Câu hỏi về bản quyền của tác phẩm từ trí tuệ nhân tạo (AI) nóng lên trong thời gian gần đây.
Tuần trước một bộ truyện tranh Nhật Bản dài 100 trang vẽ bằng AI vừa được bán ra. Tác giả thừa nhận bản thân không có khiếu hội họa nhưng chỉ mất 6 tuần hoàn thành bộ truyện. Ông nhập từ khóa - chẳng hạn như “tóc hồng” hay “chàng trai châu Á” - và AI dựa vào đó cho ra hình ảnh nhân vật chính.
Tháng trước Văn phòng Bản quyền Mỹ (USCO) quyết định hình ảnh trong tiểu thuyết đồ họa Zarya of the Dawn tạo ra bởi hệ thống Midjourney không nên được bảo vệ bản quyền. Đây là một trong những quyết định đầu tiên từ một cơ quan Mỹ về phạm vi bản quyền đối với tác phẩm do AI tạo ra. Hiện nay luật pháp hầu hết quốc gia đều chưa quy định vấn đề này.
Tác phẩm AI
Khi AI ngày càng phổ biến, ngày càng nhiều nghệ sĩ thử nghiệm sử dụng chúng. Nghệ sĩ thị giác người Singapore Wyn-Lyn Tan dùng AI như công cụ phát triển hoạt động nghệ thuật. Cuộc triển lãm mới nhất của cô trưng bày 20 bức tranh cùng 6 tác phẩm video tạo ra bởi AI.
Để sáng tác tác phẩm nghệ thuật AI, Tan cung cấp hàng nghìn hình ảnh của tranh cô vẽ cho chương trình máy học. Chương trình tạo ra tác phẩm mới dựa trên tác phẩm cũ. “Nền tảng kỹ thuật số này thôi thúc tôi suy nghĩ cách sử dụng nó mở rộng ngôn ngữ hội họa của mình”, Tan chia sẻ.
Lim Wui-Liang cũng dùng Midjourney cho dự án tên AI Art News. “Tôi không thể tự mình tạo ra một số tác phẩm. Nhưng với AI, bất cứ điều gì tôi hình dung trong đầu đều có thể được tạo ra chỉ trong vài giây”, Lim nói.
Quyền tác giả và tính độc đáo
Ngày nay sử dụng AI đã trở thành việc bình thường, nhưng luật pháp vẫn chưa bắt kịp. Luật sư Ronald Wong - Giám đốc Công ty luật Covenant Chambers - lưu ý: “Hiện tại vẫn chưa có định nghĩa pháp lý nào cho tác phẩm AI. Thuật ngữ “tác phẩm” không có nghĩa đây là nội dung mang tính nghệ thuật mà còn có cả các hình thức khác như hình ảnh, thiết kế, nhạc, video”.
“Một quan điểm pháp lý cho rằng tác phẩm AI được tạo ra không có quyền tác giả con người, còn tác phẩm truyền thống được tạo ra bởi tác giả là con người. Quyền tác giả con người là yếu tố cần thiết để phát sinh bản quyền”, luật sư Wong nói thêm.
Ông còn cho biết: “Tính độc đáo cũng là yêu cầu với bản quyền. Một số người lập luận không có tác giả là con người thì không có tính độc đáo”.
Giáo sư David Tan (Trung tâm Công nghệ - robot - trí tuệ nhân tạo và luật, Đại học quốc gia Singapore) phân tích: “Những gì bạn sử dụng để tạo ra tác phẩm chỉ là công cụ hỗ trợ, chẳng hạn như dùng sơn acrylic vẽ trên vải, dùng piano sáng tác nhạc. Vì vậy AI dù tinh vi đến đâu khi được sử dụng như một công cụ thì cũng như bao công cụ truyền thống khác”.
Nghệ sĩ Tan khẳng định tác phẩm AI của cô thuộc về chính cô. Chương trình chỉ đơn giản là tạo ra thứ gì đó từ những gì cô cung cấp (tranh do chính Tan vẽ). Thành phẩm chương trình tạo ra cũng cần được Tan chỉnh sửa.
Lim cũng cho rằng AI không thể làm hết mọi việc. Ông dựa trên tin tức xây dựng nên câu chuyện, nhập từ khóa vào Midjourney. “Bộ ảnh đầu tiên thường không thành công. Tôi tinh chỉnh từ khóa và lặp lại quy trình cho đến khi có hình ảnh ưng ý”, Lim cho biết.
Luật bản quyền có nên sửa đổi?
Giáo sư Tan không ủng hộ công nhận tác phẩm do AI tự chủ tạo ra. Ông chỉ ra hiện chưa quốc gia nào làm vậy. Ngay cả ở Anh nơi bảo vệ bản quyền tác phẩm tạo ra bởi máy tính, tòa án vẫn yêu cầu xác định tác giả là người hoàn thành các bước cần thiết để tạo tác phẩm.
Luật sư Wong khuyên nghệ sĩ nên lưu lại chữ ký hoặc dấu vân tay trên tác phẩm: “Có sự sao chép đáng kể và mối liên hệ nhân quả giữa tác phẩm có bản quyền với tác phẩm do AI tạo ra thì sẽ có hành vi vi phạm bản quyền”.
Lim cho rằng tác phẩm AI nên được bảo vệ bởi luật bản quyền, nhưng ông thừa nhận việc này khá khó khăn: “Một số người có thể lập luận rằng tác phẩm AI vi phạm bản quyền vì nó dựa trên tác phẩm của họ, do đó nó không phải tác phẩm gốc hoặc không đủ điều kiện đăng ký bản quyền. Hoặc vì tác phẩm AI tạo ra bởi máy móc nên không thể được đăng ký bản quyền”.