Taliban sẽ không thể cai trị Afghanistan như trước khi xã hội đã có sự thay đổi. Người dân Afghanistan giờ đã có điện thoại thông minh và mạng xã hội, thứ không tồn tại cách đây 20 năm.
Trên kênh Al-Jazeera Mubasher TV, pgười phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban ngày 15.8 tuyên bố cuộc chiến tranh tại Afghanistan đã kết thúc và kiểu chính quyền và hình thức chế độ sẽ sớm được làm rõ.
Những tuyên bố của Taliban đưa ra trong bối cảnh lực lượng này cùng ngày đã tiến vào thủ đô Kabul và Tổng thống Ashraf Ghani đã rời nước này vì muốn tránh tình trạng đổ máu.
Người phát ngôn Mohammad Naeem cho biết không cơ quan ngoại ngoại giao hay bất kì trụ sở nào ở Afghanistan bị nhắm mục tiêu, khẳng định Taliban đảm bảo sẽ đảm bảo an toàn cho công dân và các phái bộ ngoại giao.
Ông Naeem cũng cho biết sẵn sàng đối thoại với tất cả các bên ở Afghanistan và sẽ đảm bảo sự an toàn cần thiết. Người phát ngôn văn phòng chính trị của Taliban khẳng định lực lượng này "sẽ hành động một cách có trách nhiệm trong từng bước đi và đảm bảo hòa bình với mọi quốc gia". Theo đó, Taliban sẵn sàng giải quyết những quan ngại của cộng đồng quốc tế thông qua đối thoại.
Mặc dù Taliban đã đưa ra các tuyên bố đảm bảo “quá trình chuyển đổi được hoàn thành một cách an toàn, không gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản và danh dự của bất kỳ ai”, nhưng mối lo sợ vẫn hiển hiện với hàng triệu người Afghanistan.
Hàng nghìn thường dân đang tìm cách chạy trốn, có thể gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Những người ở lại thì lo sợ sự quay trở lại của chế độ Hồi giáo cực đoan mà Taliban từng áp đặt. Đã có những thông tin cho thấy trên đường tiến quân, chiến binh Taliban đã đóng cửa các trường học nữ sinh, cấm điện thoại thông minh ở một số nơi và buộc các nam thanh niên phải gia nhập hàng ngũ của họ.
Nhiều người lo ngại các quy tắc Hồi giáo hà khắc có thể được thiết lập trở lại và hai thập kỷ với những tiến bộ khó khăn giành được cho phụ nữ và xã hội dân sự ở Afghanistan có thể biến mất.
Câu hỏi đặt ra: Liệu cuộc sống dưới sự cai trị của Taliban có giống như trước đây hay không thì vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng. Các nhà quan sát cho rằng, nhóm này có thể sẽ ép buộc phụ nữ ở nhà, chấm dứt nền giáo dục hoà đồng giới tính và thiết lập một xã hội với luật Hồi giáo là trung tâm.
Tuy nhiên, khác với thế kỷ trước, Afghanistan giờ đã là một xã hội dân sự đã phát triển trong hai thập kỷ qua, một xã hội mà trước đây chưa từng tồn tại. Phụ nữ đã đảm nhận các vị trí công không chỉ ở Kabul mà còn ở các thành phố nhỏ hơn. Điện thoại di động và đặc biệt là mạng xã hội đã trở nên phổ biến. Các chuyên gia đặt câu hỏi liệu Taliban có thể dùng các quy tắc xưa cũ để điều hành một cộng đồng đã thay đổi như vậy hay không.