Chiều 15.10, Bộ Y tế ghi nhận thêm 3.797 ca mắc COVID-19 mới, trong đó tại Hà Nội có 1 ca.
Chiều 15.10, Bộ Y tế ghi nhận 3.797 ca nhiễm mới, trong đó 8 ca nhập cảnh và 3.789 ca ghi nhận trong nước (tăng 701 ca so với ngày trước đó) tại 47 tỉnh, thành phố (có 1.475 ca trong cộng đồng).
Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: : TP.HCM (1.131), Đồng Nai (586), Bình Dương (533), Sóc Trăng (414), An Giang (170), Cà Mau (168), Kiên Giang (82), Đồng Tháp (78), Tiền Giang (70), Tây Ninh (64), Long An (47), Cần Thơ (43), Bạc Liêu (40), Hậu Giang (34), Gia Lai (30), Khánh Hòa (28), Thanh Hóa (27), Nghệ An (25), Thừa Thiên Huế (22), Trà Vinh (18), Vĩnh Long (15), Hà Nam (15), Quảng Trị (13), Bà Rịa - Vũng Tàu (12), Quảng Bình (12), Bến Tre (12), Quảng Nam (11), Bình Phước (11), Ninh Thuận (9), Sơn La (9), Bình Định (9), Lâm Đồng (8 ), Đắk Nông (8 ), Quảng Ngãi (7), Phú Thọ (5), Kon Tum (4), Hà Tĩnh (4), Lai Châu (2), Yên Bái (2), Hưng Yên (2), Thái Bình (2), Phú Yên (2), Hải Dương (1), Bắc Giang (1), Lạng Sơn (1), Lào Cai (1), Hà Nội (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 857.639 ca nhiễm, đứng thứ 40/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân 1 triệu người có 8.710 ca nhiễm). Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27.4.2021 đến nay) ghi nhận số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 852.986 ca, trong đó có 786.106 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 4/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Có 14 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn, Sơn La, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thái Bình, Kon Tum, Hưng Yên.
Số bệnh nhân khỏi bệnh được công bố trong ngày là 918 người và ghi nhận 93 ca tử vong tại TP.HCM (61), Bình Dương (18), Tiền Giang (4), Tây Ninh (2), Long An (2), Đồng Nai (2), Đồng Tháp (1), Đắk Lắk (1), Kiên Giang (1), Sóc Trăng (1).
Còn tại Hà Nội hôm nay chỉ ghi nhận 1 ca bệnh tại huyện Phú Xuyên đã được cách ly trước đó. Đây là F1 của trường hợp C.T.H (ghi nhận dương tính tại Hà Nam), được cách ly tập trung từ ngày 8.10 và xét nghiệm 1 lần âm tính. Ngày 14.10, chị H. được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 kết quả dương tính. Như vậy, trong đợt dịch 4 (từ ngày 27.4), Hà Nội có 4.079 ca COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.606 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 2.473 ca.
Cũng theo Sở Y tế Hà Nội, ngày 12.10, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện nghị quyết của Chính phủ về quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Căn cứ vào 2 tiêu chí (về tỷ lệ mắc mới tại cộng đồng/dân số/thời gian và độ bao phủ vắc xin), CDC Hà Nội đánh giá: Hà Nội đáp ứng đủ tiêu chuẩn tiêu chí cấp độ 1 (vùng xanh - bình thường mới).
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tiêm chủng đạt 2 triệu mũi/1 ngày
Cũng trong ngày 15.10, Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố cần tăng cường tiêm chủng vắc xin COVID-19. Theo số liệu thống kê, tính đến hết ngày 13.10, Bộ Y tế đã tiếp nhận, phân bổ khoảng 87 triệu liều vắc xin COVID-19. Cả nước đã triển khai tiêm được hơn 58 triệu liều vắc xin, còn khoảng 29 triệu liều đang tiếp tục được triển khai tiêm. Từ đầu tháng 10.2021 đến nay, trung bình mỗi ngày cả nước đã triển khai tiêm được khoảng 1,1 - 1,2 triệu liều.
Từ nay đến hết tháng 10.2021, vắc xin COVID-19 tiếp tục được cung ứng. Do đó, để bảo đảm sử dụng vắc xin nhanh chóng, hiệu quả, tăng nhanh diện bao phủ để từng bước chuyển sang trạng thái bình thường mới cần bảo đảm tiến độ tiêm chủng mỗi ngày đạt ít nhất 2 triệu liều. Để thực hiện được mục tiêu này, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh hơn nữa tiến độ tiêm chủng cho các đối tượng từ 18 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên) bảo đảm an toàn, hiệu quả.
"Các địa phương cần tăng nhanh độ bao phủ mũi 1, triển khai ngay tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian và triển khai tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế", Bộ Y tế nêu rõ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về lợi ích của tiêm vắc xin. Đồng thời tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác tiêm chủng. Tiếp tục ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong triển khai tiêm chủng; thực hiện cập nhật thường xuyên số liệu tiêm chủng trên ứng dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.