Thủ tướng Yoshihide Suga đã công bố kế hoạch chuyến công du ASEAN. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản.

Thủ tướng Suga đến Việt Nam, Nhật tăng trợ cấp để các công ty rời Trung Quốc sang Đông Nam Á

Nhân Hoàng | 15/10/2020, 10:52

Thủ tướng Yoshihide Suga đã công bố kế hoạch chuyến công du ASEAN. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Suga kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản.

Theo trang Nikkei, Nhật Bản tăng cường đáng kể chương trình khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng địa điểm sản xuất ở Đông Nam Á nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chính phủ Nhật Bản sẽ chi trả tới một nửa chi phí cho các khoản đầu tư như vậy trong ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) với các công ty lớn và 2/3 chi phí với các doanh nghiệp nhỏ hơn. Trợ cấp áp dụng cho các sản phẩm có xu hướng tập trung sản xuất ở một quốc gia cụ thể. Mục đích là để các công ty mở rộng số lượng quốc gia có hoạt động ở nước ngoài, chứ không phải lôi kéo họ rời khỏi bất kỳ nước nào. Dù Trung Quốc không được nêu tên cụ thể trong kế hoạch, nhưng mục tiêu dường như là giảm sự phụ thuộc vào nước này.

Thủ tướng Yoshihide Suga công bố kế hoạch trong chuyến thăm Việt Nam và Indonesia từ ngày 18.10 đến 21.10, tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chuyến công du nước ngoài chính thức đầu tiên trên cương vị lãnh đạo Nhật Bản.

thu-tuong-suga-den-viet-nam-nhat-tang-tro-cap-cho-cac-cong-ty-roi-trung-quoc-sang-dong-nam-a2.jpg
Thủ tướng Yoshihide Suga công du Đông Nam Á từ 18.10 đến 21.10 - ảnh: Reuters

Chuyến công du ASEAN của ông Suga, gồm cả chặng dừng chân ở Indonesia, sẽ được sử dụng để kêu gọi các biện pháp thúc đẩy đầu tư vào Đông Nam Á.

Chương trình này nhằm hỗ trợ các dự án cụ thể liên quan đến việc mở rộng mạng lưới sản xuất vào các thành viên ASEAN. Các kế hoạch liên quan đến việc rút khỏi một quốc gia nhất định sẽ có thể bị loại trừ. Mặt khác, việc xây dựng nhà máy mới ở một nước Đông Nam Á trong khi dần rời Trung Quốc chẳng hạn, sẽ được coi là hình thức đa dạng hóa đủ điều kiện.

Chương trình không nêu đích danh Trung Quốc, vì làm như vậy có thể khiến Tokyo phải hứng chịu những lời chỉ trích rằng nước này đang bóp méo thương mại tự do.

Yorizumi Watanabe, giáo sư kinh tế chính trị quốc tế tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kansai (Nhật Bản), cho biết kế hoạch sẽ không gây ra vấn đề gì theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, miễn là có các tiêu chuẩn khách quan để cung cấp hỗ trợ thay vì trợ cấp cho các công ty cụ thể.

Đông Nam Á là điểm đến hấp dẫn với các nhà sản xuất từ ​​khía cạnh chi phí. Theo Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản, chi phí trung bình hàng năm trả cho công nhân sản xuất ở Indonesia là 5.956 USD và 4.041 USD tại Việt Nam, so với gần 10.000 USD ở Trung Quốc.

Ngay trước khi trở thành Thủ tướng Nhật, ông Suga nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết sự phụ thuộc quá mức của chuỗi cung ứng ở nước cụ thể, với lý do các nhà sản xuất ô tô buộc phải đóng cửa các nhà máy khi không thể tìm thấy các linh kiện từ Trung Quốc trong những ngày đầu bùng phát coronavirus.

Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ dành một khoản tiền đáng kể trong ngân sách bổ sung thứ ba cho chương trình để đánh dấu tầm quan trọng của việc này như một sáng kiến ​​chính sách.

Ngân sách bổ sung đầu tiên của Nhật Bản cho năm tài chính 2020 dành 23,5 tỉ yên (223 triệu USD) giúp các doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á để mở rộng mạng lưới cung ứng của họ. Chính phủ đã phê duyệt 30 dự án trong vòng nộp đơn đầu tiên kết thúc vào tháng 6.2020. Tuy nhiên, chương trình này ít được biết đến hơn một sáng kiến ​​tương tự nhưng lớn hơn nhiều nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước. Sáng kiến này đã nhận được hơn 1.700 đơn xin hỗ trợ trị giá hơn 10 lần ngân sách 2 tỉ USD (tức hơn 20 tỉ USD), trong đó 57 dự án với tổng trị giá 544 triệu USD đã được phê duyệt.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng như sự chậm trễ trong việc tìm nguồn cung ứng khẩu trang và các mặt hàng quan trọng khác trong đại dịch COVID-19 đã làm rõ sự nguy hiểm của các mạng lưới cung ứng phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mỹ đã cấm các nhà sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc với lý do lo ngại thông tin nhạy cảm bị rò rỉ cho chính quyền Bắc Kinh và thúc đẩy các đồng minh như Nhật Bản, Anh, Úc làm điều tương tự.

Trung Quốc đã đáp trả bằng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với xuất khẩu các sản phẩm được sản xuất ở Mỹ. Các doanh nghiệp Nhật Bản có các cơ sở ở Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị mắc kẹt hàng hóa giữa thời kỳ Mỹ - Trung trả đũa qua lại.

Mới đây, chuyên gia pháp lý chỉ các công ty Nhật Bản cách rút khỏi Trung Quốc êm thấm, tránh bị kiện.

Hôm 4.9 vừa qua, trang Nikkei đưa tin Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã khởi động đợt thứ hai của chương trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Các nhà sản xuất Nhật Bản sẽ đủ điều kiện nhận trợ cấp nếu chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc sang Ấn Độ hoặc Bangladesh, trong chương trình mở rộng từ chính phủ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng của nước này.

23,5 tỉ yên là ngân sách bổ sung của Chính phủ Nhật trong năm tài chính 2020 cho các công ty chuyển hoạt động sản xuất sang các nước Đông Nam Á.

Khi mở đợt nộp hồ sơ thứ hai vào hôm nay, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật đã bổ sung "các dự án góp phần vào khả năng phục hồi chuỗi cung ứng Nhật Bản - ASEAN" vào danh sách điểm đến đủ điều kiện, để mắt đến việc chuyển địa điểm sang các nước như Ấn Độ và Bangladesh.

Các công ty Nhật có thể nhận được trợ cấp cho các nghiên cứu khả thi và các chương trình thử nghiệm. Tổng số tiền được cấp dự kiến ​​lên đến hàng chục triệu USD.

Chương trình trên nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc của Nhật Bản vào một số liên kết trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là Trung Quốc, và đảm bảo dòng chảy ổn định của các sản phẩm như vật tư y tế và linh kiện điện trong trường hợp khẩn cấp. Vấn đề này được đặt lên hàng đầu khi Trung Quốc đóng cửa các nhà máy trong những ngày đầu đại dịch COVID-19.

Đợt trợ cấp đầu tiên của Nhật được công bố vào tháng 7.2020, đã chi hơn 10 tỉ yên cho 30 công ty chuyển hoạt động sản xuất sang Đông Nam Á. Trong đó Hoya, công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử, chủ yếu là ổ cứng, chuyển nhà máy sang Việt Nam và Lào. 57 công ty khác nhận được hỗ trợ để chuyển cơ sở sản xuất về Nhật Bản.

chuyen-gia-chi-cac-cong-ty-cach-rut-khoi-trung-quoc-em-tham-tranh-bi-kien1.png
Hoya là 1 trong 15 công ty Nhật vừa chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam

Hôm 20.7, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố danh sách chi tiết 87 công ty sẽ được nhận số tiền hỗ trợ 70 tỷ yên (tương đương 653 triệu USD) để thực hiện kế hoạch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Trong số 87 công ty di dời nhà máy khỏi Trung Quốc, 57 công ty sẽ chuyển nhà máy trở về Nhật Bản như đã nêu, 30 công ty khác sẽ chuyển nhà máy đến các nước Đông Nam Á. Trong đó 15 công ty chọn Việt Nam làm nơi đặt nhà máy, bao gồm 6 công ty có quy mô lớn và 9 công ty có quy mô vừa và nhỏ.

Phần lớn các công ty chuyển nhà máy đến Việt Nam chuyên về sản xuất thiết bị y tế nhưng cũng có 5 công ty chuyên về sản xuất linh kiện thiết bị điện, điện tử và ô tô.

Danh sách 15 hãng Nhật Bản chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam:

chuyen-gia-chi-cac-cong-ty-cach-rut-khoi-trung-quoc-em-tham-tranh-bi-kien.png
Bài liên quan
Chuyên gia chỉ các công ty cách rút khỏi Trung Quốc êm thấm, tránh bị kiện
Vấn đề lao động và phương tiện truyền thông xã hội là điều mà các công ty Nhật Bản phải đối mặt khi muốn rút khỏi Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chiến dịch Hồ Chí Minh - Đỉnh cao thắng lợi của cách mạng Việt Nam
3 giờ trước Sự kiện
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn mãi là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thủ tướng Suga đến Việt Nam, Nhật tăng trợ cấp để các công ty rời Trung Quốc sang Đông Nam Á