Liên quan đến câu chuyện người đàn ông 40 tuổi sử dụng rượu ba kích khiến “cậu nhỏ” cương cứng đến 30 giờ, chuyên gia y tế cho rằng rất có thể ba kích đã ngâm tẩm với tân dược cường dương.
Theo BS.CK2 Huỳnh Tấn Vũ - giảng viên khoa Y học cổ truyền, Đại học Y dược TP.HCM, trường hợp người đàn ông uống rượu ba kích khiến “cậu nhỏ” cương cứng suốt 30 giờ phải nhập viện cấp cứu có thể do nhiều nguyên nhân, cần thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, kết hợp khai thác tiền sử sử dụng thuốc mới có thể kết luận được.
Về lý thuyết, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng cương đau dương vật kéo dài như: các bệnh lý về huyết học/đông máu, sử dụng thuốc và các chất kích thích (rượu, cocaine, thuốc an thần, thuốc điều trị tăng huyết áp…), tiêm các chất hoạt mạch vào vật hang, các thuốc tăng sinh hồng cầu điều trị thiếu máu do suy thận, các thuốc làm tăng nồng độ hematocrit máu, nguyên nhân thần kinh và các nguyên nhân ác tính.
Ba kích có làm tăng "bản lĩnh đàn ông"?
Trong trường hợp này, “cậu nhỏ” của bệnh nhân cương cứng suốt 30 giờ không phải là do tác dụng của ba kích phải không, thưa bác sĩ?
Ở đây không loại trừ nguyên nhân có thể do ba kích đã ngâm tẩm với tân dược cường dương, hoặc bệnh nhân đã uống rượu ba kích kèm với thuốc tân dược cường dương. Hoặc cũng có thể người này uống rượu ba kích với sử dụng thuốc bôi hoặc xịt để tăng tác dụng cường dương. Từ trước tới nay, khoa học đông y chưa ghi nhận việc ba kích gây tác dụng dữ dội như vậy.
Nhiều thông tin cho rằng ba kích làm tăng "bản lĩnh đàn ông", vậy thực hư của việc này như thế nào, thưa ông?
Qua điều trị thử nghiệm, vị thuốc ba kích được ghi nhận tác dụng đối với nam giới có hoạt động sinh dục yếu. Ba kích có tác dụng làm tăng khả năng giao hợp, đặc biệt đối với các trường hợp khả năng giao hợp yếu và thưa. Tuy không làm tăng đòi hỏi tính dục, nhưng ba kích có tác dụng tăng cường sức dẻo dai, không thấy có tác dụng giống androgen trên lâm sàng. Ba kích không làm thay đổi tinh dịch đồ nhưng trên thực tế có tác dụng hỗ trợ và cải thiện hoạt động sinh dục cũng như điều trị vô sinh cho nam giới có trạng thái vô sinh tương đối nhẹ và suy nhược thể lực. Còn các trường hợp tinh dịch ít, tinh trùng chết nhiều, không có tinh trùng, không xuất tinh khi giao hợp, sử dụng ba kích chưa thấy kết quả.
Hơn nữa, ba kích muốn phát huy tác dụng, bên cạnh việc chọn đúng loại ba kích, cần phải chế biến sao tẩm đúng cách (phải bỏ lõi, phơi khô, sao tẩm), phải biết cách kết hợp ba kích với các vị thuốc khác chứ dùng độc vị thì không phát huy hết tác dụng của vị thuốc.
Người bị huyết áp thấp và chứng táo bón không nên dùng ba kích
Bác sĩ đánh giá như thế nào về cây ba kích so với các loại cây, cỏ khác trong y học, đặc biệt là trong việc làm gia tăng "bản lĩnh đàn ông"?
Y học cổ truyền có nhiều vị thuốc tốt cho “bản lĩnh đàn ông”, nhưng thuốc tốt đến đâu, điều quan trọng là phải dùng đúng thuốc, đúng bệnh. Điều này có nghĩa là đối với từng cá thể khác nhau, cần sử dụng những loại thuốc khác nhau phù hợp với tình trạng sức khỏe của mỗi người, thì vị thuốc mới phát huy tác dụng tốt được.
Việc lựa chọn đúng thuốc, đúng bệnh chỉ có thầy thuốc y học cổ truyền mới đủ kiến thức để giúp người bệnh sử dụng. Việc dùng các cây cỏ này không đơn giản, phải chẩn đoán đúng bệnh, dùng đúng thuốc. Vị thuốc được chọn phải là loại thảo dược đúng tên được mô tả trong y văn (trên thực tế dễ bị nhầm lẫn và làm giả), phải được chế biến và bảo quản đúng cách (thuốc đông y nhiều vị chế biến khá cầu kỳ mới phát huy được dược tính và loại bỏ chất có hại, ba kích là một trong số đó), phải được kết hợp với các vị thuốc khác theo các nguyên tắc của bài thuốc Đông y thì mới phát huy tác dụng. Không có mẫu số chung trong việc dùng thảo dược để tăng bản lĩnh cho nam giới. Vì vậy, khi có nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, bạn nên được tư vấn bởi thầy thuốc có chuyên môn.
Là một chuyên gia trong lĩnh vực y học cổ truyền, ông có thể cho biết tác dụng chính của cây ba kích đối với sức khỏe cũng như điều trị bệnh như thế nào?
Ba kích là vị thuốc nổi tiếng, một loại dược liệu quý hiếm với công dụng trị đau nhức xương khớp. Đây cũng là thuốc bổ cho cả nam và nữ được sử dụng từ lâu trong y học cổ truyền.
Tính vị theo tài liệu cổ: Ba kích có vị cay ngọt, tính hơi ôn. Vào thận kinh. Có tác dụng ôn thận trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh. Dùng chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu, mềm, lưng gối mỏi đau. Đối với nữ thì tốt cho nữ khó thụ thai, dương hư, kinh nguyệt không đều, tử cung lạnh. Đối với người cao tuổi có biểu hiện mệt mỏi, kém ăn, mất ngủ, người gầy yếu mà không thấy có những yếu tố bệnh lý hay một số trường hợp đau mỏi các khớp, sử dụng ba kích có tác dụng tăng lực rõ rệt. Khi đó, người bệnh cảm giác đỡ mệt mỏi, ngủ ngon, ăn ngon và những dấu hiệu khách quan như tăng cân, tăng cơ lực… Đối với bệnh nhân đau mỏi các khớp, sau khi dùng ba kích dài ngày các triệu chứng đau mỏi giảm rõ rệt. Đây cũng là vị thuốc tốt cho cả nam và nữ, người lớn tuổi.
Có phải mọi người dân sử dụng cây ba kích đều tốt cho sức khỏe không, thưa bác sĩ?
Đối với người âm hư hỏa vượng, đại tiện táo kết không nên dùng ba kích vì nó có tính nóng sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng âm hư hỏa vượng, táo bón. Những người huyết áp thấp không nên dùng vì ba kích có tác dụng hạ huyết áp.
Xin cảm ơn bác sĩ về cuộc trò chuyện này!