Các nhà sản xuất chip Đài Loan đang mua nước bằng xe tải cho một số xưởng đúc của họ khi hòn đảo này mở rộng các hạn chế về cung cấp nước trong bối cảnh hạn hán có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng cung cấp chip cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Thiếu nước trầm trọng, các nhà sản xuất chip Đài Loan chuẩn bị cho 'điều tồi tệ nhất'

Nhân Hoàng | 24/02/2021, 15:40

Các nhà sản xuất chip Đài Loan đang mua nước bằng xe tải cho một số xưởng đúc của họ khi hòn đảo này mở rộng các hạn chế về cung cấp nước trong bối cảnh hạn hán có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng cung cấp chip cho ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.

Một số nhà sản xuất ô tô đã buộc phải cắt giảm sản lượng và Đài Loan đã nhận được yêu cầu trợ giúp để thu hẹp tình trạng thiếu chip ô tô từ các quốc gia, gồm cả Mỹ và Đức.

Là trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu cho những gã khổng lồ như Apple, Đài Loan sẽ bắt đầu vào 25.2 để tăng nguồn cung cấp nước cho các nhà máy ở các thành phố miền trung và miền nam, nơi có các công viên khoa học lớn.

Mực nước tại một số hồ chứa ở khu vực miền trung và miền nam của Đài Loan ở mức dưới 20%, sau những tháng có lượng mưa ít ỏi và một mùa hè hiếm có bão.

Chúng tôi đã lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất. Chúng tôi hy vọng các công ty có thể giảm lượng nước sử dụng từ 7% đến 11%”, người đứng đầu cơ quan kinh tế Đài Loan – Vương Mỹ Hoa nói với các phóng viên hôm 23.2.

Với dự báo lượng mưa hạn chế trong những tháng tới, Tập đoàn nước của Đài Loan tuần này cho biết hòn đảo này đã bước vào “thời điểm khó khăn nhất”.

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, trong tuần này đã bắt đầu đặt hàng một lượng nhỏ nước bằng xe tải để cung cấp cho một số cơ sở của mình trên khắp hòn đảo.

TSMC nói với Reuters: “Chúng tôi đang chuẩn bị cho nhu cầu nước trong tương lai của mình, mô tả động thái này như một bài kiểm tra áp lực”. Gã khổng lồ về chip cho biết họ không thấy ảnh hưởng gì đến sản xuất.

TSMC cần 156.000 tấn nước mỗi ngày, khoảng 1/3 tổng lượng nước được sử dụng trong các công viên khoa học trọng điểm của Đài Loan. Công ty đã khởi xướng kế hoạch dự phòng để huy động xe tải từ tuần này để cung cấp nước cho các cơ sở sản xuất trên toàn đảo.

Chất lượng nước cực kỳ quan trọng với dây chuyền và quy trình sản xuất chip và... Nó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất của sản phẩm, do đó cần phải được xử lý rất cẩn thận. Cho đến nay tình hình có thể kiểm soát được, nhưng nếu trời không mưa và tiếp tục như vậy cho đến cuối tháng 5, đó sẽ là một vấn đề lớn thực sự", một người có kiến ​​thức về kế hoạch cho biết.

TSMC có hợp đồng dài hạn với các công ty xe tải nước, cung cấp nước ngầm và nước giếng mà nhà sản xuất chip sử dụng để bổ sung nước từ các hồ chứa trong thời gian thiếu hụt.

Nina Kao, người phát ngôn của TSMC, nói về kế hoạch vận chuyển nước: "Việc triển khai vẫn còn hạn chế và mục đích chính là để các nhân viên liên quan chuẩn bị cho các nhu cầu có thể xảy ra trong tương lai".

TSMC đã tái sử dụng 86,7% lượng nước của mình, tương đương 133,6 triệu tấn và tiết kiệm thêm 7,93 triệu tấn vào năm 2019, theo báo cáo trách nhiệm xã hội gần đây nhất của mình.

Cả Vanguard International Semiconductor Corporation, United Microelectronics Corp đều ký hợp đồng với các xe chở nước và nói không có tác động đến sản xuất.

Vanguard International Semiconductor Corporation cho biết đã bắt đầu cuộc diễn tập để vận chuyển nước đến các cơ sở của mình ở thành phố Tân Trúc, miền bắc Đài Loan.

Các công ty công nghệ Đài Loan từ lâu đã phàn nàn về tình trạng thiếu nước kinh niên. Tình trạng này trở nên trầm trọng hơn sau khi các nhà máy mở rộng sản xuất sau chiến tranh thương mại Trung - Mỹ.

thieu-nuoc-tram-trong-cac-nha-san-xuat-chip-dai-loan-chuan-bi-cho-dieu-toi-te-nhat.jpg
TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới

Mỹ, Nhật Bản và châu Âu tìm kiếm sự trợ giúp từ Đài Loan khi các nhà sản xuất ô tô tranh giành chất bán dẫn.

Cơ quan kinh tế Đài Loan đang yêu cầu các nhà sản xuất chip địa phương như TSMC giúp các nền kinh tế "cùng chí hướng" giảm bớt tình trạng thiếu chip liên quan đến ô tô trên toàn cầu.

Cơ quan này cho biết đã nhận được nhiều yêu cầu kể từ cuối năm ngoái từ một số quốc gia thông qua các kênh ngoại giao. Các quốc gia yêu cầu Đài Loan giúp xem xét việc thiếu chip cho ngành công nghiệp ô tô đã dẫn đến việc cắt giảm sản lượng của các hãng ô tô hàng đầu như NissanHondaFord, Daimler và Volkswagen.

"Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ Mỹ, Nhật Bản và châu Âu - tất cả các quốc gia có cùng chí hướng với Đài Loan. Vấn đề đang được xử lý ở cấp cao hơn trong chính quyền", một nguồn tin có kiến ​​thức trực tiếp về vấn đề này nói với trang Nikkei.

Cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết đã yêu cầu các nhà sản xuất chip địa phương, gồm cả TSMC và United Microelectronics Co (công ty lớn thứ tư) hỗ trợ. Các công ty này cung cấp cho các nhà phát triển chip ô tô toàn cầu như NXP, Infineon, Renesas Electronics và STMicroelectronics.

Bà Vương Mỹ Hoa hôm 24.1 đã nói chuyện với các lãnh đạo của TSMC về tình trạng thiếu chip ô tô trên toàn cầu. TSMC nói rằng sẽ "tối ưu hóa" quy trình sản xuất chip để làm cho nó hiệu quả hơn và ưu tiên sản xuất chip tự động nếu có thể tăng thêm công suất.

Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc lo ngại rằng vấn đề thiếu chip ở nước này có thể nghiêm trọng hơn các quốc gia khác vì hầu hết nhà sản xuất chip ô tô hàng đầu đều ở châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Đài Loan có ngành công nghiệp bán dẫn lớn thứ hai thế giới theo doanh thu, sau Mỹ. Hòn đảo này cũng là nơi có các công ty quan trọng khác trong chuỗi cung ứng chip toàn cầu như MediaTek (nhà phát triển chip di động lớn nhất thế giới) và ASE Technology Holding (nhà đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất).

Dẫn đầu trong ngành, TSMC cũng là nhà sản xuất bộ vi xử lý iPhone duy nhất, đồng thời cung cấp cho Qualcomm, Nvidia và hầu hết các nhà phát triển chip nổi tiếng khác trên toàn thế giới.

Căng thẳng thương mại và công nghệ giữa Mỹ - Trung Quốc trong hai năm qua đã giúp Đài Loan có tầm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên toàn cầu vì chất bán dẫn là trái tim và bộ não của các công nghệ từ smartphone, phương tiện lái xe tự động đến công nghệ vũ trụ. TSMC bị kẹt giữa hai cường quốc vì từng coi Huawei là khách hàng chính, đồng thời cung cấp cho Xilinx, công ty công nghệ Mỹ có chip được sử dụng cho máy bay chiến đấu F-35.

"Các nhà sản xuất ô tô quốc tế không phải là khách hàng trực tiếp của các nhà sản xuất chip Đài Loan, nhưng các nhà sản xuất chip của chúng tôi cung cấp các nhà phát triển chip ô tô, sau đó các nhà phát triển chip ô tô này bán chip cho các nhà sản xuất ô tô", cơ quan kinh tế Đài Loan báo cáo.

Việc các công ty sản xuất chip ô tô lên kế hoạch chuẩn bị lượng hàng tồn kho thấp hơn trong bối cảnh ngành công nghiệp sản xuất chậm ở mùa trước đó cũng gây ra sự mất cân bằng cung và cầu.

TSMC cho biết các khách hàng liên quan đến ô tô tiếp tục giảm đơn đặt hàng trong quý 2/2020 từ tháng 7 - 9 và chỉ bắt đầu đặt hàng bổ sung trong quý cuối năm này. Tuy nhiên, nhu cầu về điện tử tiêu dùng và các ứng dụng liên quan đến máy tính hiệu suất cao vẫn mạnh.

"Trong thời gian tới, khi nhu cầu từ chuỗi cung ứng ô tô đang phục hồi, sự thiếu hụt nguồn cung ô tô trở nên rõ ràng hơn. Đây là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi và chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các khách hàng ô tô của mình để giải quyết các vấn đề về hỗ trợ năng lực", CEO của TSMC - ông C.C. Wei nói tại một hội nghị nhà đầu tư vào ngày 14.1.

Nhu cầu mạnh mẽ với các mặt hàng như laptop, smartphone và máy chủ đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt chưa từng có với các mặt hàng bao gồm bộ xử lý, vi điều khiển, chip cảm biến, màn hình hiển thị và IC điều khiển.

Có thời điểm Apple phải phân bổ lại một số thành phần của iPad cho iPhone 12 do thiếu nguồn chip và các thành phần nắp đậy được sử dụng cho chức năng chụp ảnh cảm biến độ sâu.

Sự thiếu hụt chip toàn cầu đã thúc đẩy các chính phủ trên thế giới phải vào cuộc để giúp đỡ các nhà sản xuất ô tô.

Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Năng lượng Liên bang Đức - Peter Altmaier đã viết thư cho chính quyền Đài Loan đề nghị giúp đỡ giải quyết vấn đề cung cấp chip, tờ Bloomberg đưa tin.

Các nhà sản xuất ô tô Mỹ cũng yêu cầu Washington hỗ trợ họ trong việc thiếu hụt nguồn cung chip, vì vấn đề này có thể dẫn đến việc hạn chế sản xuất và gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ.

Từ mùa thu năm ngoái, Mỹ kêu gọi các nền kinh tế giàu công nghệ hoặc tài nguyên có giá trị như Đài Loan, Nhật Bản và Úc, tham gia vào việc tháo gỡ chuỗi cung ứng từ Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh đang âm ỉ.

Đài Loan đã phản ứng đặc biệt nhanh chóng. Các quan chức cấp cao của Mỹ và Đài Loan đã ký một biên bản ghi nhớ vào tháng 11.2020 để thúc đẩy hợp tác công nghệ trong 7 lĩnh vực, trong đó có chất bán dẫn và mạng không dây thế hệ thứ năm, cũng như "chuỗi cung ứng an toàn, bảo mật và đáng tin cậy".

TSMC đã đồng ý xây dựng một nhà máy ở bang Arizona (Mỹ) vào mùa xuân năm ngoái, nơi có khả năng trở thành biểu tượng của mối quan hệ song phương này.

TSMC sẽ đầu tư 12 tỉ USD vào nhà máy, nơi sẽ sản xuất chất bán dẫn cho quân đội và dự kiến ​​đưa vào hoạt động vào năm 2024. Chính phủ Mỹ đang trợ cấp cho dự án này.

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản kể từ năm ngoái đã dẫn đầu nỗ lực thu hút TSMC vào nước này, để không chỉ thiết lập một mạng lưới cung ứng ba chiều vững chắc hơn mà còn cung cấp cho Nhật nguồn chip tiên tiến trong tương lai an toàn. Chính phủ Nhật đã dành ngân sách 200 tỉ yên (1,9 tỉ USD) để trải thảm đỏ cho TSMC, nhằm hướng tới khả năng hợp tác với các công ty Nhật.

Trong tháng này, trang Nikkei cho biết TSMC đang có kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 20 tỉ yên tại Nhật Bản.

Bài liên quan
Báo cáo của CEO khiến cổ phiếu hãng chip lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục
Đồng Giám đốc điều hành SMIC cho biết nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc không thể thu được lợi ích đầy đủ từ nhu cầu bùng nổ với tất cả các loại chip trong đại dịch COVID-19 do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
9 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu nước trầm trọng, các nhà sản xuất chip Đài Loan chuẩn bị cho 'điều tồi tệ nhất'