Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp

Thủ tướng: Phải xác định cuộc chiến với COVID-19 còn trường kỳ, vất vả

Lam Thanh | 30/07/2021, 18:46

Thủ tướng nhấn mạnh phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp

Phải xác định cuộc chiến trường kỳ, lâu dài

Tại cuộc họp với các địa phương ngày 30.7, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Dịch bệnh COVID-19 với vi rút SARS-Cov-2 và các biến thể là căn bệnh thế kỷ, tạm thời chưa có thuốc điều trị, vì vậy, phải có chiến lược tiếp cận, nhiệm vụ, giải pháp mới hơn.

Theo đó, phải xác định cuộc chiến đấu này còn rất trường kỳ, lâu dài, vất vả, kể cả khi có vắc xin cũng không được lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, phải chuẩn bị tâm thế, nguồn lực, biện pháp phù hợp, bình tĩnh, sáng suốt, kiên trì, linh hoạt, cương quyết, quyết liệt nhưng rất mềm dẻo, phù hợp với từng nơi, từng lúc.

Thủ tướng cho rằng căn cứ tình hình thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiến làm thước đo. Thủ tướng nhắc lại phòng ngừa là cơ bản, là chiến lược, cộng với vắc xin và ý thức của người dân, các biện pháp công nghệ thì mới thích ứng với điều kiện chống dịch trong tình hình mới.

thu-tuong-3.jpg

Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, các cấp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trong phạm vi được phân cấp, ủy quyền, tổ chức thực hiện thật tốt các nhiệm vụ giải pháp.

“Việc chống dịch là chưa có tiền lệ, phải vừa thực hiện, vừa phát hiện các điểm mới, đúc rút kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết, bổ sung, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội. Việc phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương đã được nêu rất rõ trong các văn bản, phải tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu”, Thủ tướng nói.

Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc, đúng thẩm quyền, đúng quy định, đã làm phải cương quyết, không chập chờn, không nương tay, làm đến nơi đến chốn, làm việc nào ra việc đấy, có trọng tâm trọng điểm.

Khi thực hiện cách ly, giãn cách, Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ nhưng phải đáp ứng 3 yêu cầu: Hỗ trợ tối đa người dân về lương thực, thực phẩm, các nhu yếu phẩm, không để người dân thiếu ăn, thiếu mặc; đáp ứng các yêu cầu y tế của người dân ở mọi lúc, mọi nơi; đáp ứng các nhu cầu thiết yếu, chính đáng, hợp pháp của người dân.

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và các tỉnh đang bùng phát dịch phải có giải pháp giảm tối đa ca tử vong. Phong tỏa, cách ly phải triệt để, kết hợp với các chính sách, biện pháp để kiềm chế đỉnh dịch và kéo số ca mắc đi xuống. Ngoài các biện pháp chung, các địa phương này thực hiện một số biện pháp riêng, đặc thù theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia, Bộ Y tế.

Thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin

Thủ tướng nêu rõ yêu cầu thay đổi chính sách ưu tiên về vắc xin. Theo đó, ngoài các lực lượng tuyến đầu, tình nguyện, các tổ COVID-19 cộng đồng, người cao tuổi, những người tham gia vào các chuỗi cung ứng sản xuất, Thủ tướng tán thành với nhiều ý kiến tại cuộc họp là phải ưu tiên vắc xin cho TP.HCM. Thủ tướng kêu gọi các địa phương trên cả nước chia sẻ, ưu tiên vắc xin cho TP.HCM, Hà Nội và một số tỉnh có nhiều khu công nghiệp như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương...

Ban Chỉ đạo quốc gia và Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn tính toán cụ thể mức độ ưu tiên phù hợp với tình hình và khả năng cung ứng.
Theo đó, TP.HCM và các tỉnh có diễn biến xấu về dịch bệnh phải tăng cường các bệnh viện hồi sức cấp cứu với mức độ cao hơn, việc chuẩn bị và khi thực hiện phải sớm hơn, cao hơn.

Đồng thời, tăng cường huy động hơn nữa nguồn lực tư nhân về cơ sở y tế, khách sạn, nhà hàng, các nguồn lực của doanh nghiệp..., nhất là tại một số nơi được xem như trong tình trạng khẩn cấp; đẩy mạnh hơn nữa hợp tác công tư về cơ sở vật chất y tế, mua sắm trang thiết bị…

Thủ tướng yêu cầu quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chiến lược vắc xin, biệt là đẩy mạnh ngoại giao vắc xin, hợp tác công tư để mua được nhiều nhất, nhanh nhất có thể. Tổ chức tiêm kịp thời, hiệu quả, an toàn, không để lãng phí vắc xin và thời gian.

Đồng thời, tút gọn các thủ tục về hành chính để tập trung thúc đẩy nhanh chóng, mạnh mẽ, kịp thời việc nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất và công nhận vắc xin trong nước để có thể làm chủ trong vấn đề này. Khuyến khích các đơn vị nghiên cứu, nhập khẩu, sản xuất thuốc phục vụ phòng chống dịch. Tăng cường chuyển giao công nghệ, sản xuất máy thở.

Thủ tướng cũng yêu cầu đẩy mạnh việc đào tạo, nâng cao, bổ sung trình độ, kiến thức, kinh nghiệm, tay nghề, năng lực cho các cán bộ y tế từ các chuyên khoa khác để tăng cường nhân lực cho công tác hồi sức cấp cứu. Động viên, bảo đảm điều kiện làm việc đầy đủ cho bác sĩ, nhân viên điều dưỡng, kỹ thuật viên để sức chiến đấu lâu dài.

Tiếp tục nghiên cứu việc hỗ trợ người lao động, người nhập cư tại TP.HCM và các tỉnh có khu công nghiệp nói riêng, người bị mất thu nhập nói chung trên cơ sở dữ liệu của ngành bảo hiểm.

Thủ tướng tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh công tác truyền thông theo nguyên tắc công khai, minh bạch, nhân đạo, khoa học, kịp thời, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực, lấy cái đẹp dẹp cái xấu; Bộ Tài chính phân bổ thêm ngân sách cho các cơ quan, đơn vị, địa phương thiếu nguồn lực trên cơ sở cân đối ngân sách và tiết kiệm.

“Chúng ta chống dịch trong điều kiện của một đất nước đang phát triển với những đặc thù riêng, do đó phải cân đối nguồn lực, có các giải pháp phù hợp; huy động cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp chung tay, chung sức, chung lòng, phát huy truyền thống văn hóa lịch sử, truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của người dân, sự cộng đồng trách nhiệm của lãnh đạo. Phải tổng hòa các biện pháp về chống dịch, an sinh xã hội, huy động nguồn lực cả về tinh thần và vật chất”, Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, nhân dân và doanh nghiệp cả nước theo tinh thần “dễ mười lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Bài liên quan
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: Làn sóng dịch thứ 4 rất khác với 3 lần trước, cấp bách tiêm vắc xin
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng đợt dịch lần 4 này có sự khác biệt rất lớn so với 3 đợt dịch trước. Biến thể Delta lây lan nhanh, đặc biệt là ở các tỉnh, thành là động lực phát triển của nền kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng: Phải xác định cuộc chiến với COVID-19 còn trường kỳ, vất vả