Theo tính toán của Bộ Tài chính, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu ngân sách tăng khoảng gần 15.600 tỉ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8.000 tỉ đồng.
Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi các bộ ngành và địa phương để xin ý kiến dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có đề nghị tăng thuế đối với một số hàng hóa. Đề xuất có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7 tới.
Hiện nay, mức thuế BVMT do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định đối với xăng, trừ ethanollà 3.000 đồng/lít, dầu diezel: 1.500 đồng/lít. Bộ Tài chính cho biết, theo Nghị định số 83 thì thuế BVMT là một trong các yếu tố cấu thành giá cơ sở và là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước điều hành giá bán lẻ xăng dầu.
Trong dự thảo nghị quyết về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh biểu thuế BVMT đối với một số hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1.7 tới như sau: Mức thuế BVMT của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên kịch khung là 2.000 đồng/kg; Than antraxit tăng từ 20.000 đồng/tấn lên 30.000 đồng/tấn, than nâu, than mỡ và than đá khác tăng từ 10.000đồng/tấn lên 15.000 đồng; dung dịch HCFC tăng từ 4.000đồng/kg lên 5.000 đồng/kg; túi ni lông thuộc diện chịu thuế tăng từ 40.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg.
Xoay quanh vấn đề này, trao đổi với báo chí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết đề xuất này xuất phát từ thực tế hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, đã tham gia 11 FTA. Nhất là xăng, mức thuế cam kết trong WTO là nhập khẩu 40% tuy nhiên mức thuế ưu đãi chỉ có 20%. Theo lộ trình thực hiện các FTA thì Việt Nam còn phải giảm dần mức thuế nhập khẩu đối với xăng dầu. Mức ưu đãi nhất là cả xăng và dầu đều về 0%. Từ 2015, trong ATIGA thì thuế với dầu đã về 0%.
Đối với xăng dầu, ông Thi cho biết hiện nay Việt Nam đang thực hiện các FTA và thuế nhập khẩu đang giảm rất nhanh. Đây là 1 nguồn để bù đắp lại nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, xét trên góc độ BVMT có thể thấy, xăng dầu cũng như túi nilon, HCFC là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường nên việc quy định riêng sắc thuế với xăng dầu để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, từ 1.1.2018 Việt Nam không sử dụng xăng A92 nữa mà sử dụng xăng E5. Vì vậy, việc tăng thuế môi trường sẽ là một cách bảo vệ môi trường. Mặt khác, ông Thi cho rằng giá xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp so với các nước có chung đường biên giới, các nước châu Á.
Nếu tăng thuế môi trường với hàng loạt mặt hàng trên, mức thu về ngân sách nhà nước là một trong những vấn đề cốt lõi được dư luận quan tâm. Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế cho biết theo tính toán của Bộ Tài chính, toàn bộ các mặt hàng dự kiến tăng thuế sẽ làm số thu ngân sách tăng khoảng gần 15.600 tỉ đồng, trong đó riêng xăng sẽ thu khoảng gần 8.000 tỉ đồng. Theo Luật Ngân sách nhà nước, tất cả nguồn thu từ thuế đều tập trung vào ngân sách nhà nước. Trên cơ sở đó phân bổ chi cho các nhiệm vụ theo dự toán Quốc hội quyết định, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ môi trường.
Trong khi đó, trao đổi với báochí Dân Việt, TS. Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế, cho rằng bản chất của thuế BVMT ở Việt Nam không phải là khoản thuế sau khi thu vềsẽ được dùng để chi tiêu trong một lĩnh vực, hay cho một mục đích cụ thể nào đó. Mức thu sẽ hòa chung vào NSNN để sử dụng chi cho các hoạt động khác. Chi cho bảo vệ môi trường chỉ là một đầu mục nhỏ trong đó. Trên danh nghĩa là thu thuế BVMT, nhưng thực ra nó có thể là thuế để bù đắp cho việc cắt giảm thuế xuất nhập khẩu.
Theo TS Minh, thuế đối với mặt hàng xăng, dầu gần như là một sắc thuế bắt buộc tính trên đầu người bởi hầu hết gia đình đều phải sử dụng các phương tiện giao thông phục vụ nhu cầu đi lại. Vậy nên, nó là tác động trực tiếp, không ai có thể tránh được. Số tiền tăng thu 15.684 tỉ đồng/năm chính là số tiền do người dân, doanh nghiệp bỏ ra.
Theo Bộ Tài chính, hiện thuế BVMT với xăng, dầu đang chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường (khoảng 93%) nhưng vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay của Việt Nam vẫn đang ở mức báo động. Điều này cho thấy số tiền thu từ thuế từ dân để bảo vệ môi trường chưa được sử dụng hiệu quả. Vì vậy, nhiều ý kiến băn khoăn việc tăng thuế lên 4.000 đồng/lít có giúp cho Việt Nam bảo vệ môi trường tốt hơn?TS Minh cho rằng nếu thu thông qua thuế BVMT để bù đắp ngân sách, trong khi chất lượng môi trường không được cải thiện thì mọi thứ dễ trở nên sáo rỗng, tạo thông điệp sai.
"Đây là một trong những lý do tôi không đồng tình với việc tăng thuế BVMT vì nó làm sai lệch thông điệp về bảo vệ môi trường. Đaphần thuế đó là thuế bảo vệ môi trường thì phải dùng số tiền đó cho hoạt động bảo vệ môi trường", TS Minh cho hay.
Về vấn đề tác động đến người nghèo nếu tăng thuế BVMT, vị chuyên gia này nhận định người nghèo cũng khó có khả năng tiết kiệm được hay mong chờ được hưởng lợi ích lâu dài. Bởi bản thân họ nhiều khi còn có nhu cầu di chuyển, vận chuyển nhiều hơn so với người giàu để có một mức thu nhập cao hơn. Cũng chính bởi xăng, dầu là hàng hóa thiết yếu nên người dân không thể không sử dụng chúng, không thể lựa chọn dịch chuyển từ sử dụng xa xỉ phẩm sang hàng hóa bình thường như trường hợp của nhiều hàng hóa khác.
"Không những về mặt tuyệt đối, mà ở mặt tương đối và nhìn về lâu dài, người nghèo vẫn chịu thiệt nhiều hơn các đối tượng có thu nhập cao hơn. Đó là lý thuyết chung đối với các sắc thuế áp dụng cho những mặt hàng thiết yếu", TS Minh khẳng định.
Tuyết Nhung