Chi tiêu tiêu dùng yếu đã kéo tụt kinh tế Trung Quốc suốt 2 năm đại dịch COVID-19. Khả năng chi tiêu phục hồi trong năm 2022 không mấy sáng sủa.

Thách thức kinh tế lớn của Trung Quốc trong năm 2022

Cẩm Bình | 01/01/2022, 10:11

Chi tiêu tiêu dùng yếu đã kéo tụt kinh tế Trung Quốc suốt 2 năm đại dịch COVID-19. Khả năng chi tiêu phục hồi trong năm 2022 không mấy sáng sủa.

Cùng với thị trường bất động sản, tiêu dùng là một trong hai phương diện mà giới chuyên gia kinh tế quan tâm nhất khi phân tích triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Chi tiêu tiêu dùng cũng là lĩnh vực mà doanh nghiệp cùng nhà đầu tư đặt cược vào vì họ kỳ vọng sức mua của tầng lớp trung lưu Trung Quốc tăng lên trong những năm tới.

Trong một cuộc họp xây dựng kế hoạch kinh tế diễn ra tháng 12, giới lãnh đạo tại Bắc Kinh cảnh báo tăng trưởng hiện phải đối mặt với 3 sức ép: nhu cầu thu hẹp, cú sốc nguồn cung và kỳ vọng suy yếu.

Theo nhà kinh tế Vương Quân làm việc tại Ngân hàng Trung Nguyên: “Vấn đề cốt lõi của “3 sức ép” vẫn là nhu cầu yếu. Nếu nhu cầu được cải thiện thì kỳ vọng sẽ tốt hơn”.

Ông Vương chỉ ra một loạt nguyên nhân làm nhu cầu yếu, gồm đại dịch tác động tiêu cực đến thu nhập người dân, chính quyền các địa phương giảm chi tiêu cho cơ sở hạ tầng...

Về sức ép cú sốc nguồn cung, nhà kinh tế Vương cho biết yếu tố này chủ yếu liên quan đến đại dịch và loạt biện pháp cắt giảm khí thải carbon quá quyết liệt. Những biện pháp chống dịch quá hà khắc mà Trung Quốc đang thực hiện góp phần gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhìn chung, bất ổn về việc làm và thu nhập khiến người dân không sẵn sàng chi tiêu. Chiến dịch chấn chỉnh ngành bất động sản cũng gây ảnh hưởng lớn.

“Tiêu dùng phục hồi ra sao trong năm tới sẽ tác động rất lớn đến nền kinh tế”, theo nhà kinh tế Thẩm Kiến Quang thuộc Công ty thương mại điện tử JD.com. Ông đề xuất giới chức trách có thể học cách thúc đẩy tiêu dùng của Hồng Kông: cung cấp phiếu khuyến mãi để dân mua hàng.

Doanh thu bán lẻ tại Hồng Kông suy giảm trong 2 năm 2019 và 2020 do phong trào biểu tình, sau đó đại dịch còn khiến đặc khu không có khách du lịch. Tháng 8 năm nay, chính quyền Hồng Kông triển khai chương trình cấp phiếu khuyến mãi, doanh thu bán lẻ 10 tháng của 2021 tăng 8,45% so với cùng kỳ năm 2020.

Năm 2020, doanh thu bán lẻ tại Trung Quốc đại lục suy giảm dù tổng thể nền kinh tế vẫn tăng trưởng. Doanh thu tăng vọt vào quý 1/2021 nhưng tốc độ tăng sau đó chậm lại (đặc biệt kể từ mùa hè trở về sau). Trong 11 tháng của 2021, doanh số bán lẻ vẫn tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2020.

Dù dự báo tiêu dùng thực tế của hộ gia đình Trung Quốc sẽ tăng 7% trong năm tới, nhưng đội ngũ phân tích ngân hàng Goldman Sachs nhận định tiêu dùng vẫn ở dưới mức trước đại dịch. Họ lưu ý đến chính sách “Zero COVID” và suy thoái ở lĩnh vực bất động sản.

th.jpg
Chỉ số chi tiêu tiêu dùng của người dân Trung Quốc khó phục hồi - Ảnh: CNBC

Bất động sản cần người mua

Rắc rối trong thị trường bất động sản Trung Quốc thu hút sự chú ý khi “ông lớn” Evergrande vỡ nợ, làm dấy lên lo ngại phản ứng dây chuyền. Nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm kiềm chế số nợ khổng lồ của ngành và giá nhà tăng cao khiến các đơn vị bất động sản bị siết chặt tài chính, dẫn đến giá nhà giảm, nhưng doanh thu bán cũng giảm thêm.

Nhà kinh tế Larry Hu thuộc Công ty dịch vụ tài chính Macquarie Capita nhận định bất động sản là lực cản tăng trưởng lớn nhất năm 2022. Ông dự báo lượng bất động sản bán ra năm 2022 sẽ còn giảm với tốc độ nhanh hơn nữa, đầu tư vào bất động sản cũng giảm 2%.

Cuộc họp xây dựng kế hoạch kinh tế diễn ra tháng 12 không báo hiệu thay đổi gì. Giới lãnh đạo giữ nguyên quan điểm “nhà để ở, không phải để đầu cơ”.

Nhà kinh tế Vương cho rằng vấn đề của ngành bất động sản Trung Quốc phải mất vài năm để giải quyết. Trong thời gian đó, chính phủ nước này cần phát hành nợ và chi tiêu nhiều hơn để giúp chính quyền các địa phương bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng bất động sản.

Tổ chức đánh giá tín nhiệm Fitch nhận định: “Tâm lý thị trường cũng đang ảnh hưởng đến hoạt động mua bán nhà ở, vì người mua trì hoãn mua nhà với hy vọng giá sẽ giảm hơn nữa”. Đơn vị này dự báo doanh thu bán nhà giảm đến 15% trong năm 2022, hoạt động xây dựng giảm sẽ ảnh hưởng đến hàng loạt ngành liên quan (thép, quặng sắt, than cốc), làm giảm tốc độ đầu tư tài sản cố định và thậm chí tạo ra sức ép lên các tổ chức tài chính.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
3 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thách thức kinh tế lớn của Trung Quốc trong năm 2022