"Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng: Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn xoay chuyển tình thế

Lam Thanh | 24/10/2023, 15:02

"Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún", Thủ tướng nhấn mạnh.

Dự báo năm 2024 tiếp tục khó khăn

Ngày 24.10, Quốc hội thảo luận tại tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024.

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng năm 2023 rất khó khăn không chỉ riêng đối với Việt Nam mà cả ở trên thế giới. Tuy nhiên, so với bối cảnh kinh tế thế giới thì Việt Nam vẫn có những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy vậy, theo ông Cường, trong năm 2023, tình trạng đình trệ, chậm tăng trưởng trong khu vực kinh tế, doanh nghiệp (DN) vẫn là vấn đề cần được xem xét. Nguồn vốn, chính sách hỗ trợ DN gần như bị bão hòa.

“Nếu không có giải pháp kịp thời thì có thể nền kinh tế của nước ta vẫn sẽ trì trệ vì Việt Nam đang chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ phát triển của nền kinh tế thế giới”, ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho biết dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế thế giới chưa có sự phục hồi rõ. Những yếu tố tác động từ bên ngoài sẽ tác động mạnh đến kinh tế Việt Nam.

Để tháo gỡ những khó khăn và thúc đẩy phát triển kinh tế, đại biểu Cường đề nghị thực hiện linh hoạt các giải pháp tài khóa, thực hiện ngay giảm thuế giá trị gia tăng 2% bằng việc Quốc hội ban hành một nghị quyết ngay từ kỳ họp thứ 6 này;  giảm thuế, giảm tiền thuê đất; kịp thời có chính sách tài khóa đối với tiền tệ, điều hành ngân hàng, hỗ trợ lãi suất, tiếp cận vốn của DN sẽ cao hơn.

tt-2.jpeg
ĐBQH Hoàng Văn Cường

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cũng chỉ ra 5 chỉ tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là các chỉ tiêu quan trọng như: tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng ở mức thấp; 9 tháng tăng trưởng đạt 4,24% nhưng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản Chính phủ xây dựng; lạm phát cơ bản tăng cao hơn so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng; nhiều khoản thu ngân sách không đạt dự toán; việc triển khai thực hiện một số chương trình quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia còn chậm; giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơn so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt thấp...

Đặc biệt số DN có xu hướng rời khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ; số DN tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp...

Đóng góp vào các nội dung kinh tế-xã hội, đại biểu Đinh Tiến Dũng (Hà Nội) cho rằng Chính phủ cần có giải pháp hữu hiệu hơn để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Theo đó, thông qua thay đổi thể chế, DN có thể thể tiếp cận với nguồn vốn vay một cách thuận lợi hơn nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Bày tỏ sự lo lắng về nhiều dự án đầu tư bất động sản, công trình xây dựng còn đang dở dang là sự lãng phí lớn, ông Dũng đề nghị Quốc hội cần có sự chỉ đạo bằng việc ra nghị quyết hay có chủ trương giải quyết kịp thời.

Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế

Thảo luận tại tổ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dành nhiều thời gian trao đổi với các đại biểu liên quan tới các vấn đề về đầu tư phát triển, ứng phó biến đổi khí hậu ở khu vực ĐBSCL.

Thủ tướng nhấn mạnh, qua khảo sát có thể thấy ĐBSCL hiện nay phải đối mặt với một số vấn đề, đó là "sụt lún, sạt lở, hạn hán, ngập mặn".

Vừa qua, Chính phủ đã quyết định chi 4.000 tỉ đồng cho các tỉnh ĐBSCL khắc phục trước mắt những vấn đề trên. Thủ tướng đề nghị các đoàn ĐBQH giám sát việc sử dụng nguồn lực đã đủ, đúng, hiệu quả chưa.

tt-1.jpeg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu

Về lâu dài, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần có những dự án lớn, đặc biệt tại là các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cà Mau... Đây là những tỉnh bị sạt lở nhiều, mất đất do sạt lở, biến đổi khí hậu nhiều thì cần có những dự án lớn để khắc phục thiên tai.

Từ tác động của biến đổi khí hậu dẫn tới ảnh hưởng nặng nề ở ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng Việt Nam phải cùng thế giới làm giảm sự nóng lên của trái đất; phải xây dựng các dự án mang tính lâu dài, những dự án hàng tỉ USD.

Theo đó, ĐBSCL cần chuẩn bị cho những dự án mang tính lâu dài, huy động nguồn vốn, dự án hợp tác công tư để thực hiện các dự án chống sạt lở, phải làm bài bản, hiệu quả, kịp thời.

Thủ tướng nhắc lại sự thay đổi của dòng sông Mekong phía thượng nguồn là vấn đề lớn, Việt Nam đang cùng các nước có liên quan xây dựng kế hoạch, triển khai các dự án lớn để góp phần không làm ảnh hưởng quá lớn đến dòng chảy của sông Mekong. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh bảo vệ dòng chảy tự nhiên của sông Mekong rất quan trọng, là vấn đề lớn và lâu dài.

"Ngoài nỗ lực của chúng ta thì thúc đẩy các nước tiểu vùng sông Mekong làm việc với các đối tác lớn, các nước liên quan trong khu vực, kêu gọi các nước có điều kiện kinh tế, khoa học phát triển để cùng giải quyết", Thủ tướng nói.

Theo người đứng đầu Chính phủ, sạt lở ĐBSCL là vấn đề lớn, vừa phải giải quyết vấn đề trước mắt nhưng cũng phải xây dựng các dự án lớn mang tính lâu dài để ngăn chặn sự tác động tiêu cực đến ĐBSCL.

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Chính phủ xác định. Trong đó, những dự án cần triển khai là chống sạt lở, sụt lún, ngập mặn và biến đổi khí hậu. Việc này cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, huy động các nguồn lực. Với những dự án vay vốn quốc tế cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

"Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái chứ không làm vụn vặt, manh mún. Thay vì dàn trải thì chúng ta làm những vấn đề lớn như chống sụt lún, sạt lở, ngập mặn, biến đổi khí hậu", Thủ tướng nhấn mạnh và lưu ý phải có tư duy, phương thức, cách tiếp cận mới để vừa giải quyết vấn đề trước mắt, vừa có giải pháp căn cơ lâu dài.

Bài liên quan
Quốc hội Mỹ thẩm vấn Amazon về thỏa thuận thương mại điện tử với TikTok
Một số người cho rằng sự hợp tác cho phép người dùng mua hàng hóa trên Amazon thông qua ứng dụng video ngắn đình đám này sở hữu khiến việc cấm TikTok ở Mỹ trở nên khó khăn hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Nếu đã đi vay thì phải làm các dự án lớn xoay chuyển tình thế