The Guardian ngày 31.1.2017 cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU), các nhà lãnh đạo châu lục này đã thông qua một chiến lược rút lui tập thể khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Đây là biểu hiện mới nhất cho thấy các nhà lãnh đạo châu Phi đã không còn kiên nhẫn với ICC khi nhận thấy định chế pháp lý quốc tế này hầu như chỉ tập trung vào lục địa đen và những thế lực đối nghịch

Thấy gì từ việc các nước Châu Phi lên kế hoạch đồng loạt rời Tòa án Hình sự Quốc tế?

02/02/2017, 19:00

The Guardian ngày 31.1.2017 cho biết, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU), các nhà lãnh đạo châu lục này đã thông qua một chiến lược rút lui tập thể khỏi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Đây là biểu hiện mới nhất cho thấy các nhà lãnh đạo châu Phi đã không còn kiên nhẫn với ICC khi nhận thấy định chế pháp lý quốc tế này hầu như chỉ tập trung vào lục địa đen và những thế lực đối nghịch

Cũng nên nhắc lại rằng, ngày 17.7.1998, Quy chế Rome – quy chế về Toà án Hình sự Quốc tế đã được thông qua vào ngày 1.7.2002 thì Toà án Hình sự Quốc tế (ICC) thành lập, Nhiệm vụ của ICC là thực hiện việc truy tố và xét xử tội phạm trên phạm vi toàn thế giới khi phạm phải bốn tội danh: tội diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược.

Trong lịch sự nhân loại, Toà án Quốc tế xử tội ác chiến tranh, chống lại loài người đã từng được mở ra sau Thế chiến II, nhằm xét xử những phần tử phạm tội ác trong cuộc chiến tranh đẫm máu này và sau khi hoàn tất việc xét xử thì toà án ấy cũng chấm dứt sự tồn tại. Tuy nhiên, ICC thì tồn tại với thời gian không xác định và đó được xem là sự cảnh báo nguy hại cho những thực thể bị ICC chứng minh là phạm tội ác.

Vậy nhưng “ông Desire Assogbavi, người đứng đầu văn phòng liên lạc của Oxfam tại Hội nghị thượng đỉnh của AU khẳng định việc rút lui của các nước Châu Phi khỏi ICC là thực tế và mang tính chiến lược. Nguồn tin thân cận với Hội đồng pháp lý châu Phi cũng khẳng định điều đó và cho biết việc các thành viên AU rời khỏi ICC có thể diễn ra một cách riêng rẽ hoặc diễn ra đồng loạt”, The Guardian tường thuật.

Còn theo AP thì chiến lược của AU đã khuyến cáo các nước Châu Phi tăng cường cơ chế tư pháp riêng của mình và mở rộng thẩm quyền xét xử của Tòa án công lý và nhân quyền Châu Phi, qua đó làm giảm tầm quan trọng của ICC. Giới phân tích nhận định “cuộc nổi dậy” của Châu Phi đã đe dọa nghiêm trọng tính hợp pháp của ICC – một định chế pháp lý quốc tế quan trọng.

Sự phản kháng tập thể với tình trạng “người đưa ra luật nhưng lại né tránh luật”

Từ khi Thế chiến II kết thúc cho đến nay đã tồn tại một thực tế rất kỳ lạ là trong luật pháp quốc tế - cả lĩnh vực tư pháp lẫn công pháp – đó là có nhiều trường hợp các tác giả rất hăng hái khi xây dựng luật nhằm tạo ra những công cụ pháp lý chuẩn xác cho việc giải quyết những vấn đề nảy sinh giữa các quốc gia, giữa các định chế quốc tế với nhau.

Kết quả đó giúp tạo ra nhiều chuẩn mực trong hành xử, ứng xử quốc tế, góp phần giải quyết hay làm giảm xung đột quốc tế, tạo niềm tin cho người dân vào công lý của luật pháp quốc tế. Tuy nhiên, khi thực thi hoặc phổ quát giá trị của các quy định hình thành nên hệ thống luật pháp quốc tế thì nhiều tác giả lại né tránh với việc không xem xét, không thông qua.

Việc tấn công và lật đổ chế độ của Saddam Hussein là lời cảnh báo cho sự không công bằng của ICC.

Việc xây dựng Quy chế Rome cho ra đời, tồn tại và hoạt động của ICC là một ví dụ trong việc "người đưa ra luật nhưng lại né tránh luật”. Khi Mỹ đồng bảo trợ cho việc thành lập ICC nhưng lại rút khỏi định chế pháp lý này khiến cho dư luận đặt câu hỏi: Phải chăng Mỹ được đặc quyền trong xây dựng luật, được đặc cách trong tuân thủ luật pháp quốc tế?

Giới phân tích cho rằng, khi tình báo Mỹ thừa nhận thông tin về việc chế độ của Saddam Hussein có sở hữu vũ khi giết người hàng loạt là hoang tin thì cựu Tổng thống George W.Bush và nhiều nhân vật quan trọng của Mỹ đã có thể bị xét xử tại ICC. Bởi lẽ, dựa vào hoang tin đó mà chính quyền Bush đã tấn công lật đổ một nhà nước có chủ quyền và giết hại nhiều người dân vô tội. Song do Mỹ rút khỏi ICC nên sự việc không thể diễn ra.

Hay thực tế việc tuân thủ Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng là một ví dụ về tình trạng “làm luật nhưng không tuân theo luật”. Và đó cũng chính là trường hợp của Mỹ. Là một “cường quốc biển” - với mặt đông giáp Đại Tây Dương, mặt tây giáp Thái Bình Dương và còn có rất nhiều đảo, quần đảo lớn nhỏ - vậy nhưng cho đến giờ phút này nước Mỹ vẫn chưa thông qua UNCLOS.

Việc “làm luật cho người khác nhưng lại bỏ quên mình” đã ngay tức khắc xoá bỏ nguyên tắc bình đẳng – một yếu tố quan trọng nhất của quy phạm pháp luật so với các loại quy phạm khác. Điều đó khiến trong nhiều trường hợp luật pháp quốc tế không còn là công lý phổ quát, gây ra bất bình cho nhiều nước thế giới và kết quả là đã có nhiều phản ứng với tình trạng đó.

Có thể nhận diện việc các nước Châu Phi chuẩn bị kế hoạch rút lui đồng loạt khỏi ICC là một hành động phản ứng tập thể với thực tế “người làm luật nhưng lại né tránh luật”.

Phá sản một chiến lược quan trọng của phương Tây

Như người viết đã từng phân tích, sau khi Liên Xô tan rã, thế giới đơn cực hình thành xoay quanh trục Mỹ, Washington và các đồng minh đã làm mưa làm gió, từ đó tạo ra nhiều bàn cờ mới trên sân khấu chính trị thế giới thời hậu Chiến tranh Lạnh. Cùng với đó là nhiều đối tác chiến lược, nhiều đồng minh quan trọng cũng được củng cố và xác lập trong quan hệ với Washington.

Tuy nhiên, khi tỷ lệ nghịch giữa “củ cà rốt Mỹ” và “cây gậy của Washington” ngày càng thiên lệch – củ cà rốt ngày càng nhỏ đi, còn cây gậy ngày càng lớn hơn - thì những đồng minh quan trọng, những đối tác chiến lược đã nhận ra họ chỉ là "bị bông" cho sức mạnh phương Tây, điều đó khiến cho vị thế và vai trò của Mỹ và đồng minh có thể bị đe doạ.

Kết quả hình ảnh cho picture of bush

Tổng thống Bill Clinton đưa nước Mỹ tham gia ICC, nhưng Tổng thổng George W.Bush lại rút nước Mỹ khỏi định chế pháp lý quốc tế này với nhiều mưu tính

Trước mối nguy đó, Mỹ và phương Tây cần phải tìm ra giải pháp để có thể tận diệt “những thế lực thù địch”, đảm bảo trật tự thế giới theo sự sắp đặt của mình và pháp luật hóa chính trị là một giải pháp tuyệt vời trong trường hợp này. Bởi lẽ, những thủ đoạn chính trị bỉ ổi nếu được pháp luật hóa, trở thành chứng cứ luận tội và biến thành cơ sở khép tội thì nó được "rửa sạch" ngay.

Và đây được xem là nền tảng lý tưởng cho sự ra đời của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC). Để che chắn mục đích của mình, khi xây dựng quy chế thành lập ICC, những tác giả của nó đã đưa việc phát huy giá trị của công lý quốc tế làm nền tảng, thể hiện tính độc lập của định chế pháp lý này, từ đó lôi kéo nhiều “thế lực thù địch của Mỹ và phương Tây” tham gia ICC.

Tuy nhiên, khi “cá đã mắc câu” thì các tác giả và những đồng bảo trợ cho việc ra đời ICC đã nhanh chóng rút khỏi quy chế, khiến họ có thể miễn nhiễm với tác hại do công cụ mà chính họ sáng tạo ra. Đơn cử là Mỹ. Ban đầu Washington đã ký kết quy chế Rome dưới thời chính quyền Bill Clinton, nhưng sau đó lại rút khỏi quy chế này dưới thời chính quyền George W Bush.

Và như thế ICC trở thành công cụ pháp lý chỉ áp dụng cho những thế lực đối nghịch với phương Tây hay những thực thể chính trị có thể lật ngược thế cờ chính trị của phương Tây hoặc những định chế có phản ứng tiêu cực với tỷ lệ nghịch giữa “cây gậy và củ cà rốt” của họ. ICC đã trở thành công cụ của việc pháp luật hóa chính trị và có nhiều bàn cờ chính trị đã được vẽ ra, sắp đặt lại sau khi ICC thực hiện công việc của mình đối với một quốc gia có chủ quyền.

Từ khi ICC ra đời cho đến nay đã có nhiều nhân vật chính trị, quân sự bị bắt giữ và xét xử bởi định chế pháp lý này. Giới phân tích cho rằng, rồi đến lúc nhiều thực thể đang nắm giữ quyền lực sẽ bị tước bỏ quyền lực, bị bắt giữ và truy tố, xét xử nếu họ bị chứng minh ICC là tội phạm. Điều đó rất nguy hại cho chủ quyền quốc gia, cho lợi ích dân tộc. Chính vì vậy, Trung Quốc và Ấn Độ từ chối ngay ICC, còn Nga đã tham gia nhưng không phê chuẩn quy chế.

Tuy nhiên, một bước ngoặt tai hại đã đến với ICC khi ngày 16.11.2016 nước Nga đã tuyên bố rút khỏi Quy chế sáng lập Tòa án Hình sự Quốc tế. Bởi Moscow nhận thấy “ICC không đạt được kỳ vọng và cũng không trở thành một định chế đại diện cho công lý quốc tế thực sự có tính độc lập”, BBC dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga.

Khi chính quyền Tổng thống Putin rút nước Nga khỏi ICC, chắc chắn kéo theo nhiều quốc gia khác rời khỏi định chế pháp lý quốc tế này, từ đó sẽ làm phá sản kế hoạch sử dụng ICC như một công cụ can thiệp vào tình hình nội trị của các nước, tạo ra những bàn cờ chính trị mới theo ý đồ các tác giả của Quy chế Rome và ICC.

Có thể thấy rằng việc các nước Châu Phi có kế hoạch đồng loạt rút khỏi ICC là phản ứng tất yếu với việc pháp luật hóa chính trị, sử dụng công cụ pháp lý cho những mưu đồ chính trị không trong sáng của phương Tây.

Ngọc Việt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì từ việc các nước Châu Phi lên kế hoạch đồng loạt rời Tòa án Hình sự Quốc tế?