Tăng lương tối thiểu một cách hợp lý sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Nếu duy trì tiền lương ở mức thấp thì doanh nghiệp không có nhu cầu đổi mới công nghệ, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề.
Theo dòng thời sự

Tiền lương thấp, DN không muốn đổi mới công nghệ, lao động thiếu động lực nâng cao tay nghề

Lam Thanh 26/05/2024 15:16

Tăng lương tối thiểu một cách hợp lý sẽ thúc đẩy tăng năng suất lao động. Nếu duy trì tiền lương ở mức thấp thì doanh nghiệp không có nhu cầu đổi mới công nghệ, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề.

Sáng 26.5, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức diễn đàn “Nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) quốc gia năm 2024”.

Năng suất lao động Việt Nam thấp

TS, Vụ trưởng Nguyễn Tú Anh (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng NSLĐ được tính bằng GDP chia cho số lao động có việc làm trong năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), NSLĐ của Việt Nam năm 2022 tính bằng USD (năm 2017) theo ngang giá sức mua PPP là 2.400 USD, chỉ bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia…

Theo ông Nguyễn Tú Anh, NSLĐ của Việt Nam thấp, do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình. Số lượng lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp (DN) chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022.

Mặc dù vậy số lượng lao động này lại tạo ra khoảng 60% GDP cho cả nền kinh tế (khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực DN FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực DN nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP).

Với việc tạo ra 60% GDP, NSLĐ của các lao động trong DN Việt Nam sẽ tạo ra là 53.582 USD/lao động. Như vậy sẽ bằng 30% so với lao động của Singapore làm việc tại DN hoặc cơ quan nhà nước.

“Với con số này thì NSLĐ của người lao động trong các DN Việt Nam sẽ bằng khoảng 30% NSLĐ của người lao động trong các DN Singapore. Mặc dù vậy, NSLĐ của Việt Nam khá là thấp”, ông Nguyễn Tú Anh nêu.

tu-anh-1.jpeg
TS Nguyễn Tú Anh (Ban Kinh tế Trung ương)

Ngoài ra, NSLĐ của khu vực DN tư nhân của Việt Nam còn quá thấp. Các DN tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm trong khu vực DN nhưng chỉ đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực DN. Do đó, NSLĐ trong khu vực DN tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực DNNN và 28,5% khu vực DN FDI.

Trong thời kỳ 2018-2022 mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19 nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn tăng bình quân 7,06%/năm.

Những ngành có NSLĐ cao vượt trội so với mức trung bình của cả nước lại có tỷ trọng lao động rất thấp trong tổng lao động, các ngành này chỉ chiếm 10,28% tổng số lao động có việc làm. Vì vậy, dư địa rất lớn để dịch chuyển lao động từ khu vực NSLĐ thấp hơn sang khu vực NSLĐ cao hơn để tăng NSLĐ

Ví dụ như 66,5% lao động nằm trong các ngành có NSLĐ thấp hơn bình quân cả nước. Đặc biệt ngành nông-lâm-thủy sản có NSLĐ chỉ bằng 39,73% NSLĐ bình quân cả nước nhưng có số lao động chiếm 27,54% tổng lao động có việc làm. Ngành bán buôn bán lẻ 15,6% nhưng NSLĐ chỉ bằng 57% mức bình quân cả nước…

Chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân

TS Nguyễn Tú Anh kiến nghị tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực như đất đai, vốn, tri thức, lao động; giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước để phát triển nhanh hơn số lượng DN mà tăng quy mô của doanh nghiệp.

“Phải thực hiện cho bằng được mục tiêu 2 triệu DN đến năm 2030. Chỉ khi tỷ trọng lao động trong DN tăng lên thì NSLĐ mới tăng nhanh và bền vững”, ông Tú Anh nói.

Theo ông Nguyễn Tú Anh, khi người lao động được chăm lo tốt hơn thông qua vai trò của các đoàn thể; người lao động cam kết lâu dài hơn, nên có động lực để nâng cao năng lực trình độ để tăng NSLĐ; DN có năng lực tốt hơn trong nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ để tăng NSLĐ.

lao-dong-2.jpeg
Tập trung mạnh vào ngành chế biến, chế tạo

Cũng theo ông, trọng tâm của chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 nên tập trung vào ngành chế biến chế tạo vì đây là khu vực động lực thúc đẩy NSLĐ cả nền kinh tế.

“Chỉ khi NSLĐ của ngành chế biến chế tạo tăng lên thì mới có thu nhập tăng thêm để chi tiêu cho ngành dịch vụ qua đó làm tăng NSLĐ ngành dịch vụ, hay nói cách khác NSLĐ ngành dịch vụ là phái sinh theo sau ngành chế biến chế tạo. Thúc đẩy NSLĐ ngành chế biến chế tạo cùng với mở rộng quy mô của ngành sẽ là động lực chính thúc đẩy NSLĐ trong cả nền kinh tế”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nguyễn Tú Anh cho rằng cần hỗ trợ hình thành nên các DN lớn, những “sếu đầu đàn” để dẫn dắt ngành phát triển theo một chuỗi cung ứng do DN Việt Nam làm chủ.

Ví dụ như ngành sản xuất ô tô, ngành điện tử, ngành công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, chế biến nông lâm thủy sản, ngành thép… Đặc biệt chú trọng mở rộng quy mô DN tư nhân, cải thiện NSLĐ DN tư nhân chính sẽ là cú hích lớn cho DN cả nước.

Thêm nữa, cần thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có NSLĐ thấp sang khu vực có NSLĐ cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức thông qua các giải pháp như: Chăm lo tốt hơn cho cuộc sống người lao động bằng các chính sách nhà ở xã hội, hỗ trợ không phân biệt hộ khẩu cho con em công nhân lao động trong học tập, tiếp cận, dịch vụ y tế; nâng cao vai trò của công đoàn; xử lý hài hòa vấn đề lao động…

Ông Tú Anh cũng đề nghị thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả. Cùng với sự phát triển kinh tế cần điều chỉnh tăng lương tối thiểu hợp lý nhằm tạo sức ép DN đổi mới công nghệ, đồng thời người lao động có động lực nâng cao trình độ tay nghề.

“Trên thực tế nếu tiền lương được duy trì ở mức thấp sẽ tạo hiệu ứng ngược lại DN không có nhu cầu đổi mới công nghệ, vì vẫn có thể khai thác tiền lương thấp với công nghệ cũ, người lao động không có động lực nâng cao tay nghề vì giá trị của việc nâng cao tay nghề không tương xứng”, ông Tú Anh nêu và cũng khuyến cáo điều này cần thực hiện phù hợp, nếu tăng tiền lương tối thiểu quá nhanh có thể làm chùn ý nhà đầu tư.

Bài liên quan
EVNHCMC nâng cao năng suất lao động nhờ phát triển lưới điện thông minh và chuyển đổi số
Chiều 14.11, tại Diễn đàn quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ 2, ông Luân Quốc Hưng - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã trình bày tham luận “Phát triển lưới điện thông minh và thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng dịch vụ phân phối điện và năng suất lao động tại EVNHCMC”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiền lương thấp, DN không muốn đổi mới công nghệ, lao động thiếu động lực nâng cao tay nghề