TP.HCM những năm qua đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Xin trân trọng giới thiệu bài viết "Tạo bước chuyển biến tích cực trong quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị" của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Tiếp tục tạo bước đột phá trong việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị

Quang Huy | 16/11/2016, 13:56

TP.HCM những năm qua đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị. Tuy nhiên, trước tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Xin trân trọng giới thiệu bài viết "Tạo bước chuyển biến tích cực trong quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị" của ông Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM đã xây dựng ‘‘Chương trình hành động về chỉnh trang và phát triển đô thị giai đoạn 2016-2020” nhằm tiếp tục tạo bước đột phá trong việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Kết quả nổi bật và những vấn đề đặt ra

Điểm nổi bật trong công tác quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị ở thành phố những năm qua là tạo được bước phát triển có tính đột phá, chuyển biến tích cực.

Thành phố đã dỡ bỏ những khu nhà cũ nát, hiệu quả sử dụng thấp, xây dựng những khu đô thị mới, nhà cao tầng hiện đại; dành nhiều diện tích mặt đất để xây dựng công viên, cây xanh tạo sự thân thiện với môi trường; di dời và tổ chức lại cuộc sống cho các hộ gia đình sinh sống trên và ven một số kênh rạch, đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, giải quyết tiêu thoát nước, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Thành phố đầu tư chỉnh trang, nâng cấp đô thị hiện hữu theo hướng văn minh, hiện đại và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc; đa dạng hóa phương thức đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xây dựng mới khoảng 39 triệu m² nhà ở.

Đặc biệt, thực hiện các chương trình đột phá nhằm giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường.

Ông Đinh La Thăng làm việc với Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP về công tác cải cách hành chính và những vấn đề trọng tâm của ngành quy hoạch - kiến trúc.

Cùng với thu hút các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, mở rộng không gian đô thị, thành phố từng bước nâng cao chất lượng và cải thiện môi trường sống tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng về xây dựng ở trung tâm thành phố cùng với tốc độ đô thị hóa rất nhanh ở các quận, huyện đã để lại những hệ quả.

Chất lượng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố.

Bên cạnh đó, kết quả giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân về xử lý “dự án treo” còn chậm, về giảm ùn tắc giao thông, giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường còn hạn chế, chưa giải quyết được những tồn tại của đô thị cũ.

Tình trạng nhà ở lấn chiếm, tình hình chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng trên địa bàn thành phố cần cấp bách được cải tạo, xây dựng mới.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém nêu trên là do năng lực dự báo tình hình còn bất cập; hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy định chưa phù hợp; chất lượng quy hoạch còn thấp, thiếu tính đồng bộ, bao quát, kết nối và tầm nhìn dài hạn; quản lý thực hiện quy hoạch chất lượng chưa cao; chưa có cơ chế, chính sách thích hợp để huy động tiềm năng và nguồn lực, nhất là nguồn lực về đất đai cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Xác định mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, sát thực tế

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố xây dựng Chương trình hành động về chỉnh trang và phát triển đô thị.

Mục tiêu của chương trình là: Tập trung nguồn vốn đầu tư để chỉnh trang và phát triển đô thị, phấn đấu hoàn thành việc di dời toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Qua đó, tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của nhân dân với các dịch vụ công; tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; góp phần xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Chỉ tiêu chủ yếu được thành phố xác định, trước hết về tổ chức di dời nhà ở trên và ven kênh rạch. Toàn thành phố phấn đấu đến năm 2020, cơ bản hoàn tất công tác di dời toàn bộ hơn 20.000 căn nhà trên và ven kênh rạch, tổ chức lại cuộc sống dân cư tốt hơn, gắn với chỉnh trang đô thị dọc hai bên bờ kênh rạch.

Giải quyết vấn đề ô nhiễm trên kênh rạch là một trong những vấn đề được ông Đinh La Thăng quan tâm giải quyết - Ảnh: A.H

Cùng với đó về di dời, tháo dỡ và xây dựng mới chung cư cũ trước năm 1975, thành phố xác định đến năm 2020, thực hiện cải tạo hoặc đầu tư xây dựng mới 50% số lượng chung cư cũ hư hỏng trong tổng số 474 chung cư.

Ngoài ra, thành phố đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xen cài trong khu dân cư hiện hữu thành các khu dân cư mới đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và mỹ quan đô thị; phạm vi chỉnh trang 228ha tại 45 dự án.

Cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng đồng bộ Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm theo đúng quy hoạch, đầu tư xây dựng phát triển thêm khoảng 2,6 triệu m² sàn xây dựng, tiếp tục đầu tư phát triển Khu đô thị mới Nam thành phố theo đúng quy hoạch, đầu tư xây dựng khoảng 4,2 triệu m² sàn xây dựng.

Khởi động nhanh, đẩy mạnh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tái bố trí dân cư, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc và Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa.

Những giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Trước hết thành phố tập trung nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch.

Đi đôi với rà soát, đánh giá quá trình thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, nhận định khách quan các nhân tố tác động, các yếu tố cần điều chỉnh, lập, thẩm định, phản biện và trình phê duyệt điều chỉnh quy hoạch theo quy định, Thành ủy, UBND TP lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức lập và công bố quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị; thiết kế đô thị; quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 tại các khu vực động lực phát triển, khu vực thực hiện dự án chỉnh trang và phát triển đô thị, làm cơ sở để quản lý không gian kiến trúc, quản lý hoạt động xây dựng.

Nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, thiết kế đô thị hợp lý, hài hòa theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc, mở rộng biên chỉnh trang nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo quỹ đất làm nguồn lực thực hiện các dự án thuộc Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 tại các khu vực chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng, các khu dân cư cũ nát theo hướng tăng tối đa tầng cao, hệ số sử dụng đất nhằm tăng khả năng tái bố trí dân cư tại chỗ và thu hút, khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án xây dựng mới, thay thế chung cư xuống cấp, hư hỏng nặng.

Thành phố chú trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ giữa xây dựng mới và chỉnh trang đô thị hiện hữu gắn với định hướng phát triển quốc phòng-an ninh trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình hành động, trong đó kết hợp chặt chẽ với 3 Chương trình đột phá: giảm ùn tắc và tai nạn giao thông; giảm ngập nước và giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020.

Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị gắn kết chặt chẽ với xây dựng hệ thống giao thông công cộng, tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị nhằm định hướng phát triển đô thị dựa vào hành lang vận tải công cộng, xây dựng hệ thống giao thông công cộng có sức chở lớn, các công trình giao thông trọng điểm, các trục giao thông chính, đường vành đai, đường trên cao, đường cao tốc…

Tập trung duy trì thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý trật tự xây dựng đô thị, tiến hành lập lại trật tự, kỷ cương, khắc phục tình trạng mất mỹ quan, trật tự lòng đường, lề đường, vệ sinh môi trường, chỉnh trang cảnh quan đô thị, tạo bộ mặt khang trang, sạch đẹp cho thành phố, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Ông Đinh La Thăng từng nói rằng, điều kiện sống của người dân trong các khu nhà ven tuyến kênh Đôi - kênh Tẻ là rất đáng lo ngại, cuộc sống của bao thế hệ chỉ gói gọn trên một diện tích nhà nhỏ, trong điều kiện ô nhiễm nặng nề

Gắn mục tiêu di dời nhà trên và ven kênh, rạch với mục tiêu chỉnh trang đô thị, tăng tính hiệu quả và đồng bộ của các dự án thuộc lưu vực thoát nước của các tuyến kênh, rạch; sau khi hoàn thành công tác di dời nhà ở trên và ven kênh, rạch và tái định cư, tiến hành nạo vét, kè bờ, cải tạo kênh, lắp đặt hệ thống cống thu gom nước mưa và các trạm bơm giải quyết các điểm ngập; thi công lắp đặt hệ thống đê bao, hồ điều tiết, trạm xử lý nước thải… để đảm bảo tiêu thoát nước, giao thông thủy, chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường, nâng cao chất lượng sống của người dân.

Thành phố chú trọng khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn huy động để đầu tư thực hiện chỉnh trang và phát triển đô thị. Các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, bổ sung, điều chỉnh chính sách về hệ số sử dụng đất hợp lý, về thu tiền sử dụng đất, về đầu tư theo hình thức đối tác công tư… để tăng sức thu hút, huy động mạnh mẽ mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia chỉnh trang đô thị, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị; xây dựng chính sách tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao năng lực quản lý đô thị của chính quyền các cấp, thu hút nguồn viện trợ quốc tế đầu tư hạ tầng đô thị.

Tranh thủ tối đa, quản lý thật tốt, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA đối với các dự án đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị trọng điểm.

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình thực tế, thành phố sẽ kiến nghị với Trung ương về cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt là cơ chế tài chính, như được huy động vốn đầu tư thông qua phát hành trái phiếu phát triển đô thị, trái phiếu địa phương, tạo điều kiện cho thành phố chủ động huy động các nguồn lực cho đầu tư chỉnh trang và phát triển đô thị.

Sắp xếp, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để thực hiện chương trình, đảm bảo đúng mục tiêu, thời gian hoàn thành dự án đúng tiến độ. Kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô từng dự án đầu tư theo đúng lĩnh vực, chương trình đã phê duyệt.

Mặt khác, thành phố xác định tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các hoạt động đầu tư xây dựng.

Các cơ quan chức năng chủ động nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, kiến nghị Trung ương về phân cấp, ủy quyền cho địa phương, cơ quan nhà nước cấp dưới thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân trong công tác quản lý nhà nước về quyết định đầu tư, chỉ định nhà đầu tư các dự án đầu tư xây dựng nhà ở; di dời các hộ dân sống trên và ven kênh rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phân cấp phù hợp quy định và đặc thù của thành phố để tăng cường tính tự chủ về quản lý và sử dụng đất đai, nguồn nhân lực, xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực này.

Nâng cao vai trò định hướng của Nhà nước đối với thị trường bất động sản để tập trung nguồn lực phát triển đô thị theo đúng định hướng quy hoạch; thông qua xây dựng và triển khai chương trình phát triển đô thị TP.HCM giai đoạn 10 năm, xác định và xây dựng kế hoạch thực hiện các khu vực phát triển đô thị; chương trình và kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 5 năm, 10 năm, tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, kiểm soát của nhà nước trong phát triển nhà ở.

Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định pháp luật; nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kết nối thông tin thông suốt, để đảm bảo kịp thời trong việc phát hiện và xử lý vi phạm.

Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng tiếp tục được chú trọng. Thực hiện các giải pháp đồng bộ trong cải cách hành chính nhằm thực hiện hiệu quả Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, trong đó kết hợp chặt chẽ với Chương trình cải cách hành chính giai đoạn 2016 - 2020.

Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quy hoạch, quản lý đất đai và quản lý đầu tư xây dựng.

Tập trung xây dựng nhà ở tái định cư, phục vụ thật tốt công tác bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án chỉnh trang đô thị.

Thành phố chủ trương lập kế hoạch phát triển quỹ nhà tái định cư thông qua việc đầu tư xây dựng mới, sử dụng nhà ở xã hội hoặc nhà ở thương mại để phục vụ tái định cư, đảm bảo mục tiêu cân đối quỹ nhà tái định cư về số lượng, cơ cấu diện tích căn hộ, nền đất ở và thời gian đưa vào sử dụng cho toàn bộ Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực phục vụ cho chương trình tiếp tục được kiện toàn. Thành phố xây dựng phương án kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận, huyện, Ban quản lý các khu vực phát triển đô thị, các Ban quản lý dự án đầu tư liên quan lĩnh vực chỉnh trang và phát triển đô thị, các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển đô thị.

Cùng với đó, thành phố thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao trình độ năng lực của cán bộ, công chức trực tiếp thực hiện công tác di dời, bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Cùng với đảm bảo sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thành phố coi trọng phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.

Đảng bộ thành phố tiếp tục đổi mới phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, phát huy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.

Phát huy vai trò của HĐND TP, HĐND các cấp, sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội cao trong việc thực hiện Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương, chính sách đến các tầng lớp nhân dân và từng hộ gia đình; tham mưu, đề xuất, góp ý kiến, thực hiện phản biện xã hội trong quá trình xây dựng hoàn thiện chính sách và giám sát việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho hộ dân trong khu vực chỉnh trang và phát triển đô thị.

Đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý phục vụ mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng đến đô thị văn minh, đô thị sinh thái là những công việc quan trọng và cấp bách hiện nay.

Đòi hỏi Đảng bộ thành phố phải chủ động hơn nữa phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương liên quan nhằm thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, tạo bước đột phá về phát triển kết cấu hạ tầng đô thị.

Đinh La Thăng,Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tiếp tục tạo bước đột phá trong việc quy hoạch, chỉnh trang và phát triển đô thị