Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia (NCIF) cho rằng có một số hạn chế trong công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 như kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao…
Nhiều hạn chế trong công tác giảm nghèo
Trình bày tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 15 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho biết tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 9,88% năm 2015 (năm đầu kỳ) xuống còn 2,75% năm 2020 (năm cuối kỳ), trung bình giảm 1,43%/năm (chỉ tiêu: 1-1,5%/năm); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm (chỉ tiêu: 3-4%), có hơn 8 triệu người thoát nghèo, cận nghèo; có 32 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Công tác giảm nghèo ở Việt Nam được quốc tế đánh giá là điểm sáng.
Được biết, từ 2015, Việt Nam đã ban hành chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, đánh dấu bước quan trọng trong quá trình chuyển đổi của Việt Nam từ đo lường nghèo theo thu nhập sang đo lường đa chiều.
Theo đó, xác định chuẩn nghèo mới thay thế cho chuẩn nghèo cũ với các tiêu chí thoát nghèo cao hơn. Chuẩn nghèo xác định theo 10 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản gồm: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin.
Tuy nhiên, Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia (NCIF) cho rằng có một số hạn chế trong công tác xóa đói, giảm nghèo giai đoạn 2016-2020. Đó là kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo còn cao, nhất là khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc, vùng thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt.
Tỷ lệ tái nghèo trong 4 năm (2016-2019) bình quân 4,09%/năm so với tổng số hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo phát sinh tương đối lớn, trung bình giai đoạn 2016-2019 bằng 21,8% so với tổng số hộ thoát nghèo.
Chênh lệch giàu - nghèo, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, việc làm giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía bắc và Tây Nguyên.
Sự phân hóa giàu nghèo trong các tầng lớp dân cư có xu hướng gia tăng qua số liệu về chênh lệch thu nhập giữa nhóm 5 (20% dân số giàu nhất) và nhóm 1 (20% dân số nghèo nhất) năm 2014 là 9,7 lần, tăng lên 10 lần vào năm 2018.
Nhiều nơi tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 50%; tỷ trọng hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 58,53% tổng số hộ nghèo trong cả nước (cuối năm 2019). Điều này đòi hỏi cần tiếp tục phải có những giải pháp hiệu quả, phù hợp hơn để góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và đến năm 2030 theo mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết với quốc tế.
Ngoài ra, chính sách giảm nghèo vẫn còn tình trạng vừa trùng lặp vừa dàn trải, phân tán với mức hỗ trợ thấp… đã làm giảm tính hiệu quả của các chính sách. Còn nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp nên chưa tạo được ý thức chủ động của các cấp và người dân, làm phát sinh tư tưởng ỷ lại của các cấp và của bản thân người nghèo. Xu hướng nhiều địa phương, huyện, xã và người dân muốn vào danh sách đối tượng nghèo để được trợ giúp khá phổ biến.
“Thực tế hiện nay, các cấp địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai chính sách và bố trí nguồn lực phù hợp với địa phương do bị giới hạn về thẩm quyền và ngân sách thực hiện trong xây dựng và thực hiện kế hoạch giảm nghèo; các chính sách giảm nghèo thường đặt mục tiêu cao, nhiều chính sách ban hành mà không dựa vào cân đối nguồn lực, không có đủ nguồn lực để thực hiện; Cơ chế phối hợp, chỉ đạo, điều hành ở các cấp, cơ chế phân cấp, trao quyền còn bất cập, trách nhiệm giải trình chưa rõ ràng”, NCIF nêu.
Hỗ trợ cho vay có hoàn trả
Về giải pháp, NCIF cho rằng trước tiên, cần tích hợp ban hành các chính sách hỗ trợ giảm nghèo trong các chính sách phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hỗ trợ các điều kiện, hỗ trợ trực tiếp đối với các chính sách có ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội như giáo dục, y tế, còn lại các chính sách khác hỗ trợ bằng hình thức cho vay có hoàn trả.
Đồng thời tiếp tục tăng mức cho vay tín dụng ưu đãi và kéo dài thời gian vay vốn với lãi suất ưu đãi cho một số loại hình sản xuất có chu kỳ sản xuất chăn nuôi dài như trồng rừng, chăn nuôi trâu, bò… và các cơ sở hộ sản xuất kinh doanh ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng nông thôn.
Ngoài ra, thực hiện phân cấp mạnh việc tổ chức thực hiện cho địa phương, cơ sở theo phương thức hỗ trợ trọn gói, giao quyền cho địa phương, lấy ý kiến nhân dân và tình hình thực tế để chủ động bố trí ngân sách giải quyết những nhu cầu bức xúc trên địa bàn theo mục tiêu của các chương trình đã đề ra.
Theo đó, cần xem xét việc lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2025. Việc lồng ghép sẽ giảm đầu mối quản lý, tăng tối đa chi cho đầu tư phát triển, hướng tới đối tượng thụ hưởng trực tiếp là người dân.
Một giải pháp nữa là tạo điều kiện cho người dân chủ động hơn, năng động hơn, có năng lực, động lực lớn hơn, được trao quyền tự quyết nhiều hơn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo từ xây dựng chính sách đến tổ chức thực hiện.
Đồng thời, tăng cường đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, nhất là hạ tầng giao thông để tạo cơ hội giao thương, việc làm, đầu tư cho giáo dục và dạy nghề, tạo điều kiện thông thương là con đường căn bản để giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận nguồn lực để họ tự vươn lên.
“Dân trí, giáo dục, dạy nghề là những bài toán quan trọng để góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng xóa đói, giảm nghèo, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn nữa, cần quan tâm đưa các ứng dụng khoa học, công nghệ thành giải pháp cơ bản để nhanh chóng đạt được mục tiêu giảm nghèo ở các chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn tới”, NCIF nêu.
Cuối cùng, cần xem xét khả năng, nguồn lực để thực hiện các mục tiêu đặc thù, cũng như xem xét về tính đặc thù của các vùng, miền để có phương pháp tiếp cận cách giảm nghèo cho phù hợp.
“Để chống nguy cơ trở thành hộ nghèo, nguy cơ tái nghèo, cận nghèo, đào tạo là giải pháp căn cơ và có hiệu quả nhất. Do đó, trong các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025 cần chú trọng phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”, NCIF nhấn mạnh.