Ngày 31.1, khi thực hiện chuyến thăm Trung Quốc 3 ngày, nữ Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Anh và Trung Quốc “sẽ không luôn đồng ý với nhau”, và bà có thiện cảm với quan điểm của Tổng thống Mỹ là không thể chấp nhận Trung Quốc hoạt động thương mại bất công.
Bà May khẳng định trong chuyến thăm thương mại này, bà sẽ đề cao việc phát triển kinh tế “theo đúng luật”. Bà nhấn mạnh: “Anh-Trung sẽ luôn không nhìn vào mắt nhau. Nhưng là đối tác cam kết thương mại tự do toàn cầu, chúng tôi có thể làm việc với nhau, để đối đầu và giải quyết những thách thức có tác động đến các nền kinh tế của chúng ta”.
Chuyến thăm của bà May vào lúc Mỹ-Trung đang căng thẳng thương mại. Tại Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross đã đề cập khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Chính phủ Tổng thống Donald Trump đã cáo buộc Trung Quốc hoạt động thương mại bất công, gồm “ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ”. Ông Trump gần đây nói Mỹ từng quá sơ hở khi chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) năm 2001.
Bà May nói sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng về quyền sở hữu trí tuệ, và bà nói sẽ “bảo đảm khi các công ty của chúng ta thiết kế và phát triển sản phẩm mới, họ tự tin quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ đầy đủ”.
Vị Thủ tướng Anh nói các nền kinh tế lớn phải có trách nhiệm đặc biệt, để chứng minh họ “tôn trọng luật chơi”, và bà nói Anh muốn tăng cường quan hệ thương mại với Trung Quốc theo hướng “bảo vệ các giá trị của chúng ta, bảo đảm an ninh toàn cầu”.
Bà May cũng nói bà sẽ “đi dây” giữa việc ca ngợi thời đại thương mại tự do (sau khi Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu, vụ Brexit từ tháng 3.2019) với dự án xây dựng cơ sở hạ tầng toàn cầu Một vành đai, Một con đường trị giá 900 tỉ USD của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Trung Quốc đang muốn Anh ủng hộ hết mình dự án trên, trong khi Mỹ, Pháp và các cường quốc châu Âu đã bày tỏ sự cẩn trọngdo nhận ra mục đích của dự án trên: trói buộc các nước đón nhận sự đầu tư xây dựng của Trung Quốc vào sát tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trên chuyên cơ Voyager của không quân hoàng gia Anh, bà May nói mục tiêu chuyến thăm không chỉ lập nền tảng cho thỏa thuận thương mại tương lai giữa Anh-Trung, mà còn là tăng cường quan hệ thương mại.
Theo lịch trình, ngày 31.1, bà May thăm thành phố Vũ Hán, sẽ tuyên bố những thỏa thuận giáo dục trị giá 550 triệu bảng. Vũ Hán được cho là thành phố đông học sinh nhất thế giới.
Đến chiều 31.1, bà May tớiBắc Kinh, gặpThủ tướng Lý Khắc Cường.Ngày 1.2, bà sẽ ăn tối với ông Tập Cận Bình. Chủ đề nói chuyện của các nhà lãnh đạo Trung- Anh là vấn đề an ninh quốc tế, tình trạng biến đổi thời tiết và cuộc mối đe dọa hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Ngày 2.2, bà May và chồng là ông Philip May cũng sẽ thăm thành phố Thượng Hải.
Tuyên bố của người phát ngôn Phủ Thủ tướng Anh cho biết đoàn đại biểu Anh gồm đại diện 50 doanh nghiệp và tổ chức, sẽ chú trọng khai thác các cơ hội mới cho các doanh nghiệp Anh hiện nay và sau Brexit, tối ưu hóa lợi ích cho Anh từ chính sách mở cửa kinh tế của Trung Quốc.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi đây là một “chuyến thăm lịch sử”.
Bà May cũng sẽ đề cập tình hình Bắc Kinh đang siết chặt kiểm soát Đặc khu hành chính Hồng Kông, xứ nhượng địa mà Anh đã trả về Trung Quốc ngày 1.7.1997, theo tinh thần “một quốc gia, hai chế độ”, trong đó cho phép thành phố cảng này được hưởng nhiều quyền tự do ngôn luận, quyền dân chủ.
Bà May nói với các nhà báo sẽ đề cậpvấn đề này với lãnh đạo Trung Quốc, dù không cho biết chi tiết: “Chúng tôi tin tưởng tương lai Hồng Kông vẫn theo hệ thống “một nhà nước, hai chế độ”. Tôi từng nêu vấn đề này với Chủ tịch Tập Cận Bình và cam kết thực hiện thỏa thuận trên, nhưng tôi sẽ lại nhắc đến, đó là nền tảng quan hệ Anh-Trung”.
Bích Ngọc (theo Guardian)