Theo CNN, trước nhiều áp lực, Thủ tướng Malaysia, Muhyiddin Yassin đã gặp nhà vua để đệ đơn xin từ chức. Các nhà lãnh đạo chính trị khác đã bắt đầu nhấp nhổm để giành chiếc ghế này.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin đã từ chức sau chưa đầy 18 tháng cầm quyền, trở thành nhà lãnh đạo cầm quyền ngắn nhất của Malaysia sau khi thừa nhận rằng ông mất sự ủng hộ của đa số để cầm quyền.
Bộ trưởng Khoa học Khairy Jamaluddin đã viết trên Instagram rằng "Nội các của chúng tôi đã đệ đơn từ chức" với nhà vua, ngay khi Muhyiddin rời cung điện sau cuộc yết kiến quốc vương. Thứ trưởng Bộ Thể thao Wan Ahmad Fayhsal Wan Ahmad Kamal cũng cảm ơn sự phục vụ và lãnh đạo của Muhyiddin trong một thông điệp trên Facebook.
Sự ra đi của Muhyidddin sẽ đẩy đất nước Malaysia vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Các nhà lãnh đạo chính trị khác đã bắt đầu nhấp nhổm để giành chiếc ghế, đáng chú ý là Phó thủ tướng Ismail Sabri đã tập hợp sự ủng hộ để kế nhiệm Muhyiddin và giữ nguyên chính phủ.
Truyền thông địa phương cho biết cảnh sát trưởng quốc gia, chủ tịch Ủy ban bầu cử và tổng chưởng lý cũng đã được triệu tập đến cung điện hôm nay ngay trước khi Muhyiddin đến yến kiến. Thủ tướng Muhyiddin vẫn chủ trì cuộc họp Nội các tại văn phòng của ông vào hôm nay và đã vẫy tay chào các phóng viên tại cổng cung điện rồi rời đi sau đó 40 phút. Muhyiddin dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo sau đó.
Chính phủ của Muhyiddin ngay từ đầu vốn chỉ có đa số rất mỏng trong Quốc hội. Cuối cùng, khi hơn một chục nhà lập pháp từ đảng lớn nhất trong liên minh của ông đã rút đi sự ủng hộ của họ đối với chính phủ của ông thì cán cân thay đổi. Hai bộ trưởng từ Tổ chức Quốc gia Mã Lai Thống nhất (UMNO) cũng đã từ chức khỏi Nội các từ trước đó để thể hiện thái độ không ủng hộ với Muhyiddin.
Ban đầu Muhyiddin khẳng định ông vẫn được đa số ủng hộ và sẽ chứng minh điều này tại Quốc hội vào tháng 9. Hôm 13.8, thủ tướng đã nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ của phe đối lập để củng cố chính phủ của mình. Ông hứa sẽ tiến hành tổng tuyển cử vào tháng 7 năm sau. Ông cũng đưa ra những nhượng bộ gồm cả đề xuất giới hạn nhiệm kỳ của thủ tướng và cân bằng số ghế bộ trưởng cấp cao cho phe đối lập, nhưng lời kêu gọi của ông đã bị tất cả các bên từ chối.
Theo hiến pháp của Malaysia, thủ tướng phải từ chức nếu ông mất sự ủng hộ của đa số và nhà vua có thể bổ nhiệm một nhà lãnh đạo mới mà ông tin rằng có được sự tín nhiệm của Quốc hội.
Nhà vua có thể quyết định về một nhà lãnh đạo mới, nhưng hiện tại, không một liên minh nào có thể chiếm đa số. Một liên minh ba bên, là khối đối lập lớn nhất, đã đề cử lãnh đạo Anwar Ibrahim làm ứng cử viên thủ tướng. Tuy nhiên, khối này có dưới 90 nhà lập pháp, thiếu 111 nhà lập pháp cần thiết hình thành đa số. Con số đó cũng ít hơn 100 nhà lập pháp được cho là đang ủng hộ Muhyiddin.
Các ứng cử viên khác bao gồm Phó Thủ tướng Ismail, người của UMNO, nhưng không rõ liệu có thể đạt được một thỏa thuận hay không và liệu nhà vua có chấp nhận điều đó hay không. Một số nhà lập pháp đối lập cũng phản đối thỏa thuận như vậy, nói rằng toàn bộ Nội các phải từ chức vì những thất bại của chính phủ.
Truyền thông địa phương cho biết một ứng cử viên có thể là Razaleigh Hamzah, một hoàng tử 84 tuổi, từng là bộ trưởng tài chính. Razaleigh, là một nhà lập pháp của UMNO, được coi là một ứng cử viên trung lập có thể thống nhất các phe phái trong UMNO.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 96 tuổi, đã kêu gọi thành lập một Hội đồng phục hưng quốc gia và do các chuyên gia lãnh đạo để giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế và y tế của đất nước.
Muhyiddin lên nắm quyền vào tháng 3.2020 sau sự sụp đổ của chính phủ cải cách của Mahathir vốn đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2018. Ông đã rút khỏi đảng Bersatu của mình ra để bắt tay với liên minh do UMNO vốn đã lãnh đạo Malaysia kể từ khi độc lập khỏi Anh năm 1957 nhưng bị lật đổ vào năm 2018 vì một vụ bê bối tài chính trị giá hàng tỉ USD.
Chính phủ của Muhyiddin không ổn định vì UMNO không hài lòng với việc phải xếp dưới trướng. Muhyiddin đã tạm đình chỉ hoạt động Quốc hội trong nhiều tháng vào năm ngoái để tăng cường sự ủng hộ. Ông lại tiếp tục đình chỉ Quốc hội kể từ tháng 1 và ra phán quyết bằng sắc lệnh mà không có sự chấp thuận của cơ quan lập pháp nhờ vin vào tình trạng khẩn cấp do đại dịch coronavirus.