Thủy điện An Khê-Ka Nak nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giết chết con sông Ba dài khoảng 200km chảy qua nhiều huyện thị của 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên bằng cách đổ toàn bộ nước sang sông Côn Bình Định. Đây là điển hình của việc chống lại thiên nhiên mà ‘chỉ có Việt Nam mình liều lĩnh’.
Ngắc ngoải sau chân đập
Hạn hán đang lên đỉnh điểm gay gắt nhất trong lịch sử ở các tỉnh Tây Nguyên. Hàng trămngàn hecta cây trồng bị hư hại, hàng ngàn người dân bị thiếu nước; ảnh hưởng kinh tế rất lớn. Đối với người dân sinh sống hai bên sông Ba, khốn khổ càng khốn khổ hơn.
Bà Đặng Thị Yến, Trưởng phòng TNMT thị xã An Khê (Gia Lai) nói gọn: “Tháng 5.2005, thủy điện An Khê-Ka Nak xây dựng. Tháng 9.2010, chặn dòng tích nước của sông Ba, tổ máy phát điện đặt ở huyện Tây Sơn (Bình Định) và xả toàn bộ nước về sông Côn. Từ đó sông Ba mất nước”.
Bị lấy hết toàn bộ nước, sông Ba chết ngay sau đó. Năm 2011, đỉnh điểm của khô kiệt, cá tôm trên sông chết hết, ô nhiễm trầm trọng. Còn khi mưa lũ về, thủy điện xả lũ thì rất kinh hoàng. Năm 2013 là trận lũ lịch sử mà dân An Khê chưa bao giờ thấy trong đời. Nước từ thủy điện xả về ào ạt nhấn chìm cả thị xã. Cầu sông Ba sắp bị cuốn trôi. Lãnh đạo tỉnh xuống chỉ đạo cứu nạn chỉ còn biết đứng ở bờ bên kia.
“Nói chung khi chưa bị chặn dòng thì không có chuyện hạn hán hay lũ lụt kinh hoàng như những năm nay. Từ khi sông Ba bị chặn dòng giết chết thì thấy mâu thuẫn rõ nét. Địa phương rất bức xúc vì đáng lẽ họ chặn dòng phát điện thì phải trả nước về lại cho sông Ba, nhưng họ cướp toàn bộ nước xả sang con sông khác”, bà Yến nói.
Đến thời điểm này, tổng giá trị thiệt hại do hạn hán trên địa bàn thị xã An Khê ước khoảng hơn 2,5 tỉ đồng; trong đó lúa 2 vụ bị thiệt hại hơn 1,1 tỉ đồng. Không còn nước sông Ba, nhiều năm nay việc tưới tiêu cho cây trồng ở An Khê phụ thuộc vào 145 công trình thủy lợi; phần lớn là các ao, bàu, đập nhỏ. Nhưng nay, nguồn nước này đã cạn kiệt.
Gặt mót lúa lép trên cánh đồng đã khô cháy về cho vịt ăn, ông Nguyễn Ngọc Châu (70 tuổi, trú P.An Phước, TX.An Khê) kể: “Nhà tui trồng 3 sào lúa, nay khô hạn mất trắng. Chỉ tính tiền cày, tiền giống, tiền phân cũng đã mất cả chục triệu, nay không thu về được chút nào. Chưa bao giờ hạn khốc liệt như năm nay”. Không riêng gì 3 sào lúa của ông Châu, toàn TX.An Khê đã 229/426 diện tích lúa bị thiệt hại.
Nhìn về đập thủy điện, ông Châu thở dài: “Trước đây sông chưa bị chặn, mình tải nước vào tưới tiêu thoải mái. Có hạn thì tải từ sông vào trữ trong những bàu, ao nước nên không lo. Nay nước sông mất rồi, ao hồ cũng cạn kiệt hết. Biết than thở vào đâu”.
Sông Ba là con sông lớn ở Tây Nguyên, vậy mà giờ đi qua cầu Sông Ba trên QL 19 nhìn xuống chỉ thấy toàn rừng cây cỏ. Người dân lùa trâu xuống đó chăn dắt, canh tác. “Sông gì mà đi qua không ướt. Ngày xưanước tràn trề, sông Ba cũng thơ mộng lắm. Người ta đánh cá, giặt giũ hai bên sông rất êm đềm. Nay thì biến mất cùng sông rồi”, bà Đặng Thị Yến chua chát.
Sau thị xã An Khê, là 5 huyện của Gia Lai và cả tỉnh Phú Yên, nơi con sông Ba chảy qua đang ngắc ngoải vì không còn nước từ dòng sông mẹ.
Chống lại thiên nhiên
Liệu tư duy chống lại thiên nhiên khi cho xây dựng công trình trọng điểm như thủy điện An Khê-Ka Nak của những vị có trách nhiệm khi đặt bút ký có ổn không? Nhưng có vẻ bây giờ thì ‘mọi sự đã rồi’ nên câu chuyện truy trách nhiệm nghe hơi viển vông.
Ông Dương Thanh Hà, Chánh văn phòng HĐND&UBND TX.An Khê nói: “Không biết doanh nghiệp họ có thành công hay không nhưng việc xây dựng nhà máy này là một thất bại về xã hội. Nhưng bây giờ mà hỏi những câu hỏi kiểu như hướng xử lý, trong tương lai…thì tôi chỉ biết chỉ ra ngoài các Bộ, Trung ương vì khi dự án được phê duyệt thì cấp dưới đâu được lấy ý kiến, hầu như không có”.
Ông Hà kể, từ khi chuyện bất cập của thủy điện An Khê-Ka Nak được ĐBQH tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành hâm nóng ở nghị trường Quốc hội thì đã có rất nhiều đoàn nhà báo tìm về đây để đưa thông tin. Tại diễn đàn Quốc hội, ông Thành đã thẳng thắn nhận định về thủy điện này là ‘công trình sai lầm thế kỷ’.
“Trên thế giới không có một đất nước nào người ta chặn hẳn một dòng sông lớn mà chuyển qua dòng sông khác, nếu có chặn thì người ta chặn suối thôi, chỉ có Việt Nam mình liều lĩnh chặn một dòng sông lớn như vậy. Hậu quả là từ khi thủy điện hoàn thành không có năm nào mà không có dân khiếu kiện vì hạn hán, lũ lụt gây thiệt hại cho người dân. Việc này không những Gia Lai mà cả Phú Yên nữa, cả triệu người”, ông Thành nhấn mạnh.
Theo chỉ đạo của tỉnh Gia Lai, hiện nay thủy điện An Khê-Ka Nak đang trả nước cho sông Ba với lưu lượng 6m3/s. Tuy nhiên, với một con sông lớn, lượng nước này chỉ đáng là con suối nhỏ.
Bà Đặng Thị Yến, Trưởng phòng TNMT TX.An Khê cho rằng: “Chỉ có cách hạn chế bớt tổ máy phát điện của nhà máy để trả lại nước cho sông Ba chứ xả 4m3/s hay 6m3/s thì bao nhiêu hột nước đâu”.
“Nói trả lại hoàn toàn nước thì không thể. Nhưng các ngành cấp trên cũng phải tính toán sao để hài hòa được giữa cuộc sống của người dân và thủy điện. Đồng thời, cần lấy đó làm kinh nghiệm cho những dự án thủy điện khác chưa triển khai”, bà Yến nói.
Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak là công ty nhà nước trực thuộc EVN có nhiệm vụ là quản lý vận hành 2 nhà máy thủy điện: Nhà máy thủy điện An Khê gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 80MW, nhà máy thủy điện Ka Nak gồm 2 tổ máy, công suất mỗi tổ máy 6,5MW.
Lê Đình Dũng