Từ ngày 24.9 sẽ là hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Đại hội đồng LHQ (UNGA), và sẽ là dịp các nhà lãnh đạo các nước chờ xem Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tung ra những quan điểm “ngẫu hứng” nào, theo báo Guardian.

Thế giới chờ xem ông Trump ‘tung hứng’ ở Đại hội đồng LHQ

Trần Trí | 23/09/2018, 15:47

Từ ngày 24.9 sẽ là hội nghị thượng đỉnh hàng năm của Đại hội đồng LHQ (UNGA), và sẽ là dịp các nhà lãnh đạo các nước chờ xem Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ tung ra những quan điểm “ngẫu hứng” nào, theo báo Guardian.

UNGA 2018 sẽ mở đầu bằng một hội nghị thượng đỉnh hòa bình sáng 24.9, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Nelson Mandela, lãnh đạo phong trào chống chủ nghĩa kỳ thị chủng tộc apartheid ở Nam Phi. Một bức tượng tôn vinh Mandela sẽ được khánh thành ở trụ sở LHQ tại New York, và các nhà lãnh đạo sẽ thông qua một tuyên bố công nhận Thập niên Hòa Bình Nelson Mandela (từ năm 2019 đến năm 2028).

Chủ đề UNGA 2018 “tạo cơ hội để LHQ có ý nghĩa với tất cả mọi người”, và ông Trump sẽ “chiếm lĩnh sân khấu” với lịch trình này: chủ trì một hội thảo về buôn lậu ma túy “Vấn nạn ma túy của thế giới” trong ngày 24.9, và Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nói 124 quốc gia đã ký một thỏa thuận kêu gọi toàn thế giới chung tay hành động đối phó”.

Tổng thống Mỹ sẽ phát biểu ở phiên họp toàn thể UNGA hôm 25.9, sau khi Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres báo cáo tình hình chung của thế giới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng sẽ phát biểu, và dự kiến đến chiều thì Tổng thống Hassan Rouhani của Iran sẽ đọc diễn văn.

Ngày 26.9, ông Trump sẽ chủ trì một cuộc họp của Hội đồng bảo an LHQ (UNSC) về vấn đềhạt nhân. Mỹ giữ quyền chủ tịch luân phiên UNSC trong tháng 9, và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ chủ trì cuộc họp ngày 27.9, bàn về chuyện hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Không loại trừ khả năng ông Trump gặp Tổng thống Iran

Đại sứ Mỹ tại LHQ Haley dự báo trong diễn văn sáng 25.9, ông Trump sẽ lại thể hiện quan điểm ưu thế tối thượng của Mỹ trong các quyết định của ông, và sự giúp đỡ các nước đồng minh cùng các nước khác sẽ dựa trên tính trung thành.

Bà Haley nói với các nhà báo: “Tổng thống sẽ đề cập sự giúp đỡ nước ngoài, sự hào phóng của Mỹ. Nhưng Ngài cũng sẽ lưu ý rằng dù Mỹ hào phóng, chúng tôi sẽ chỉ chia sẻ sự hào phóng với các nước chia sẻ các giá trị của chúng tôi, muốn làm việc với chúng tôi, chứ không với các nước toan tính ngăn chặn Mỹ, tuyên bố thù ghét Mỹ và chống lại những gì chúng tôi đang làm”.

Rõ ràng mũi tiếp cận trên sẽ được vận dụng vào nỗ lực của Mỹ khi gây tổn thất kinh tế cho Iran, với các nhà ngoại giao Mỹ vừa lôi kéo, vừa hù dọa các đồng minh ủng hộ ông Trump, trong việc ông quyết định rút Mỹ khỏi Thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ với Iran năm 2015 (còn gọi là JCPOA).

Cuộc họp UNSC ngày 26.9 do ông Trump chủ trì ban đầu bàn chuyện Iran, nhưng khi rõ ràng Mỹ sẽ bị cô lập trong UNSC vì chuyện Iran, chủ đề liền được chuyển qua vụ Nga sử dụng chất độc thần kinh ở Anh, Syria dùng vũ khí hóa học và chuyện hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.

Bà Haley cho biết: “Tổng thống không muốn bị hạn chế. Tôi cho rằng chúng tôi đang mở rộng chủ đề, nhưng chắc chắn Iran sẽ là một phần trong toàn bộ cuộc đối thoại về tất cả các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt”.

Có vẻ ông Trump không biết chuyện đổi đề tài thảo luận. Ngày 21.9, ông viết Twitter rằng cuộc họp UNSC sẽ bàn chuyện Iran.

Tổng thống Iran cũng sẽ dự UNGA, và nhiều lãnh đạo khác cũng sẽ tìm cơ hội gặp ông Rouhani, vào lúc họ sẵn sàng thách đố ông Trump về chuyện Iran.

Và do ông Trump nổi tiếng thất thường, không ai có thể loại trừ khả năng ông gây bất ngờ cho LHQ, bằng cuộc gặp Tổng thống Iran, để ông lại có thể khẳng định ông là người kiến tạo hòa bình, như ông đã tiến hành gặp lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Lấy lòng Trump là một cách làm việc với Tổng thống Mỹ

Báo Guardian nêu lãnh đạo các nước trên thế giới từng chuẩn bị đón nhận các bất ngờ, khi ông Trump lần đầu dự UNGA 2017, nhưng ông vẫn gây sốc trong diễn văn bằng lời đe dọa “hoàn toàn hủy diệt” Triều Tiên.

Năm nay, lãnh đạo thế giới đến New York sau một năm cố gắng định hình quan hệ với ông Trump. Nhưng điều đó không có nghĩa họ có thể đoán trước Tổng thống Mỹ sẽ nói hoặc làm gì.

Jon Alterman, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nay là lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nói: “Năm ngoái đã có sự thắc mắc ông Trump sẽ làm gì và làm cách nào để nói chuyện với ông ấy. Tôi cho rằng năm ngoái, lãnh đạo thế giới cố gắng tránh xa, vì họ sợ bị kẹt giữa việc không muốn xúc phạm Tổng thống Trump, với việc không muốn làm bất kỳ điều gì với ông ấy khiến họ có thể bị rắc rối với cử tri nước họ. Tôi nghĩ họ đã tìm ra cách làm việc với Tổng thống Mỹ”.

Theo Guardian, tất cả các thủ đô đều hiểu rõ trong bất kỳ chiến lược nào của ông Trump, tiền bạc và sự công kênh ông chiếm vai trò chính. Ví dụ mới nhất: Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda thăm Nhà Trắng, hứa mua khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, hứa chi tiền để tăng quân Mỹ trú đóng ở Ba Lan và ông còn nửa đùa nửa thật, rằng sẽ đặt tên “Đồn Trump” cho bất kỳ căn cứ mới của quân Mỹ ở Ba Lan.

Thực tế là Ba Lan không có cơ sở hạ tầng để nhập ồ ạt LNG, chỉ sẵn sàng chi tiền xây cơ sở hạ tầng căn cứ quân sự Mỹ.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng học được bài học “phải lấy lòng Trump”. Hai ông dùng cuộc gặp Tổng thống Mỹ để trấn an rằng ông Trump là nhà kiến tạo hòa bình cần thiết, mở đường cho Bình Nhưỡng vẫn có thể duy trì kho vũ khí hạt nhân (VKHN) trong khi xóa bỏ được mối đe dọa bùng nổ chiến tranh Mỹ - Triều.

Tổng thống Hàn Quốc còn tuyên bố ông Trump xứng đáng đoạt giải Nobel Hòa bình. ÔngMoon sẽ đến New York dự UNGA và sẽ có một cuộc gặp song phương với ông Trump, sau khi ông vừa thăm Bình Nhưỡng và được ông Kim hứa giải thể các cơ sở hạ tầng VKHN của Triều Tiên.

Ông Trump đã hoan nghênh cuộc gặp thượng đỉnh Hàn - Triều, và tuyên bố “có những tiến bộ lớn” với Triều Tiên ở nhiều lĩnh vực, gồm chương trình giải giáp VKHN của Bình Nhưỡng.

Vì các lý do trong nước, cả hai nhà lãnh đạo Hàn - Triều đều có lý do mạnh để tuyên bố cuộc gặp thượng đỉnh ở Bình Nhưỡng của họ thành công rực rỡ, mở đường cho khả năng có cuộc gặp cấp cao thứ hai giữa hai ông Kim và Trump.

Hôm 21.9, Ngoại trưởng Pompeo nói đang lên kế hoạch tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim này.

Hai nhà lãnh đạo Triều - Hàn có cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba trong năm 2018 - Ảnh: AP

Mỹ sẽ tiếp tục vận động trừng phạt Triều Tiên

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ dùng cuộc gặp ông Trump để hoan hô chính sách ngoại giao của ông Trump, đồng thời tìm cách kiềm chế ông Trump đừng quá tin tưởng và trọng thưởng Triều Tiên khi chương trình giải giáp VKHN của Bình Nhưỡng chưa có rõ ràng.

Các nhà ngoại giao cấp cao của ông Trump cũng phải tỏ ra hoan nghênh hành động đột phá của ông Trump, đồng thời vận động quốc tế tiếp tục duy trì sức ép trừng phạt Triều Tiên, với hy vọng đạt đến mục tiêu Triều Tiên hoàn toàn từ bỏ VKHN.

Reuters ngày 23.9 dẫn tuyên bố của bà Heather Nauert, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, rằng Mỹ sẽ không ngại áp lệnh trừng phạt đối với bất kỳ công ty hàng hải nào chở xăng - dầu đến Triều Tiên vốn tiếp tục dùng các chiến thuật lách lệnh cấm vận của LHQ.

Bà Nauert nhấn mạnh toàn thể các nước thành viên LHQ đều phải tuân thủ lệnh cấm chuyển xăng dầu "từ tàu qua tàu” cho Triều Tiên: “Mỹ sẽ không ngần ngại áp lệnh trừng phạt bất kỳ cá nhân, công ty hoặc tàu nào ủng hộ các hoạt động trái phép của Triều Tiên”.

Tổng thư ký LHQ Guterres hoan nghênh cuộc gặp Hàn - Triều có “kết quả tích cực”, nhưng cảnh báo “sẽ không thành công trong đàm phán liên Triều, nếu cùng lúc không đạt tiến bộ trong đàm phán Mỹ - Triều” để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Theo AP, khi chủ nghĩa đơn cực đang nổi lên, thách đố sự tồn tại của LHQ, UNGA là cơ hội để tất cả các nước thành viên cùng nhau xử lý các vấn đề, giải quyết các đe dọa từ những cuộc chiến tranh ở Trung Đông và châu Phi - như nội chiến 7 năm ở Syria, nội chiến 3 năm ở Yemen - tác động của hiện tượng trái đất nóng dần lên, đồng thời khuyến khích phát triển, hy vọng kết thúc được tranh chấp hạt nhân giữa Mỹ - Triều.

UNGA 2018 có sự tham dự của 133 lãnh đạo các nước thành viên LHQ, so với năm ngoái có 114 lãnh đạo tham dự. Theo Tổng thư ký Guterres, sự tham dự đông đảo này là bằng chứng cộng đồng quốc tế tin tưởng LHQ vốn có tổng cộng 193 nước thành viên.

Vĩnh Thụy (theo AP, Guardian)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thế giới chờ xem ông Trump ‘tung hứng’ ở Đại hội đồng LHQ