Giá thịt lợn trên cả nước đang trên đà gia tăng mấy ngày qua. Đáng nói, ở một số khu vực, giá lợn hơi đã tăng từ 2 - 5 giá, trong đó tăng mạnh nhất là khu vực phía Bắc.
Sáng nay, giá lợn hơi trên cả nước tiếp tục tăng khoảng từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Tại miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay tăng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, dao động trong khoảng 74.000 - 80.000 đồng/kg.
Tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên, giá thu mua tiếp tục điều chỉnh tăng ở nhiều tỉnh thành, mức tăng dao động trong khoảng từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, dao động từ 72.000 - 76.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại miền Nam, nhiều khu vực tăng tới 3.000 đồng/kg, giá được các thương lái giao dịch trong khoảng 71.000 - 75.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của PV tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như: Chợ Xanh Định Công, chợ Láng Hạ, chợ Thành Công, chợ 8/3... giá thịt lợn đã tăng nhẹ so với tuần trước. Ví dụ như thịt chân giò, thịt vai, ba chỉ, nạc thăn,... dao động ở mức 110.000 - 130.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg so với tuần trước. Giá các loại thịt như: mông, thịt vai, nạc thăn, chân giò... dao động trong khoảng từ 150.000 - 180.000 đồng/kg tùy loại, cũng tăng khoảng 5.000 đồng so với tuần trước.
Các thương lái cho biết giá lợn hơi quay đầu tăng trở lại thời gian gần đây là do nguồn cung bán ra chậm hơn, cùng với đó là các nguyên nhân như: bão lũ tại khu vực miền Trung, dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19 chưa được kiểm soát. Trong thời gian dịp tết, giá thịt lợn khả năng sẽ tăng cao vì lúc đó nhu cầu lớn, trong khi nguồn cung thấp vì nhiều nơi thường bán tháo đàn lợn cuối năm do lo ngại dịch bệnh.
Tuy nhiên, giới kinh doanh cho rằng năm nay sẽ căn cứ vào ba yếu tố để quyết định giá lợn ở thời điểm tết, đó là vấn đề kiểm soát dịch bệnh, nguồn cung tái đàn và sản lượng nhập khẩu thịt lợn từ nước ngoài.
"Giá thịt lợn giảm mạnh thời gian trước sau đợt tăng cao kỷ lục là do dịch bệnh được kiểm soát, trong khi tái đàn nhanh ở các hộ chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Cùng với đó là sản lượng thịt lợn nhập khẩu về tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước", một thương lái ở Hưng Yên cho hay.
Sở Công Thương Hà Nội cho biết, để bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2020 và Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, cơ quan này đã chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa, tổ chức các điểm bán, các chương trình bán hàng phục vụ đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Trong đó, lượng thịt lợn dự kiến được đưa vào phục vụ dịp Tết là hơn 56.000 tấn. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng khẳng định: "Đã lên phương án tổ chức tái đàn và các doanh nghiệp đã có kế hoạch nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá dịp tết và đặc biệt là không để cho người dân lo thiếu thịt lợn".
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 90.400 tấn thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh với trị giá gần 215 triệu USD, tăng 357% về lượng và tăng 460% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, thịt lợn nhập chủ yếu từ Nga, Brazil, Canada, Mỹ và Ba Lan. Hiện tại, Việt Nam đã chấp thuận cho hơn 800 doanh nghiệp từ 19 quốc gia được xuất khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt lợn vào Việt Nam.
Trong khi đó, tình hình tái đàn lợn tại các hộ cũng đang gia tăng. Cụ thể là theo số liệu của Tổng cục Thống kê là tổng số lợn trong tháng tăng 12% so với cùng thời điểm năm trước.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các địa phương hiện đang triển khai nhiều giải pháp phục hồi tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thị trường cuối năm. Trong đó có việc tái đàn, tăng đàn, khôi phục chăn nuôi lợn hơi, nhất là tại các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn.