Hãng Reuters đưa tin Thái Lan đặt mục tiêu trong vòng 90 ngày xây dựng kế hoạch chiến lược cho ngành bán dẫn nhằm thu hút đầu tư mới giữa lúc cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc quay trở lại.
Theo Tổng thư ký Ủy ban Đầu tư Thái Lan (BOI) Narit Therdsteerasukdi, hội đồng ngành bán dẫn quốc gia của nước này sẽ thuê một công ty tư vấn giúp xây dựng lộ trình phát triển. Họ cũng định sang Mỹ cùng Nhật Bản tổ chức hàng loạt sự kiện thu hút đầu tư.
Vài năm gần đây ngành bán dẫn toàn cầu bị xáo trộn do Mỹ - Trung cạnh tranh giành thế thống trị công nghệ. Một số chuỗi cung ứng chuyển dịch sang Đông Nam Á. Tình hình sắp tới nhiều khả năng biến động hơn nữa trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump. Cuối tuần trước ông thông báo áp thuế 10% với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Phía Trung Quốc đáp trả bằng thuế quan 10 - 15% với một số hàng nhập khẩu từ Mỹ đồng thời đưa vài doanh nghiệp Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy” phải chịu hạn chế kinh doanh.
Năm ngoái, Thái Lan - nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á sau Indonesia - ghi nhận tổng số vốn đầu tư đăng ký tăng 35% lên mức kỷ lục 10 năm qua là 1,14 nghìn tỷ baht (33,5 tỷ USD). Tổng thư ký Therdsteerasukdi kỳ vọng năm nay sẽ cao hơn nữa nhờ đầu tư vào lĩnh vực điện tử - kỹ thuật số.
Theo báo cáo năm 2024 của công ty tư vấn Kearney, Thái Lan xếp thứ hai sau Ấn Độ trong các nền kinh tế mới nổi hàng đầu về sản xuất sản phẩm bán dẫn. Quốc gia Đông Nam Á này đang muốn đến năm 2029 thu hút được khoảng 500 tỷ baht vốn đầu tư mới cho ngành.
“Chúng tôi chú trọng phân khúc điện tử công suất. Ví dụ sản phẩm bán dẫn dùng trong xe điện, trung tâm dữ liệu hoặc hệ thống lưu trữ năng lượng. Chúng tôi nghĩ đây là thế mạnh của mình”, Tổng thư ký Therdsteerasukdi chia sẻ.
Tại Thái Lan hiện có nhà máy chip của Analog Devices, Sony, Toshiba. Infineon (Đức) và Foxsemicon Integrated Technology (Đài Loan) cũng công bố dự án xây nhà máy.
Theo BOI, đầu tư vào sản xuất bảng mạch - một thành phần quan trọng với thiết bị điện tử - cũng tăng nhanh chóng từ năm 2023. Tổng thư ký Therdsteerasukdi cho biết: “Lý do chính là chiến tranh thương mại. Sở dĩ giới đầu tư chọn chúng tôi là vì Thái Lan trung lập”.
Nỗ lực thu hút đầu tư của Thái Lan phải đối mặt với cạnh tranh mạnh mẽ từ Malaysia – quốc gia chiếm 13% hoạt động thử nghiệm và đóng gói chip toàn cầu, đặt mục tiêu đầu tư hơn 100 tỷ USD cho lĩnh vực này.