bị đập, bẻ lan can ở Cần Thơ, nếu không làm rõ, lòng tin của nhân dân và cấp dưới sẽ vơi.
Vụ 7/8 chiếc cầu tại 2 ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh (thuộc huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) bị đập, bẻ lan can, không phải ngẫu nhiên mà báo điện tử Một Thế Giới có khá nhiều tin bài phản ánh.
Thứ nhất, Phong Điền vừa làm lễ đón nhận danh hiệu huyện Nông thôn mới chưa đầy 3 tháng. Và người dân cả nước ngong ngóng xem, rằng sau khi đạt Nông thôn mới, người dân ở huyện này sẽ được hưởng lợi gì, chất lượng cuộc sống được nâng lên ra sao?
Tiếc rằng, những gì người dân được hưởng thì chưa được thông tin đầy đủ. Chỉ có chuyện quan chức được hưởng! 7 chiếc cầu bị bẻ cong lan can, để ôtô dễ đi. Mà ôtô của ai? Của quan chức huyện, như lời người dân tố là ông Trương Nhựt Quang, Giám đốc Ban Quản lý các dự án xây dựng huyện Phong Điền. Dân tố, báo chí mới biết đấy chứ!
Sau đó, ông Quang phân bua với báo chí, thậm chí xin thề, rằng mình không có ôtô và cũng chưa từng lái xe vào con đường có 7 chiếc cầu đó, nơi có căn nhà mà gia đình, người thân ông sinh sống. Xin thưa, nếu lãnh đạo huyện thật lòng muốn xác minh, cứ hỏi dân, người dân biết hết!
Chính những người hàng xóm của ông Quang cho biết, ông không chỉ có 1 chiếc ôtô! Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ấp Bình Thạnh, cũng thừa nhận ông Quang có ôtô. Và trước khi 7 cây cầu được mở rộng, ông Quang còn cho tiền để ông Hùng làm mái che, để tạm xe của mình đầu đường.
Có lẽ, ông Quang khôn ngoan khi không hề đứng tên sở hữu những chiếc xe mình hay lái. Nhưng thực sự ai là chủ sở hữu những chiếc xe ấy, cứ hỏi dân là rõ. Thậm chí, nhiều cán bộ huyện cũng biết rành chuyện ấy…
Thứ hai, Một Thế Giới đeo đuổi sự vụ này, bởi chuyện lan can 7 chiếc cầu bị bẻ cong có liên quan đến lòng dân, đến lòng tự trọng của người dân! Bởi sau khi báo chí phanh phui, quan chức ấp xã đều đổ thừa do dân đề nghị. Thậm chí 1 tờ báo muốn bênh, còn giật tít: “Bức xúc cầu đường “vênh nhau”, dân tự ý “nới rộng” lan can”. Lương tâm ở đâu mà họ đổ thừa và xúc phạm trắng trợn đến người dân như thế? Và người dân nào dám tự ý bẻ lan can cầu?
Cán bộ tự ý bẻ cong lan can cầu, rồi đổ thừa cho dân
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Võ Thành Thống về vụ 7 chiếc cầu bị bẻ lan can, sáng 5.8 Đoàn Kiểm tra liên ngành do Sở GTVT TP.Cần Thơ chủ trì gồm: Sở NN&PTNT, Sở TT&TT; Công an TP.Cần Thơ… đã có buổi khảo sát thực tế, nghe báo cáo từ lãnh đạo chính quyền địa phương.
Ông Lê Văn Thuộc, Bí thư ấp Thới Thạnh trình bày, do cầu hẹp, xe taxi không dám chạy vào mỗi khi trong ấp có người bệnh cần đi taxi nên người dân bức xúc. Do đó, ấp đã tự họp dân rồi tổ chức đập chứ không thông qua chủ trương của xã. “Tôi có mời họp dân, nhưng chỉ vài người bức xúc chuyện cầu hẹp đến dự”, ông Thuộc nói.
Lại những lời nói dối trơ trẽn! Đố ông Trưởng ấp nào trên khắp Việt Nam này, nếu không bị bệnh thần kinh, dám tự họp dân rồi tổ chức đập cầu, khi chưa thông qua UBND huyện, bởi đây là tài sản nhà nước. Phải chăng chỉ có 2 ông Trưởng ấp ở huyện Nông thôn mới này?
“Tôi không chấp nhận việc đổ lý do gì để đập cầu! Nếu nói là để chuyển người bệnh, thế trước đây người dân chuyển người bệnh như thế nào?”, ông Lê Văn Tâm, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trước đó nói.
Trước máy ghi âm của phóng viên, 1 người dân nói thẳng: “Dân tụi tui mà đụng tới mấy cây cầu là mấy ổng bắt thấy m.!”. Còn chuyện có họp dân để bàn chuyện đập lan can? Một số người dân thừa nhận, họ có được mời họp, và có ký tên vào biên bản xin xây cầu mới. Không ai đề nghị và ký tên biên bản “đề xuất” chuyện đập và bẻ lan can cầu.
Thậm chí nếu dân có đề nghị thật, thì chính quyền địa phương phải hiểu luật pháp và không lý do gì chấp nhận. Bởi con đường này có tải trọng dưới 500kg, cho ôtô vào, cầu sập, dân chết, ai chịu trách nhiệm?
Ông Nguyễn Quang Nghị, Bí thư Huyện ủy Phong Điền đã đề nghị UBND xã Giai Xuân báo cáo rõ việc đập lan can là để cho xe của ai đi và có sức ép từ ai mà hành động như vậy? Còn ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện thì nói: “Các Trưởng ấp lúc thì nói thế này, lúc thì nói kiểu khác, tôi cũng không biết đâu là thông tin chính xác”.
Sự thật ra sao? Ngày đầu tiên, khi các phóng viên tiếp xúc ông Trưởng ấp Hùng, ông Bí thư xã Huỳnh Đương Quan, cả 2 ông đều vô tư thừa nhận chuyện ông Quang “gợi ý” bẻ lan can cầu cho ôtô dễ đi. Và đây có lẽ là lời nói thật, bởi như đã nói, không ông ấp, ông xã nào dám tự ý đập những cây cầu mà UBND huyện xây dựng, nếu “sếp huyện” không gợi ý.
Nhưng đến ngày thứ 2, khi báo chí đăng tải vụ việc, bất ngờ 2 ông Trưởng ấp tự nhận trách nhiệm về mình, và nói rằng không ai “gợi ý” cả. Chức Trưởng ấp như “con chốt thí”, rất dễ đưa ra lãnh “đạn”. Và từ lúc đó, tất cả đều đổ thừa cho dân, vì người dân nên Trưởng ấp mới “hành động” như vậy!
Có lẽ, đến đây, sự việc đã rõ. Trước mắt, Bí thư huyện đã yêu cầu UBND xã Giai Xuân tiến hành xử lý kiểm điểm về mặt Đảng đối với những cá nhân liên quan. Đích thân Bí thư xã phải đi họp dân ngay để thông báo cho dân biết việc làm vừa qua là sai trái.
Và UBND TP đã yêu cầu, lãnh đạo huyện Phong Điền phải gửi báo cáo vụ việc, kết quả xử lý những cá nhân liên quan trước ngày 10.8. Nhưng như đã nói, chuyện này đã đụng đến lòng dân, nên cần làm rõ, sâu hơn trách nhiệm những người liên quan, chứ không thể xem báo cáo, “xử” vài “con chốt thí” là yên chuyện.
Nhiều người trông chờ sự cương quyết và bản lĩnh của ông Nghị (áo trắng) trong việc xử lý đầy đủ những cán bộ có liên quan
Vụ việc này không khỏi khiến ông Nghị phiền lòng, bởi ông mới nhận chức Bí thư huyện chưa đầy 1 tháng. Nhưng đây lại là cơ hội để ông khẳng định bản lĩnh, để tạo uy tín trên chiếc ghế mới: xử đúng người, không lọt tội! Cứ đi hỏi dân, không thì lên tiếng để báo chí cung cấp băng ghi âm chuyện ông ấp, ông xã ban đầu tố ai gợi ý.
Sai thì sửa, đừng bao che! Có vậy, lòng dân và cả cấp dưới mới tin.
Thanh Ngọc