Không sử dụng ký hiệu đôla, tận dụng ngôn ngữ miêu tả hay hiệu ứng chim mồi là cách nhà hàng thường sử dụng để khéo léo rút tiền từ ví thực khách.
Để khiến thực khách tiêu nhiều tiền hơn, các nhà hàng đã sử dụng một số chiêu như sau:
Không sử dụng ký hiệu đôla ($) bên cạnh giá tiền
Các nhà hàng thường tránh sử dụng ký hiệu đồng đôla trong thực đơn, bởi nó nhắc nhở thực khách rằng họ đang tiêu tiền và gây ra những cảm xúc tiêu cực. Theo nghiên cứu của khoa quản trị khách sạn Đại học Cornell, Mỹ, thực khách nhận thực đơn không kèm ký hiệu đôla có xu hướng chi nhiều hơn so với những ai nhìn thấy nó.
Tận dụng ngôn ngữ miêu tả
Cũng theo nghiên cứu trên, việc mô tả chi tiết các món ăn bằng cách sử dụng nhiều tính từ sẽ khiến thực khách cảm thấy hấp dẫn hơn, giúp tăng 27% doanh thu so với những món không đi kèm nội dung chi tiết.
Greg Rapp, chuyên gia thiết kế thực đơn chia sẻ trong buổi phỏng vấn cùng đài NBC: “Ví dụ như món bánh cua kiểu Maryland, nếu bạn miêu tả nó bằng những cụm tù như thịt cua jumbo ngọt ngào, thêm chút mayonnaise béo ngậy, kết hợp với sự pha trộn bí mật của gia vị… chắc chắc sẽ khiến thực khách cảm thấy tò mò và thích thú hơn rất nhiều”.
Làm nổi bật một số món ăn
Đây là cách trực quan thường được nhà hàng sử dụng. Họ in đậm một số món ăn, đưa vào khung riêng để khiến chúng trông đặc biệt hơn các món khác. Tuy nhiên nhà hàng cao cấp thường tránh cách này bởi nó khiến thực đơn trông “làm màu” và kém sang trọng.
Sử dụng “hiệu ứng chim mồi”
Hiệu ứng chim mồi được sử dụng rộng rãi trong nhà hàng, khách sạn, thường áp dụng cho các sản phẩm cao cấp như rượu vang. Hiệu ứng này nhằm đánh lừa tâm lý khách hàng hướng tới sản phẩm đắt tiền hơn nhưng lại cho là hợp lý.
Ví dụ một nhà hàng cao cấp thường đưa ra 3 sự lựa chọn rượu vang với mức giá 75 USD, 150 USD và 250 USD. Trong trường hợp này chai 250 USD đóng vai trò chim mồi để hướng thực khách chọn chai 150 USD, bởi chai 75 USD thường bị cho là loại rẻ tiền, nhưng 250 USD lại quá lãng phí. Tuy nhiên, trên thực tế chai 150 USD mới chính là chai nhà hàng muốn bạn mua.
Điều này cũng tương tự với việc nhà hàng đặt những món ăn đắt tiền tại những vị trí dễ chú ý nhất, khiến bạn chuyển hướng tới những món rẻ hơn và cho rằng mức giá đó có vẻ hợp lý.
Chia đồ ăn thành hai kích cỡ
Chiến lược này được gọi là bracketing. Thực khách thường không biết kích cỡ chính xác của phần ăn nhỏ, vì vậy họ thường có xu hướng chọn suất này vì chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, họ không nhận ra mục đích của nhà hàng là muốn bán những phần ăn nhỏ với giá thấp hơn, chỉ bằng chiến lược sử dụng phần ăn lớn làm công cụ cho khách hàng so sánh.
Phân tích phong cách đọc thực đơn của thực khách
Theo một nghiên cứu của Hàn Quốc, một phần ba những người tham gia khảo sát có xu hướng gọi món ăn đầu tiên họ chú ý đến. Do vậy, nhiều nhà hàng đặt những món có lợi nhuận lớn nhất ở góc phía trên bên phải, bởi đó là nơi mắt mọi người thường hướng tới đầu tiên.
Theo VNE