Nền kinh tế Trung Quốc vào quý 3 tiếp tục chứng kiến mức tăng trưởng thấp kỷ lục. Với việc chỉ đạt 6% so với cùng kỳ năm ngoái, đây được coi là mức tăng trưởng yếu nhất trong gần 3 thập kỷ qua của nước này giữa lúc cuộc chiến thương mại với Mỹ vẫn chưa có hồi kết.
Theo số liệu thống kê của chính phủ Trung Quốc được công bố ngày 18.10, GDP quý 3 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chỉ đạt tăng trưởng 6%, mức thấp nhất kể từ năm 1992 và giảm so với mức tăng 6,2% của quý trước.
Thực tế này xuất phát từ các hoạt động kinh tế ảm đạm của Trung Quốc trong bối cảnh nước này phải đối đầu với Mỹ trong một cuộc thương chiến vốn đã gây tổn hại cho hoạt động của nhà máy, xuất khẩu, dẫn đến nhu cầu nội địa suy yếu cùng với việc giảm đầu tư từ nước ngoài.
Các chuyên gia kinh tế nhận định rằng với thực tế đó, một loạt các biện pháp kích thích của chính phủ Trung Quốc thời gian qua, bao gồm cắt giảm thuế hay nới lỏng các quy tắc vay vốn vẫn chưa có hiệu quả rõ rệt, và cho biết Bắc Kinh sẽ cần triển khai thêm nhiều các biện pháp hiệu quả hơn nhằm thúc đẩy thương mại và ngăn chặn đà giảm sâu của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Hiện nay, triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là khó có thể có những thay đổi sớm mang tín hiệu khả quan ngay cả khi những căng thẳng thương mại kéo dài giữa Bắc Kinh và Washington được giảm bớt phần nào.
Được biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tuần trước đã công bố một thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” mà hai nước đạt được qua các cuộc đàm phán cấp cao tại Washington. Theo đó, Mỹ quyết định hoãn kế hoạch tăng thuế từ 25% lên 30% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực từ ngày 15.10 và xác nhận đợt áp thuế tiếp theo dự kiến bắt đầu từ ngày 15.12. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng khẳng định hai bên vẫn còn rất nhiều việc phải làm tiếp theo trong nỗ lực kết thúc cuộc thương chiến với Trung Quốc.
Hoàng Vũ (theo Reuters)