Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc đã và đang kết hợp với hãng hàng không Vietjet để trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của tập đoàn này vào khai thác tại Việt Nam.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Tập đoàn Trung Quốc muốn đưa máy bay vào khai thác tại Việt Nam

Tuyết Nhung 06/11/2024 23:00

Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc đã và đang kết hợp với hãng hàng không Vietjet để trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của tập đoàn này vào khai thác tại Việt Nam.

Chiều 6.11, trong chương trình công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ngụy Ứng Bưu - Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC).

img2247-1730890032717300398595.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Ngụy Ứng Bưu - Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Máy bay thương mại Trung Quốc (COMAC) - Ảnh: VGP

COMAC là một doanh nghiệp quốc doanh được thành lập vào năm 2008, có trụ sở tại Thượng Hải, nhằm mục tiêu phát triển ngành hàng không thương mại của Trung Quốc. Công ty nổi tiếng với dòng tàu bay C919, mẫu tàu bay thân hẹp đầu tiên được thiết kế và sản xuất hoàn toàn tại Trung Quốc, hứa hẹn sẽ cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của các hãng máy bay nổi tiếng khác. Ngoài C919, COMAC còn phát triển mẫu tàu bay ARJ21, một dòng tàu bay khu vực.

Ông Ngụy Ứng Bưu khẳng định COMAC rất coi trọng thị trường Việt Nam khi kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh, đặc biệt là ngành hàng không Việt Nam là một động lực của ngành hàng không khu vực; mong muốn đẩy mạnh hợp tác với các đối tác Việt Nam để cụ thể hóa, triển khai nhận thức chung, thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước.

COMAC đã và đang kết hợp với hãng hàng không Vietjet để trao đổi sâu về kỹ thuật nhằm tiến tới đưa máy bay của COMAC vào khai thác tại Việt Nam.

Theo Thủ tướng, thời gian qua, với nỗ lực chung của hai bên, quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đang phát triển ngày càng sâu sắc, thực chất và toàn diện, trong đó hợp tác hàng không giúp kết nối, thúc đẩy thương mại, đầu tư được Việt Nam coi trọng.

Thủ tướng đánh giá cao đề xuất hợp tác của COMAC đối với Việt Nam khi đã triển khai đưa máy bay C919 đến Việt Nam trong triển lãm vào tháng 2.2024; hoan nghênh COMAC tiếp tục khảo sát, nghiên cứu thị trường, thúc đẩy hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có Vietjet, nhất là nghiên cứu, đánh giá các tàu bay để có thể lựa chọn phù hợp, theo các hình thức linh hoạt, giúp đa dạng đội bay của Việt Nam, thực hiện các chuyến bay đem lại hiệu quả cao.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị COMAC và Vietjet thúc đẩy hợp tác dưới nhiều hình thức, trong đó COMAC có hỗ trợ Vietjet về giá và các ưu đãi khác.

Cùng với đó, Thủ tướng đề nghị COMAC nghiên cứu hợp tác, khai thác các đường bay khác tại Việt Nam và giữa Việt Nam với Trung Quốc; hỗ trợ, hợp tác với Việt Nam về phát triển khoa học, công nghệ khai thác không gian phục vụ phát triển đất nước.

Phó tổng giám đốc thường trực Tập đoàn COMAC cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với Vietjet để triển khai; mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện và hỗ trợ để hợp tác giữa Vietjet và COMAC trở thành một điểm sáng, mô hình mới trong hợp tác giao thông vận tải giữa hai nước.

Bài liên quan
Máy bay ném bom Su-34 của Nga tấn công cứ điểm Ukraine tại Kursk
Bộ Quốc phòng Nga ngày 23.10 thông báo một máy bay ném bom Su-34 của nước này vừa thành công phá hủy cứ điểm Ukraine tại vùng biên giới Kursk bằng bom lượn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cần có tầm nhìn rõ ràng, tránh 'đẽo cày giữa đường'
Ngày 26.12, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì phiên họp về đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia, trong đó yêu cầu có tầm nhìn rõ ràng về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách, tránh "đẽo cày giữa đường".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tập đoàn Trung Quốc muốn đưa máy bay vào khai thác tại Việt Nam