Phát hiện một chiếc máy ATM trả tiền cho người dùng chậm hơn bình thường, đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo để lấy cắp, chiếm đoạt tiền của hơn 50 người.

Thêm thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền tại máy ATM

04/01/2018, 19:58

Phát hiện một chiếc máy ATM trả tiền cho người dùng chậm hơn bình thường, đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo để lấy cắp, chiếm đoạt tiền của hơn 50 người.

Người dùng cần rất cẩn thận khi rút tiền qua máy ATM của các ngân hàng - Ảnh minh họa từ Internet

Ngày 4.1, Cơ quan CSĐT Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) đã bắt giữ Thiều Sơn Lâm (28 tuổi, ngụ An Giang) để điều tra mở rộng về hành vi trộm cắp tài sản.

Cơ quan chức năng này cho biết sau khi phát hiện máy ATM tại khu phố Hòa Lân 2, phường Thuận Giao (Thuận An) trả tiền chậm hơn bình thường, Lâm đã tìm cách đứng kế bên nhiều người trong lúc họ thực hiện thao tác rút tiền.

Khi những người này vừa thực hiện thao tác rút tiền xong và chờ máy ATM trả tiền, trả thẻ thì Lâm liền nói máy bị lỗi nên không rút được tiền. Nghe vậy người rút tiền đã tin ngay và bỏ đi. Sau đó, Lâm ở lại chờ máy trả tiền để chiếm đoạt.

Bằng thủ đoạn trên, Lâm đã chiếm đoạt hơn 60 triệu đồng của hơn 50 người. Cơ quan Công an đề nghị ai từng là nạn nhân của Lâm với thủ đoạn nói trên thì cần nhanh chóng đến trình báo.

Đây có thể xem là một trong những thủ đoạn lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền qua máy ATM được các đối tượng xấu sử dụng, bên cạnh những hành vi lừa đảo khác thường được chúng sử dụng như:

Thứ nhất là mua, bán thông tin tài khoản thẻ ATM bị đánh cắp rồi tự sản xuất thẻ bằng phôi thẻ và các thiết bị sản xuất thẻ giả để rút tiền.

Ở thủ đoạn thứ hai, tội phạm sử dụng Skimming - một bộ thiết bị gồm camera siêu nhỏ, khuôn bàn phím của máy ATM, thiết bị đặt ở khe đút thẻ để sao lại dữ liệu. Khi người dùng thẻ ATM gõ mật khẩu sẽ bị khuôn bàn phím và camera ghi lại, thẻ đút vào khe sẽ bị sao chép lại dữ liệu. Qua đó tội phạm đánh cắp được thông tin của người dùng rồi dùng thẻ giả rút hết tiền để chiếm đoạt.

Phishing là thủ đoạn thứ ba mà tội phạm cũng thường xuyên sử dụng để đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng người dùng. Trước tiên, tội phạm sẽ mua thông tin khách hàng như địa chỉ email, số điện thoại, sau đó giả danh các cơ quan, tổ chức gửi email, tin nhắn thông báo trúng thưởng và yêu cầu khách hàng nộp một số tiền nhỏ vào tài khoản để làm thủ tục nhận thưởng, nhận quà từ đó chiếm đoạt thông tin thẻ, mật khẩu, mã giao dịch OTP… Hoặc các đối tượng sẽ dụ người dùng đăng nhập vào các website giả mạo, có giao diện giống với giao diện của ngân hàng mà người dùng sử dụng với mục đích đánh cắp thông tin tài khoản, mật khẩu...

Để phòng tránh thiệt hại khi bị mất thông tin cá nhân, mất tiền trong tài khoản, bạn cần bảo mật thông tin về tên/mật khẩu đăng nhập các dịch vụ ngân hàng điện tử, mã xác thực giao dịch OTP. Cần bảo vệ điện thoại hoặc thiết bị di động của mình khi sử dụng các thiết bị này cho các dịch vụ ngân hàng trực tuyến như cài đặt phần mềm phòng chống mã độc hại, thiết lập tính năng xác thực khi truy cập bằng mật mã hoặc vân tay…

Khi rút tiền tại các máy ATM, người dùng nên quan sát bề mặt các máy ATM xem có gì bất thường không. Hạn chế giao dịch ở các ATM vắng, ít người. Tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản cá nhân của mình cho người khác.

A.Thi

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thêm thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tiền tại máy ATM