Đồng Giám đốc điều hành SMIC cho biết nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc không thể thu được lợi ích đầy đủ từ nhu cầu bùng nổ với tất cả các loại chip trong đại dịch COVID-19 do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Báo cáo của CEO khiến cổ phiếu hãng chip lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục

Nhân Hoàng | 05/02/2021, 13:52

Đồng Giám đốc điều hành SMIC cho biết nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc không thể thu được lợi ích đầy đủ từ nhu cầu bùng nổ với tất cả các loại chip trong đại dịch COVID-19 do lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Hôm 5.2, nhà sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc – SMIC (Semiconductor Manufacturing International Co) cho biết các hạn chế xuất khẩu của Mỹ không chỉ khiến công ty mất đi cơ hội tăng trưởng quý giá mà sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính và kế hoạch mở rộng của họ vào năm 2021.

Đồng Giám đốc điều hành SMIC - Zhao Haijun cho biết nhu cầu đang bùng nổ với tất cả các loại chip đã xuất hiện giữa đại dịch COVID-19 nhưng "các yếu tố địa chính trị" khiến công ty đã không thể tận dụng hết xu hướng này.

Zhao Haijun nói: “Chúng tôi có thể đã nắm bắt những cơ hội lớn của năm 2020. Tuy nhiên, do các yếu tố bên ngoài, chúng tôi buộc phải điều chỉnh khách hàng và năng lực sản xuất. Những điều chỉnh này làm tăng chi phí”.

Zhao Haijun cho biết SMIC có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất chip trong năm nay để giải quyết nhu cầu ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc mở rộng như vậy đòi hỏi phải có thiết bị mới, kể cả từ Mỹ. Theo Zhao Haijun, hầu hết các công cụ mới này sẽ không được chuyển giao và lắp đặt cho đến nửa cuối năm nay do thời gian chờ đợi giấy phép xuất khẩu lâu hơn, một trở ngại mà SMIC và các nhà cung cấp của nó vẫn đang làm việc chăm chỉ để vượt qua.

SMIC đã bị đưa vào danh sách đen thương mại của Mỹ vào năm ngoái và danh sách thực thể vào tháng 12.2020 sau khi Mỹ cáo buộc công ty này có liên hệ với quân đội Trung Quốc. SMIC phủ nhận mọi cáo buộc như vậy.

Các quy định này ngăn các nhà xuất khẩu Mỹ vận chuyển linh kiện đến SMIC trừ khi được cấp phép và cũng yêu cầu các nhà đầu tư Mỹ bán cổ phần của nhà sản xuất chip lớn nhất Trung Quốc.

Các nhà cung cấp của SMIC cũng phải nhận được giấy phép xuất khẩu cho các hóa chất cùng vật liệu và bộ phận khác có xuất xứ từ Mỹ mà công ty cần để duy trì, vận hành các dây chuyền sản xuất hiện tại của mình, theo Zhao Haijun.

Zhao Haijun nói các quy định kiểm soát xuất khẩu cũng đã kéo tỷ lệ sử dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến nhất của SMIC trong quý trước giảm xuống, ảnh hưởng đến doanh thu và kế hoạch của công ty.

Chúng tôi vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được quy mô kinh tế cho nền sản xuất công nghệ tiên tiến… trong khi việc khấu hao vốn đầu tư sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính của chúng tôi”, ông nói.

Zhao Haijun nói thêm rằng công ty sẽ rất thận trọng khi mở rộng các công nghệ tiên tiến nhất của mình trong năm nay.

Cổ phiếu SMIC đã giảm gần 7% trong phiên giao dịch buổi chiều 5.2 tại Hồng Kông sau thông báo từ công ty về những bất ổn với hoạt động và kế hoạch mở rộng của nó. Cổ phiếu niêm yết tại Thượng Hải của SMIC đã giảm gần 3%.

bao-cao-cua-ceo-khien-co-phieu-hang-chip-so-1-trung-quoc-lao-doc.jpg
Báo cáo của CEO Zhao Haijun khiến cổ phiếu SMIC giảm mạnh

SMIC cho biết có kế hoạch chi 4,3 tỉ USD cho năm 2021, chủ yếu để mở rộng năng lực sản xuất cho công nghệ hiện có hơn là phát triển chip tiên tiến. Chi phí vốn của SMIC năm ngoái là hơn 5,7 tỉ USD một chút. Công ty đã lên kế hoạch đạt mức kỷ lục 6,7 tỉ USD nhưng đã giảm số tiền do "sự không chắc chắn về việc giao một số thiết bị nhất định từ các nhà cung cấp Mỹ vì các hạn chế xuất khẩu".

SMIC đang đầu tư mạnh mẽ để trở thành nhà sản xuất chip tiên tiến nhất Trung Quốc, cung cấp các công nghệ theo quy trình 14 nanomet - được cho đã được đưa vào sản xuất quy mô nhỏ vào năm 2020 - và đang tìm cách tiến xa hơn thế. Điều đó đặt SMIC chỉ sau một đến hai thế hệ công nghệ so với nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới ở Đài Loan là TSMC (Taiwan Semiconductor Manufacturing Co), hiện đang sản xuất chip 5 nanomet, được sử dụng trong bộ xử lý mới nhất cho dòng iPhone 12. Kích thước nanomet càng nhỏ thì càng tiên tiến và việc phát triển những con chip đó càng khó khăn hơn.

SMIC cho biết hy vọng doanh thu sẽ tăng từ 5% đến 7% trong năm 2021, với giả định rằng "tính liên tục hoạt động không bị ảnh hưởng bất lợi đáng kể". Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp năm nay sẽ vào khoảng 15%, thấp hơn đáng kể so với mức 18% trong quý 4 năm ngoái, công ty dự báo.

Tỷ suất lợi nhuận gộp là chênh lệch giữa doanh thu và giá vốn hàng bán chia cho doanh thu. Tỷ suất lợi nhuận gộp được biểu thị dưới dạng phần trăm. Nói cách khác, tỷ suất lợi nhuận gộp là một giá trị phần trăm, trong khi lợi nhuận gộp là một giá trị tiền tệ.

Giống như hầu hết các công ty cùng ngành, bao gồm cả đối thủ TSMC, SMIC đã tạo ra lợi nhuận kỷ lục vào năm ngoái nhờ nhu cầu về các thiết bị công nghệ trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và Trung Quốc thúc đẩy sản xuất nhiều hơn tại địa phương.

SMIC cũng được hưởng lợi nhờ Huawei phải cố gắng tích trữ các nguồn cung cấp linh kiện khi phải vật lộn với việc Mỹ thắt chặt các hạn chế. Huawei từng là khách hàng lớn nhất của SMIC.

Trong cả năm 2020, doanh thu SMIC đã tăng hơn 25% lên 3,91 tỉ USD, còn lợi nhuận ròng tăng gấp ba lần lên 716 triệu USD từ 235 triệu USD một năm trước. Trong quý 4/2020, doanh thu SMIC tăng 16,9% lên 981 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái, còn lợi nhuận ròng tăng hơn 189% lên 257 triệu USD.

Zhao Haijun nói rằng nếu không vì các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ, SMIC có thể lặp lại tốc độ tăng trưởng doanh thu trong 2021 nhanh chóng như năm ngoái.

SMIC cho biết đã nhận được 125 triệu USD tài trợ của Chính phủ Trung Quốc trong quý 4/2020, sau 237,5 triệu USD trong 9 tháng đầu năm.

Trung Quốc từ lâu đã hy vọng xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn cạnh tranh, lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến an ninh quốc gia và là trung tâm của cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung.

Gina Raimondo, ứng cử viên Bộ trưởng Thương mại Mỹ, nói bà hiện không thấy lý do gì để xóa các công ty Trung Quốc khỏi danh sách thực thể của Bộ này vì hầu hết bị đưa vào đó vì lý do an ninh quốc gia hoặc chính sách đối ngoại.

Bài liên quan
Toan tính của các hãng ô tô khi ông Trump đàn áp công nghệ Trung Quốc làm cạn kiệt chip
Các nhà sản xuất ô tô đang phải đóng cửa các dây chuyền lắp ráp vì tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn cầu. Một số trường hợp đã trở nên trầm trọng hơn do các hành động của chính quyền Trump chống lại nhà máy sản xuất chip quan trọng ở Trung Quốc, theo Reuters.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Báo cáo của CEO khiến cổ phiếu hãng chip lớn nhất Trung Quốc giảm mạnh sau khi đạt lợi nhuận kỷ lục