“Năm 2024 có thiếu điện không? Nếu có thì giải pháp là gì? Tôi không tìm được câu trả lời cho vấn đề hết sức quan trọng này”, đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.

ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Năm 2024 có thiếu điện không? Tôi chưa tìm được câu trả lời

Lam Thanh | 24/10/2023, 14:45

“Năm 2024 có thiếu điện không? Nếu có thì giải pháp là gì? Tôi không tìm được câu trả lời cho vấn đề hết sức quan trọng này”, đại biểu quốc hội Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.

Năm 2024 có thiếu điện không?

Cho ý kiến về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, các đại biểu quốc hội đồng tình rằng kinh tế thế giới tiếp tục hồi phục bấp bênh do gặp những “cơn gió ngược” từ hệ quả của đại dịch COVID-19; căng thẳng địa chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn cũng như tình trạng lạm phát cao và kéo dài.

Các đại biểu lo ngại năm 2023 dự tính có 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt năm thứ 3 liên tiếp. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp.

Đặc biệt, nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng tăng trưởng tín dụng đến ngày 29.9.2023 chỉ tăng 6,92%.

Quy mô thu ngân sách có xu hướng thu hẹp so với giai đoạn trước, thu ngân sách nhà nước 9 tháng giảm 8,3% so với cùng kỳ. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương còn một số vấn đề cần quan tâm...

thao-luan.jpeg
Các đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) khẳng định: Nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những mùa nắng nóng tiếp theo.

Theo ông Đồng, hậu quả từ sự cố cắt điện đối với nền kinh tế và số liệu tiêu thụ điện thời gian qua để thấy rõ hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thế nhưng cả báo cáo của Chính phủ và Bộ Công Thương đều chưa làm rõ những vấn đề này.

Trong khi đó, theo báo cáo ngày 20.10 về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch năm 2024, Chính phủ nêu là đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước.

“Vậy trước mắt thì năm 2024 có thiếu điện không, nếu có thì giải pháp là gì. Tôi không tìm được câu trả lời cho vấn đề hết sức quan trọng này”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi?

Nhiều vấn đề đáng ngại từ hệ thống ngân hàng

Về lĩnh vực tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rằng báo cáo của Kiểm toán Nhà nước chỉ ra khá nhiều vấn đề của hệ thống ngân hàng, mức độ đáng lo ngại hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Chẳng hạn như một số ngân hàng thương mại yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn, thì một số ngân hàng thương mại có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng.

Còn về điều hành chính sách tiền tệ thì năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5 - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Đáng chú ý là cuối tháng 9.2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

dong.jpeg
ĐBQH Hà Sỹ Đồng phát biểu tại thảo luận tổ

“Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế. Điều này khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định”, ông Đồng nêu.

Gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40.000 tỉ đồng đang ế, nợ xấu tăng cao

Cũng theo ông Hà Sỹ Đồng, Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch COVID-19.

Trong khi đó, gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40 nghìn tỉ đang ế hơn 38 nghìn tỉ. Lãnh đạo ngân hàng nhiều lần giải thích nguyên nhân là doanh nghiệp không có nhu cầu, nhưng kiểm toán lại chỉ ra rằng công tác truyền thông của NHNN chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các ngân hàng thương mại thì chưa tích cực triển khai chính sách.

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, vấn đề cần lưu ý là nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực.

Tính đến cuối tháng 7.2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Nếu loại trừ các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt và thêm Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc dân, tỷ lệ này là 2,86%.

“Đáng quan ngại, theo thông tin tôi có được, nếu cập nhật tới ngày 31.8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt. Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng đầu năm nay tăng chậm”, ông Đồng nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Những chuyến xe nghĩa tình mang nước sạch đến vùng hạn mặn ĐBSCL
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Hiện nay, Sóc Trăng, Bến Tre, Tiền Giang là những vùng bị nhiễm mặn nặng và có nhiều hộ dân đang “khát nước”. Hàng ngày, những chuyến xe hay sà lan chở nước đã được các nhà hảo tâm tổ chức chở khẩn cấp đến cứu trợ cho bà con.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ĐBQH Hà Sỹ Đồng: Năm 2024 có thiếu điện không? Tôi chưa tìm được câu trả lời