Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cách chơi. Việt Nam có thể học theo mối quan hệ Phần Lan và Nga. Phần Lan đón nhận nguồn vốn đầu tư cực lớn từ Nga nhưng biết chọn lọc, sử dụng phát triển công nghệ, phát triển kinh tế.

Tận dụng FDI từ Trung Quốc, chúng ta nên học cách Phần Lan chơi với Nga

Nhàn Đàm | 16/03/2017, 10:42

Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cách chơi. Việt Nam có thể học theo mối quan hệ Phần Lan và Nga. Phần Lan đón nhận nguồn vốn đầu tư cực lớn từ Nga nhưng biết chọn lọc, sử dụng phát triển công nghệ, phát triển kinh tế.

Một trong những thông tin nhận được nhiều sự chú ý trong nền kinh tế những ngày gần đây, là việc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Trung Quốc vào Việt Nam đang có dấu hiệu tăng mạnh kể từ đầu năm 2017. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã vươn lên vị trí thứ hai trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, đạt khoảng 721 triệu USD và chỉ đứng sau Singapore (theo CafeF), vượt qua những nền kinh tế vốn dẫn đầu trong vài năm trở lại đây như Hàn Quốc hay Nhật Bản.

Việc nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đổ vào Việt Nam tăng mạnh như thường lệ đang dấy lên những sự bất an nhất định, chủ yếu là do những vấn đề liên quan đến các dự án trước đây có dính líu đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế những lo lắng về sự gia tăng mạnh nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc trong thời gian qua mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong hoạt động thu hút FDI của Việt Nam. Có một thực tế là cho đến giờ, có lẽ Việt Nam vẫn chưa nhìn thẳng vào vấn đề FDI của chính mình.

Nhận định về sự gia tăng mạnh mẽ nguồn vốn FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, chuyên gia kinh tế TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Nhiều ý kiến lo ngại nguồn vốn đầu tư Trung Quốc không mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam về môi trường, công nghệ… Thế nhưng, Việt Nam không thể từ bỏ cuộc chơi với Trung Quốc mà quan trọng phải biết cách chơi. Việt Nam có thể học theo mối quan hệ Phần Lan và Nga. Phần Lan đón nhận nguồn vốn đầu tư cực lớn từ Nga nhưng biết chọn lọc, sử dụng phát triển công nghệ, phát triển kinh tế”. (theo CafeF).

Nói cách khác, trong lĩnh vực thu hút và sử dụng vốn đầu tư FDI, vấn đề trước hết thuộc về nước chủ nhà mà ở đây là Việt Nam. Nếu chúng ta có một hệ thống luật pháp, quy định hoàn thiện cùng một chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI hợp lý, thì không cần phải lo ngại nguồn vốn FDI ấy đến từ đâu, mà thậm chí ngược lại càng nhiều vốn đầu tư thì càng tốt. Vì Việt Nam đang chưa có những điều đó, nên về lý chúng ta phải lo ngại tất cả, chứ không chỉ riêng các dự án FDI từ Trung Quốc.

Nguyên nhân căn bản và sâu xa nhất cho tình trạng này đó là Việt Nam đang định vị sai vai trò của đầu tư FDI trong nền kinh tế. Nếu như hầu hết các quốc gia khác trong khu vực và thế giới xác định vai trò lớn nhất của FDI là chuyển giao vốn và công nghệ cho nền kinh tế của mình, thì Việt Nam lại coi đây là động lực tăng trưởng chủ đạo cho nền kinh tế. Chúng ta thường xuyên bắt gặp các cụm từ rất điển hình trên các phương tiện truyền thôngnhư “vì nôn nóng đạt mục tiêu tăng trưởng, lãnh đạo một số tỉnh đã chấp thuận cho phép thu hút dự án đầu tư FDI ồ ạt”,… đó là những biểu hiện cho thấy Việt Nam thu hút FDI một phần lớn là vì muốn đẩy cao tốc độ tăng trưởng kinh tế, chứ không phải là vì muốn chuyển giao vốn và công nghệ. Quay trở lại thời điểm những năm 2010-2011, kinh tế Việt Nam vừa thoát khỏi khủng hoảng vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên dưới 5%, không cần phải đưa ra những con số thống kê cũng hiểu được lý do vì sao.

Chính sách sai lầm này đã và đang đưa đến những hậu quả nghiêm trọng và hệ lụy khủng khiếp. Trước hết, nó làm xói mòn những động lực tăng trưởng chủ đạo khác của nền kinh tế Việt Nam, mà chủ yếu là khu vực kinh tế tư nhân. Theo thống kê, giai đoạn sau năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO và bắt đầu đón nhận lượng vốn đầu tư FDI tăng vọt thì đây cũng là giai đoạn các loại giấy phép con vốn là ác mộng củadoanh nghiệp tư nhân tăng vọt. Quy mô doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam ở thời điểm hiện tại so với thời điểm đầu những năm 2000 giảm rất mạnh.

Khi động lực tăng trưởng chủ đạo đã chuyển sang tay khu vực FDI, thì việc sa sút của khối tư nhân là điều dễ hiểu, khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và Chính phủ cho khu vực này giảm đi, còn các rào cản kinh doanh và lạm thu thì tăng lên. Việc những số liệu thống kê đáng báo động về khu vực doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam (chỉ có 3% là doanh nghiệp lớn, và trên 90% là doanh nghiệp quy mô nhỏ và siêu nhỏ), cũng như những nỗ lực hỗ trợ như chương trình “Quốc gia khởi nghiệp” thời gian vừa qua, đều có nguyên nhân sâu xa từ sự ghẻ lạnh đối với doanh nghiệp tư nhân do cách nhìn sai lệch về FDI những năm trước đây tạo ra.

Và để đổi lại những cái giá cực đắt đó, Việt Nam thu được những gì từ sự ưu đãi quá lớnFDI này? Trước hết là nguy cơ về môi trường, khi theo thống kê có tới 80-90% dự án đầu tư FDI vào Việt Nam có công nghệ trung bình và thấp (chỉ có 3% dự án có công nghệ cao), tỷ lệ doanh thu ở lại nền kinh tế nội địa rất thấp trong khi các nguy cơ môi trường phải gánh chịu lại quá cao.

Không chỉ thất bại trong việc chuyển giao công nghệ, mà Việt Nam cũng thất bại luôn trong việc chuyển giao vốn từ khu vực FDI. Theo thống kê, số dự án thuộc diện chế tạo dù chiếm tới trên 55% tổng số dự án đầu tư, nhưng chỉ chiếm tỷ lệ vốn khoảng 53,16% mà thôi. Trong khi đó các lĩnh vực khác dù có số dự án rất khiêm tốn nhưng tỷ lệ vốn cực cao, điển hình như bất động sản, chỉ chiếm khoảng 2,6% tổng số dự án nhưng số vốn lại lên tới 21,28% tổng vốn đầu tư (theo The Saigon Times). Nói cách khác, khoảng một nửa số vốn đầu tư FDI vào Việt Nam không nằm trong lĩnh vực chế tạo vốn dĩ lẽ ra phải được ưu tiên cao nhất. Ngoài ra, bình quân vốn trong các dự án thuộc lĩnh vực chế tạo cũng quá nhỏ.

Ngay cả người lao động, vốn là đối tượng được xem như hưởng nhiều lợi ích nhất từ sự tăng trưởng đầu tư FDI, cũng không hẳn như vậy. Theo thống kê, bình quân lương của các doanh nghiệp FDI trong 2 năm 2015 và 2016 thuộc diện thấp hơn mứcbình quân của người lao động nói chung trong nền kinh tế. Theo đó, lương bình quân tại các doanh nghiệp FDI trong 2 năm này lần lượt là 5,24 triệu đồng/tháng và 5,69 triệu đồng/tháng, trong khi mức bình quân chung là 5,31 triệu đồng/tháng và 5,71 triệu đồng/tháng (theo The Saigon Times). Nền kinh tế Việt Nam hiện cũng đang phụ thuộc nặng vào các doanh nghiệp FDI,khi khu vực này hiện chiếm tới trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.

Với những gì vừa đề cập, thật khó hiểu vì sao chúng ta lại phải thu hút cũng như hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho FDI. Kể cả khi chính sách của Nhà nước và Chính phủ đã thay đổi theo hướng thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân như những gì diễn ra trong thời gian vừa qua, thì rõ ràng là Việt Nam vẫn chưa nhìn thẳng vào vấn đề FDI. Phải đến khi nào thì Việt Nam coi vai trò lớn nhất của FDI chỉ là để chuyển giao vốn và công nghệ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế nội địa; đến khi nào Việt Nam mới buộc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam bắt buộc phải thuộc diện công nghệ cao và phải thông qua liên doanh trong nước cũng như buộc chuyển giao công nghệ; chỉđến khi nào Việt Nam có một hệ thống luật pháp, quy định hoàn thiện cùng một chính sách thu hút và sử dụng vốn FDI hợp lý, thì khi đó mới không cần lo ngại về những mặt trái mà các dự án đầu tư FDI gây ra, chứ không chỉ riêng Trung Quốc ở thời điểm hiện tại.

Nhàn Đàm
Bài liên quan
Đà Nẵng: Khởi tố Tổng giám đốc Công ty GFDI cùng thuộc cấp về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Cơ quan CSĐT Công an TP.Đà Nẵng đã khởi tố 5 bị can là lãnh đạo và nhân viên Công ty GFDI về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tận dụng FDI từ Trung Quốc, chúng ta nên học cách Phần Lan chơi với Nga