Những ngày qua, rất nhiều người lên tiếng bức xúc, từ chỉ trích gay gắt đến thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của nền giáo dục Việt Nam. Họ nhắc tới vụ rất nhiều sĩ tử đạt điểm rất cao 29 - 30 điểm, kịch khung 3 môn thi mà vẫn không đỗ đại học.

Suy nghĩ về nền giáo dục Việt Nam

Nguyễn Văn Lạng | 29/09/2021, 08:53

Những ngày qua, rất nhiều người lên tiếng bức xúc, từ chỉ trích gay gắt đến thẳng thắn chỉ ra những yếu kém của nền giáo dục Việt Nam. Họ nhắc tới vụ rất nhiều sĩ tử đạt điểm rất cao 29 - 30 điểm, kịch khung 3 môn thi mà vẫn không đỗ đại học.

Những trả lời phỏng vấn của các GS, TS có chức vụ, có quyền, học hàm học vị to hết cỡ đã như lửa đổ thêm dầu. Tại sao? Lạ nhỉ? Chưa thấy ở nơi đâu trên trái đất này lạ thế. Chúng tôi, những thế hệ đầu tiên thi vào đại học thời chiến tranh năm 1970. Khi đó, Bộ trưởng Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp, GS Tạ Quang Bửu trực tiếp là Trưởng ban tuyển sinh đại học và ra đề toán khó lắm. Điểm cao hiếm lắm. Hầu như không có ai 30 điểm 3 môn. Chỉ 24 - 25 điểm đã thủ khoa của trường rồi. Thế hệ chúng tôi nó thế. Còn bây giờ thì thế. 

Có lẽ phải bình tâm, suy ngẫm, tham khảo, điều tra mới đánh giá trung thực, khách quan và đề xuất giải pháp tháo gỡ ngòi nổ lúc này. Có lẽ nền kinh tế thị trường kiểu Việt Nam, văn hóa phương đông, các hội chứng đám đông thành tích "con gà tức nhau tiếng gáy”, trăm hoa đua nở, học để lấy bằng lấy danh tô đẹp lý lịch vào đời... đã một phần tạo ra cái kết cục này. Chúng ta coi “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, hay quá! Đúng quá! Tuyệt quá! Ít có quốc gia coi thế! Nhưng họ làm thế! Họ thành công.

- Có lẽ bắt đầu từ triết lý giáo dục? Chúng ta chưa có nó thì phải! Hoặc mang máng đâu đó trong các nghị quyết luật nghị định thông tư có đôi câu ná ná như "triết lý giáo dục". Có lẽ cần có cuộc trưng cầu, hiến kế mới có khả năng tìm ra triết lý cho cái quốc sách hàng đầu thứ nhất này. Nền giáo dục khai phóng!

- Phải đặt nhiệm vụ tối quan trọng, mục tiêu, giải pháp cho giáo dục - đào tạo mà công việc đầu tiên là dành ngân sách lớn ưu tiên nhất cho giáo dục. Nhìn Bắc Triều Tiên, Cuba thử xem, họ khó thế mà chi thế cho giáo dục, y tế lớn thế. Các quốc gia với nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới như những nước Bắc Âu, Đức, Nhật... đều có chính sách ưu đãi, ưu tiên chi cho giáo dục. Cần xem lại và phân lập rõ ràng công - tư.

- Cần đánh giá kết quả thực chất chương trình xã hội hóa giáo dục: được gì, mất gì? Hàng trăm trường đại học ra đời ở bao nhiêu tỉnh thành? Mô hình đại học vùng, đại học quốc gia? Vấn đề liên kết đào tạo của các trường đại học với các trung tâm giáo dục thường xuyên, các cơ sở… của 63 tỉnh thành, các liên kết quốc tế trong đào tạo có thực chất không? Chất lượng học thêm dạy thêm và các mặt tích cực, tiêu cực của nó…?

- Chương trình đào tạo chắc cũng là vấn đề cần bàn cãi nhất và khó có hồi kết. Chọn chương trình nào cho hệ phổ thông, cho hệ đại học? Các chương trình nào, môn nào bắt buộc cứng? Các chương trình nào cho các trường tự chọn, tự nhập, tự soạn? Có nên mạnh dạn cắt bỏ một phần chương trình không thật sự hữu ích, lạc hậu, lỗi thời? Từ lựa chọn chương trình ta quyết định tới sách giáo khoa, sách học thêm, nâng cao và tham khảo? Hãy học cách người Nhật, Hàn, Nga, Mỹ, Bắc Âu thành công trong giáo dục.

- Học hàm, học vị, bằng cấp và chứng chỉ. Vấn đề khá thú vị tốn bao công sức giấy mực. Tôi nghĩ ta phải quốc tế hóa thôi. Có lẽ ít có quốc gia có Hội đồng giáo sư cấp nhà nước như ta! Nên trao quyền phong học hàm học vị cho các đại học. Nhà nước, Bộ Giáo dục - Đào tạo nên chỉ ra tiêu chí, tiêu chuẩn, hạn ngạch và thanh tra kiểm tra việc các trường thực hiện. Không có giáo sư suốt đời. Không có cán bộ quản lý mang học hàm giáo sư. Học vị thì nên có nhưng phải thực tế, thật! Có nên chăng một xã hội học tập, học suốt đời thì cần cấp cho một người 1-2 bằng đại học chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị, quản lý. Họ có thể học rất nhiều đại học nhưng cũng chỉ cấp bằng đại học thế thôi, còn lại là cấp các chứng chỉ đã học hết chương trình đại học A, B, C…

- Hãy thử làm cuộc điều tra kết quả đào tạo của một vài trường: xem đầu vào, đầu ra? Bao nhiêu người tốt nghiệp đại học, sau đại học không có việc làm? Làm trái nghề? Bao nhiêu sinh viên đi du học về nước, không về nước? Sự thành công của họ? Chắc sẽ có một con số một thống kê lý thú!

- Thêm nữa, theo tôi ta có nên ra tiêu chí, tổ chức và công bố xếp hạng các trường THPT và đại học không? Và so sánh đăng ký để các tổ chức quốc tế xếp hạng?

- Nên thống kê đánh giá số lượng lên danh sách các nhà khoa học, các GS, TS, giảng viên là người Việt ở khắp các nước trên thế giới, đồng thời kêu gọi, trải thảm đỏ mời họ về tham gia giảng dạy đào tạo ở các trường đại học, trường chuyên nghiệp… Chúng ta có rất nhiều người đỗ các giải cao của các kỳ thi, cuộc thi quốc tế, quốc gia, họ du học nhưng không về nước! Nguồn lực lớn quý báu là tài nguyên nhân lực, nguyên khí quốc gia cần sớm được có chính sách: môi trường làm việc, tài trợ trả lương, chế độ đãi ngộ mọi mặt... để họ dốc lòng tham gia phụng sự nền giáo dục - đào tạo và khoa học nước nhà.

- Thế trong giáo dục nói chung, trong mỗi trường học, lớp học nói riêng thì ai là đối tượng quan trọng, quan tâm và trung tâm nhất để xây dựng chính sách? Có lẽ cũng đã biết bao cuộc hội nghị, hội thảo…. Theo tôi thì THẦY GIÁO - NGƯỜI THẦY là quan trọng nhất, là trung tâm của lớp học, trường học, của cả nền giáo dục. Ông cha ta từng dạy  “Không thầy đố mày làm nên”, “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”…. Đó sao ? Vì lý lẽ đó phải tập trung lựa chọn, đào tạo, sử dụng, trả lương cao đúng với giá trị, sức lực, tâm huyết, trí tuệ của các thầy cô với sự nghiệp giáo dục bọn trẻ. Và để đáp lại sự tôn sư trọng đạo ấy của nhà nước, xã hội, học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thì mỗi thầy cô và cả người làm quản lý, quản trị giáo dục phải nhận thấy để học tập, tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi không biết mệt mỏi… Để mỗi khi đứng trên bục giảng, hay ngoài đời các thầy cô phải là tấm gương về Tâm, Trí, Đức… cho học sinh noi theo và phụ huynh kính nể trọng. 

Có hàng vạn các nhà khoa học chân đất, những nông dân, công nhân, người bình thường ở khắp nơi có hàng vạn phát minh sáng chế. Họ làm việc bằng tâm huyết, bằng sự hối thúc hằng ngày của cuộc mưu sinh… Nên mời họ tham gia trình bày, trình diễn những thành công, kết quả của họ trong các trường đại học nhân các tọa đàm, hội thảo, hội chợ, gặp mặt…, để họ trao đổi với sinh viên, giảng viên. Hoặc có thể tổ chức cho sinh viên tới thăm họ, thăm học tập các dây chuyền công nghệ thực tế, hơn là kiểu học chay, học ở phòng thí nghiệm!

- Cuối cùng là hãy giảm nhẹ mọi gánh nặng vật chất, tiền bạc, tâm lý… cho người học, phụ huynh và xã hội. Dành những điều kiện tốt nhất cho trường học, học sinh, sinh viên, thầy cô giáo và nhà quản lý giáo dục để mọi người tận tâm tận lực, vui vẻ phấn khởi, yêu thích học và dạy! Cuộc đời người ngắn lắm, lại vô thường, mà trong đời mỗi con người, giai đoạn học sinh, sinh viên là giai đoạn đẹp nhất! Nghề dạy học là nghề cao đẹp nhất! Các em các cháu học phải vui, hồ hởi, phải có thời gian vui chơi... thì sự học mới có chất lượng. Đừng biến các em các cháu thành thợ học.

TS Nguyễn Văn Lạng

(nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Suy nghĩ về nền giáo dục Việt Nam