Trung Quốc có thể tiến hành theo dõi, cảnh cáo, xua đuổi, dùng tàu và máy bay không người lái để trinh sát gần, cảnh cáo, phô trương khả năng tấn công cự ly xa, gây nhiễu điện từ...
Hiện nay, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson đã tiến hành vào Biển Đông tiến hành tuần tra theo thường lệ, thực hiện hành động tự do đi lại. Mỹ rõ ràng muốn thách thức yêu sách chủ quyền vô lý, phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nhưng, lần này Mỹ có cho tàu chiến, máy bay hoạt động ở vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo trên Biển Đông hay không vẫn còn chờ quan sát. Trước đó, báo chí Mỹ cho rằng tàu chiến Mỹ có thể hiện diện ở vùng biển 12 hải lý này để thách thức yêu sách của Trung Quốc.
Đối với vấn đề này, tờ Hoàn cầu Thời báocủaTrung Quốc ngày 21.2 đã đưa ra một số tình huống, trường hợp xảy ra liên quan đến cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson của Hải quân Mỹ đang hoạt động trên Biển Đông hiện nay.
Thứ nhất là xuất hiện trường hợp thời gian diễn tập của biên đội huấn luyện biển xa Trung Quốc trùng với thời gian hoạt động tuần tra của cụm tấn công tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông.
Thực ra, biên đội tàu chiến Trung Quốc đã kết thúc diễn tập ở Biển Đông vào ngày 17.2. Trong khi đó, tàu sân bay USS Carl Vinson ngày 18.2 mới bắt đầu tuần tra ở Biển Đông. Nhưng nếu thời gian hoạt động của hai bên trùng nhauthì sẽ xuất hiện vấn đề.
Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, thông thường, các cuộc diễn tập trên biển của các nước đều sẽ được thông qua tổ chức hàng hải quốc tế để thông báo trước cho cộng đồng quốc tế về vùng biển cấm đi lại, nhắc nhở tàu thuyền, máy bay các nước chú ý tránh né. Trung Quốc cũng không ngoại lệ.
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson -Ảnh: End Time Headlines
Ngoài vùng cấm hoạt động này, các hoạt động trinh sát thông thường của tàu chiến quân đội Mỹ hoàn toàn không vi phạm luật pháp quốc tế. Trên thực tế, tàu chiến các nước tiến hành trinh sát và thu thập tình báo ngoài vùng biển diễn tập của nước khác đều thuộc thông lệ quốc tế, chẳng hạn Mỹ và Nga đều từng phê phán các hoạt động trinh sát như vậy của đối phương.
Tháng 12.2016, khi tiến hành huấn luyện biển xa, tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc cũng từng bị tàu chiến Nhật Bản giám sát, theo dõi. Khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân cho rằng việc người khác quan tâm, theo dõi mà không vi phạm luật pháp, không gây trở ngại cho an toàn và tự do đi lại thì Trung Quốc cũng không quan tâm.
Nhưng, chuyên gia Lý Kiệt nhắc nhở rằng "nếu tàu chiến Mỹ bất chấp cảnh báo, đi vào vùng biển diễn tập của Hải quân Trung Quốc thì tình hình sẽ khác".
Năm 2013, khi Hải quân Trung Quốc tổ chức cuộc diễn tập “Cơ động 5” ở khu vực Tây Thái Bình Dương, tàu chiến và máy bay Nhật Bản đã nhiều lần tiến vào khu vực diễn tập của Trung Quốc và ở lại trong thời gian dài, gây cản trở nghiêm trọng cho diễn tập.
Lý Kiệt cho rằng nếu tiếp tục gặp phải tình huống tương tự thì Trung Quốc có thể lựa chọn tiến hành diễn tập bắn đạn thật như thường lệ. Do đó, hậu quả tấn công nhầm hay làm ngộ thương sẽ do bên chủ động gây khiêu khích phải chịu.
Thứ hai, xuất hiện trương hợp biên đội tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc gặp nhau trên Biển Đông. Chẳng hạn, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc “gặp” biên đội tàu sân bay USS Carl Vinson Mỹ.
Chuyên gia Lý Kiệt nói Biển Đông là một trong những tuyến đường hàng hải quan trọng nhất và nhộn nhịp nhất thế giới, tàu thuyền các nước được hưởng tự do đi lại bình thường.
Nếu biên đội Hải quân Trung Quốc và Mỹ gặp nhau bình thường ở vùng biển quốc tế thì không có gì đặc biệt, hai bên thường sẽ tiến hành trao đổi và thăm hỏi đơn giản bằng vô tuyến điện hoặc tín hiệu cờ. “Quy tắc gặp nhau bất ngờ trên biển” đã được Hải quân Trung Quốc và Mỹ tập luyện nhiều lần cũng có lợi cho làm giảm phán đoán nhầm.
Chuyên gia Lý Kiệt cho rằng nếu bị đối phương khiêu khích thì Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp trả. Tháng 12.2013, cũng ở Biển Đông, khi gặp biên đội tàu sân bay Liêu Ninh, tàu tuần dương USS Cowpens CG-63 Mỹ đã bất chấp cảnh báo của Trung Quốc, tiến hành áp sát tàu sân bay Liêu Ninh để thu thập tình báo. Khi đó, một chiếc tàu đổ bộ xe tăng Trung Quốc trong biên đội tàu Liêu Ninh đã được điều ra ngăn cản tàu tuần dương Mỹ và ép tàu Mỹ rút lui.
Trải qua vài năm xử lý từcảnh cáođến xua đuổi, thậm chí “đụng va hợp lý”, đến nay Hải quân Trung Quốc đã có kinh nghiệm và các biện pháp ứng phó hoàn thiện hơn.
Thứ ba, xuất hiện trường hợp cụm tấn công tàu sân bay Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý của đảo, đá ngầm trên Biển Đông. Tờ Thời báo Hải quân Mỹ trước đó đã cho rằng khả năng này là lớn.
Chuyên gia Lý Kiệt cho rằng nếu tình huống này thực sự xảy ra, dựa vào thái độ cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó trong vấn đề Biển Đông, hành động tự do đi lại của Hải quân Mỹ ở Biển Đông sau khi ông lên cầm quyền sẽ không có nhiều khả năng tiến hành “lặng lẽ”.
10 tàu đổ bộ của Trung Quốc tiến hành diễn tập ở Biển Đông -Ảnh: Sina
Trong khi đó, các hành động làm gia tăng bầu không khí căng thẳng tương tự cũng từng được Mỹ tiến hành trước đó. Tháng 10.2015, tàu khu trục USS Lassen củaHải quân Mỹ tiến hành tuần tra vùng biển 12 hải lý của đá Xu Bi và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp). Trung Quốc đã điều tàu khu trục Côn Minh Type 052D đến để tiến hành “theo dõi”, “bám theo” và “cảnh cáo”.
Theo chuyên gia Lý Kiệt, nếu lần này tàu chiến Hải quân Mỹ làm như cũ, ngoài các hành động truyền thống như “cảnh cáo, bám theo, xua đuổi”, Trung Quốc đã có nhiều lựa chọn hơn. Chẳng hạn Trung Quốc có thể điều tàu và máy bay không người lái tiến hành “trinh sát gần” và “cảnh cáo” đối với tàu chiến Mỹ áp sát đảo, đá ngầm, phô trương nhất định khả năng tấn công cự ly xa của Trung Quốc, đồng thời thử phản ứng của đối phương.
Ngoài ra cũng có thể sử dụng công nghệ gây nhiễu điện từ, làm cho một bộ phận hệ thống của tàu chiến, máy bay Mỹ mất tác dụng, sử dụng thủ đoạn sát thương mềm này để tiến hành cảnh cáo sẽ có hiệu quả hơn so với đưa ra các tuyên bố cứng rắn.
Theo Viet Times