Các chuyên gia cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT có tác dụng nhiều mặt, góp phần “khoan thư sức dân”. Do đó, việc giảm thuế nên kéo dài cả năm 2024 và cần có nghị quyết sớm từ đầu năm.

Tiếp tục giảm thuế GTGT để “khoan thư sức dân”

Lam Thanh | 27/11/2023, 09:43

Các chuyên gia cho rằng việc giảm 2% thuế GTGT có tác dụng nhiều mặt, góp phần “khoan thư sức dân”. Do đó, việc giảm thuế nên kéo dài cả năm 2024 và cần có nghị quyết sớm từ đầu năm.

Kéo dài việc giảm thuế GTGT

Mới đây, Chính phủ đề xuất tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) áp dụng từ ngày 1.1.2024 đến hết 30.6.2024.

Trước đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó, quy định chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT năm 2022 áp dụng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%) và Nghị quyết số 101/2023/QH15 tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 trong 6 tháng cuối năm 2023.

Từ thực tiễn thời gian qua, Chính phủ cho rằng chính sách giảm thuế GTGT đã tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp (DN) giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu tiêu dùng.

nqv-2.jpeg
Giảm thuế GTGT để "khoan thư sức dân"

Theo đó, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như nội dung chính sách giảm thuế GTGT thực hiện trước đó.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; thời gian áp dụng từ ngày 1.1.2024 đến hết ngày 30.6.2024.

Giảm thuế để "khoan thư sức dân"

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, chính sách giảm 2% thuế GTGT có tác dụng rất lớn.

“Chính sách này vừa hỗ trợ DN duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa hỗ trợ người lao động có được công ăn việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp, đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn, bền vững hơn trong tương lai”, ông Việt nói.

Ông Việt phân tích, chính sách này có 3 mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế áp lực lạm phát 2024 và nuôi dưỡng nguồn thu như một biện pháp khoan thư sức dân - chính sách tài khóa mở rộng.

“Điều này đảm bảo DN tồn tại, người dân yên tâm đầu tư khi vòng xoay về tiền - hàng được duy trì. Nếu bây giờ để hàng tồn kho, giá cả tăng, áp lực lạm phát leo thang thì sẽ không thể kích thích cầu tiêu dùng, kéo theo rất nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ, DN gặp khó khăn”, ông Việt nêu.

TS Nguyễn Quốc Việt cũng nhấn mạnh rằng chính sách này cũng có tác dụng “an sinh xã hội” cho người nghèo, người thu nhập thấp.

“Một miếng khi đói, một gói khi no. Khi kinh tế gặp khó khă thì người nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Những người này tiêu dùng lượng hàng hóa phổ thông, cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong túi tiền của họ. Nếu hàng hóa thiết yếu được hỗ trợ giảm giá thì cũng giảm được một phần chi tiêu của những gia đình nghèo”, ông Việt nói.

nqv.jpg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR)

Ông Việt đề xuất nên giảm thuế GTGT kéo dài cả năm 2024 và cần có nghị quyết sớm từ đầu năm. Điều này là cần thiết để vừa hỗ trợ kinh tế vĩ mô, vừa nuôi dưỡng nguồn thu, phục hồi niềm tin tiêu dùng trong nước cho doanh nghiệp và người dân tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ an sinh xã hội.

Thảo luận tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nhận định những giải pháp về việc giảm thuế GTGT cùng với các cơ chế hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã và đang tạo điều kiện rất lớn nhằm giúp đỡ cho các DN giảm dần một phần chi phí sản xuất, kinh doanh, từng bước tăng dần lợi nhuận và tăng khả năng kích cầu của toàn xã hội.

Đồng thuận với đề xuất này, đại biểu Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) nói rằng: “Tổng cầu tiêu dùng trong nước vẫn duy trì mức tăng trên dưới 10% trong năm 2023, bất chấp tác động tiêu cực từ thu nhập, việc làm và niềm tin tiêu dùng, chứng tỏ giảm thuế GTGT đã phát huy giá trị và cần thiết được tiếp nối trong năm 2024”.

Cần có đánh giá cụ thể

Theo báo cáo của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, có một số ý kiến băn khoăn việc ban hành chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2024.

Các ý kiến cho rằng đây chỉ là một biện pháp tình thế của Nghị quyết số 43/2022/QH15, ứng phó với các khó khăn tại thời điểm nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Đến nay, đại dịch đã đi qua, kinh tế năm 2022 đã đạt những kết quả hết sức tích cực và mức tăng trưởng năm 2023 cũng là kết quả khả quan so với các nước. Trong khi đó, việc giảm thuế đã tác động tiêu cực đến cân đối ngân sách các địa phương là thực tế.

Do đó, có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc thận trọng việc tiếp tục các chính sách miễn, giảm thuế đã thực hiện trong thời gian qua, khi các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước đang ngày càng khó khăn trong các năm gần đây.

Đại biểu quốc hội Nguyễn Quang Huân cho rằng thuế GTGT có tác dụng giảm giá thành và kích cầu. Giảm thuế này thì người được hưởng lợi trực tiếp là người dân. Trước đây, khi lần đầu ban hành chính sách này gắn với Nghị quyết 43 vào thời điểm người dân đang gặp khó khăn nên cần phải giảm thuế để kích cầu và hỗ trợ cho người dân ở những mặt hàng mà người dân hay sử dụng.

Tuy vậy, đại biểu Huân cũng cho rằng giảm thuế GTGT khiến nguồn thu ngân sách nhà nước không được đảm bảo. Điều này dẫn tới kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của toàn đất nước sẽ bị ảnh hưởng và ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Theo đại biểu Huân, đánh giá tác động ở đây chưa được nghiên cứu một cách thấu đáo. Báo cáo chỉ ra tác động thu ngân sách giảm nhưng với điều kiện GDP tăng trưởng từ 6 đến 6,5%. Để phân tích một cách tổng thể, cần có một nghiên cứu đánh giá thì mới có thể có ý kiến được. Không thể cảm tính nên giảm hay không nên giảm, người dân thì thích giảm thuế bởi mua được hàng giá rẻ và kích cầu, nhưng chính sách kích cầu thì sẽ tăng thêm được bao nhiêu GDP, không thể giảm thuế mãi.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 4,175 nghìn tỉ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỉ đồng. Dù thu ngân sách giảm, nhưng việc giảm thuế GTGT sẽ góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh và duy trì công ăn việc làm cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục giảm thuế GTGT để “khoan thư sức dân”