Theo logic chung, khi kinh tế phát triển hơn thì đầu tư cho các môn thể thao cũng lớn hơn, và vì thế dễ giành được thành tích cao hơn. Nhưng thực tế ở Trung Quốc có vẻ như tất cả lại đang diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Kinh tế càng tăng trưởng, thành tích thể thao càng giảm.

Thất bại của Trung Quốc tại Olympics Rio 2016 là vì tăng trưởng kinh tế?

Nhàn Đàm | 21/08/2016, 11:47

Theo logic chung, khi kinh tế phát triển hơn thì đầu tư cho các môn thể thao cũng lớn hơn, và vì thế dễ giành được thành tích cao hơn. Nhưng thực tế ở Trung Quốc có vẻ như tất cả lại đang diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại. Kinh tế càng tăng trưởng, thành tích thể thao càng giảm.

Đối với người dân và đặc biệt là các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Olympics Rio 2016 chắc chắn là một thảm bại bẽ bàng, ngay từ khi kỳ Thế vận hội này còn chưa kết thúc. Dù đang đứng ở vị trí thứ ba với khoảng cách thường chỉ dao động từ 2-3 huy chương vàng (HCV) so với quốc gia xếp thứ hai là Anh quốc, và có thể vượt lên để soán vị trí số hai bất cứ lúc nào, thì Olympics Rio vẫn được xem là một thất bại với người Trung Quốc, không những vì số lượng HCV mà nước này giành được quá khiêm tốn so với một số kỳ Thế vận hội trước đó, mà quan trọng hơn là vì Trung Quốc đang bị Mỹ bỏ khá xa.

Tổng số HCV của Trung Quốc chỉ bằng hơn một nửa số HCV mà các vận động viên (VĐV) Mỹ giành được, và gần như không thể bám sát chứ đừng nói đến đuổi kịp. Vậy, đâu là nguyên nhân chính cho sự suy yếu đột ngột của thể thao Trung Quốc tại Olympics? Câu trả lời là: tăng trưởng kinh tế.

Thành tích có phần kém cỏi so với các lần tham dự Thế vận hội trước của thể thao Trung Quốc tại Olympics Rio lần này đang thực sự là một cú sốc với người dân nước này. Đầu tuần này, cơ quan thông tấn chính thức của Trung Quốc là Tân Hoa Xã, đã đưabảng tổng sắp huy chương Olympics kèm một câu cảm thán: “Các anh chị đang đùa đấy à?” như một sự pha trộn giữa kinh ngạc và giận dữ dành cho các VĐV Trung Quốc đang thi đấu tại Brazil.

Sự kinh ngạc pha lẫn giận dữ này là điều dễ hiểu, khi so với các kỳ Thế vận hội trước thì thành tích của nước này tại Rio 2016 kém khá xa, chỉ đứng ở vị trí thứ ba, tức là chỉ hơn đúng một bậc so với kết quả tại kỳ Olympics ở Los Angeles năm 1984 – kỳ Olympics đầu tiên mà Trung Quốc tham dự trở lại kể từ năm 1952.

Theo cách hiểu của người Trung Quốc, không có lý do gì khi nước này đã trở thành nền kinh tế số hai thế giới và đồng nghĩa với việc đầu tư cho thể thao lớn hơn nhiều so với thời điểm những năm 1980 đầy nghèo đói, mà thành tích thể thao tại Olympics của nước này ở thời điểm hiện tại lạichỉ nhỉnh hơn cách đây30 năm đúng một bậc.

Ngoài ra, cũng không thể hiểu nổi việc đoàn thể thao Trung Quốc tới Rio lần này với quân số lớn bậc nhất mang theokỳ vọng soán ngôi người Mỹ tại Thế vận hội lớn nhất hành tinh, lại tụt xuống vị trí thứ ba và mất luôn ngôi số hai quen thuộc vào tay người Anh. Theo logic chung, khi kinh tế phát triển hơn thì đầu tư cho các môn thể thao cũng lớn hơn, và vì thế dễ giành được thành tích cao hơn. Nhưng thực tế ở Trung Quốc có vẻ như lại đang diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại.

Nguyên nhân chủ yếu lý giải cho sự ngược đời này, nằm ở cách thức hoạt động của ngành thể thao Trung Quốc có những sự khác biệt lớn với thế giới, khiến cho sự phát triển về kinh tế thay vì trở thành bệ phóng cho thể thao lại trở thành cục đá buộc chân.

Nếu như ở các quốc gia khác, việc tuyển chọn và đào tạo VĐV phần lớn là vì yếu tố thể thao thay vì đặt nặng yếu tố thành tích, thì ở Trung Quốc mọi việc lại trái ngược hoàn toàn. Tại Trung Quốc, thể thao được coi là biểu tượng cho sức mạnh và uy tín quốc gia, các VĐV được tuyển chọn và đào tạo vì một mục đích duy nhất: giành chiến thắng tại các giải đấu quốc tế lớn, tất cả những thứ còn lại đều không được quan tâm.

Trong hệ thống đó, những VĐV được tuyển chọn từ độ tuổi rất nhỏ (thường là khi mới 4 tuổi), nhận được những ưu đãi khá lớn về thu nhập, công việc và điều kiện sống không những cho VĐV mà cả gia đình và người thân. Những VĐV giành chiến thắng tại các giải đấu lớn có thể nhận được rất nhiều phần thưởng lớn, thường là tiền và nhà ở.

Nhưng tất cả chỉ dừng lại ở đó, câu hỏi về tương lai cho các VĐV sau khi chiến thắng gần như không được đặt ra. Xuất hiện trên truyền hình ngày càng nhiều các câu chuyện về những nhà vô địch Olympics sống trong cảnh nghèo túng và thất nghiệp. Những VĐV thất bại thì còn tệ hơn, họ trắng tay cả về vật chất lẫn tinh thần.

Cách thức vận hành nặng về thành tích này của bộ máy thể thao Trung Quốc, thật trớ trêu chỉ phát huy hiệu quả cao nhất khi mà nền kinh tế còn khó khăn. Khi đói nghèo vẫn ngự trị phần lớn xã hội Trung Quốc, trở thành VĐV là một trong số ít những con đường khả dĩ để thoát khỏi nghèo đói đối với phần lớn các gia đình trong xã hội nước này.

Nếu một đứa trẻ được chọn vào trường đào tạo VĐV, nó sẽ có cuộc sống tốt hơn, thậm chí có thu nhập gửi về cho gia đình, ngoài ra gia đình VĐV thậm chí còn được bố trí nhà ở và việc làm tốt hơn tại các thành phố. Nếu giành được chiến thắng tại các giải đấu lớn, đó có thể là con đường đổi đời cho VĐV và gia đình. Chính vì thế, số lượng VĐV có tiềm năng chọn con đường thể thao tại Trung Quốc giai đoạn đó là rất lớn; theo thống kê tại thời điểm năm 1990 có khoảng 3.687 trường đào tạo thể thao trên toàn quốc.

Tuy nhiên, khi nền kinh tế phát triển, thì vấn đề đã đảo ngược hoàn toàn. Khi kinh tế đã khấm khá hơn không chỉ ở các thành phố mà còn ở cả những vùng nông thôn, trong khi tỷ lệ sinh lại suy giảm, thì ngày càng ít các bậc phụ huynh đánh cược tương lai của con em mình vào con đường trở thành VĐV vốn được xem là một nghề bạc bẽo. Những ưu đãi cho VĐV thể thao từ phía Nhà nước đang ngày càng mất giá so với thu nhập bình quân ngày càng tăng lên của người dân trong xã hội, mà bản thân VĐV ở Trung Quốc cũng không phải là một nghề có thể đảm bảo tương lai.

Với kiểu vận hành coi trọng thành tích, sau khi giành được HCV, các VĐV sẽ nhanh chóng bị đào thải mà không được đảm bảo về tương lai như VĐV tại các quốc gia khác trên thế giới. Chính vì vậy, ngày càng ít người dân Trung Quốc chọn theo nghiệp thể thao, khiến cho số lượng các trường đào tạo sụt giảm nghiêm trọng, tính đến tháng 5.2016 chỉ còn 2.183 trường trên toàn quốc, giảm khoảng 1.500 trường so với thời điểm năm 1990.

Chính điều này đã khiến cho chất lượng VĐV của Trung Quốc sụt giảm mạnh, các môn thể thao chủ lực của nước này như bóng bàn, cầu lông hay thể dục dụng cụ bắt đầu khó khăn hơn trong việc tuyển chọn nhân tài. Điển hình là môn bóng bàn, số tuyển sinh VĐV môn này đã giảm khoảng 75% so với thời điểm năm 1987.

Nó đang ảnh hưởng trực tiếp tới thành tích của Trung Quốc tại Olympics Rio lần này, khi có những môn được xem là mỏ vàng của nước này trước đây như thể dục dụng cụ, lại không giành được bất cứ một HCV nào. Điều tương tự cũng diễn ra trong môn bơi lội hay cầu lông.

Nếu Trung Quốc không nhanh chóng điều chỉnh lại cách thức vận hành của ngành thể thao, cũng như không có một cách nhìn khác với lĩnh vực này thay vì coi nó như phương tiện đem về vinh quang một cách đơn thuần, thì thể thao Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tụt dốc trong các kỳ Thế vận hội tiếp theo. Đà tăng trưởng kinh tế sẽ khiến cho ngày càng ít người Trung Quốc mặn mà với thể thao, nếu như họ vẫn bị đối xử như một thứ công cụ như trước đây.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
3 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thất bại của Trung Quốc tại Olympics Rio 2016 là vì tăng trưởng kinh tế?