Dịp cuối năm, nắm bắt nhu cầu mua sắm, trả nợ, kinh doanh của người dân tăng cao, các địa chỉ tín dụng đen mọc lên như nấm sau mưa, len vào khắp ngõ ngách để mời chào người dân.
Tín dụng đen bủa vây
Chỉ cần tìm kiếm từ khóa “vay nóng” hoặc “tín dụng đen” trên trang tìm kiếm Google lập tức sẽ cho ra hàng triệu kết quả chỉ trong tích tắc. Hầu hết các địa chỉ cho vay tiêu dùng đều tự quảng cáo rằng thủ tục đơn giản, nhanh chóng, thân thiện, cho vay với số lượng lớn, không cần thế chấp…
Các địa chỉ cho vay xuất hiện tràn lan trên mạng internet |
Lãi suất tùy từng số tiền, chủ yếu dao động từ 2.000-5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, những ngày gần Tết, số người cần vốn tăng cao, lãi suất cao nhất có thể lên tới 8.000 đồng/1 triệu/ngày.
Không chỉ chào mời công khai trên các trang mạng, những công ty tín dụng đen còn dán thông báo cho vay vốn ở khắp nơi như các địa điểm công cộng, bảng tin tổ dân phố, trên cột điện, gốc cây, ven đường và cả qua tin nhắn điện thoại di động... nhằm tiếp cận khách hàng.
Nhìn chung, những quảng cáo quen thuộc như “Lãi suất thấp nhất, không cần tài sản thế chấp, giải ngân nhanh trong vòng 2-3 ngày, hạn mức cho vay cao...” được các công ty áp dụng nhằm đánh vào sự hiếu kỳ cũng như tăng thêm tin tưởng cho khách hàng.
Nguy hiểm hơn, không ít công ty tự quảng cáo là ngân hàng 100% vốn nước ngoài, tập đoàn tài chính tín dụng ngân hàng, ngân hàng quốc tế, tổ chức tài chính phi chính phủ... Tuy nhiên, điểm chung của những tờ rơi này là không có địa chỉ cụ thể, chỉ có số điện thoại liên hệ. Khi gọi đến những số máy này người trực sẽ thông báo cho người có nhu cầu địa chỉ giao dịch.
Trong vai một sinh viên vừa tốt nghiệp, đang thất nghiệp, cần tiền về quê ăn Tết, phóng viên liên hệ với thuê bao 0943.246… và được hướng dẫn đến đường Trần Đại Nghĩa (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Nhân viên tại đây yêu cầu chứng minh thư, bằng lái xe, bằng đại học để có thể vay số tiền 10 triệu đồng với lãi suất 5.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Nếu tính lãi suất theo năm thì con số này lên tới hàng trăm phần trăm mỗi năm.
Những nhân viên tại đây yêu cầu người vay cung cấp số điện thoại của bản thân, của người thân và gọi điện xác minh. Nếu đúng sẽ cho vay và cứ mỗi 10 ngày trả lãi một lần, cắt lãi trước. Như vậy, sau khi vay 10 triệu, người đi vay sẽ cầm về 9,5 triệu. Đó cũng là cách thức hoạt động chung của các công ty cho vay tín dụng.
Đủ mọi đối tượng
Không chỉ sinh viên, những người mới đi làm hay công nhân, tiểu thương có nhu cầu vay vốn buôn bán cuối năm cũng là những khách hàng quen thuộc của các cửa hàng cho vay tín dụng.
Chị Phạm Hiền Mai, buôn bán hoa quả tại Mễ Trì (Từ Liêm, Hà Nội) chạy vạy mãi vẫn thiếu gần 20 triệu tiền nhập hàng về bán Tết. Ban đầu, chị Mai định vay ngân hàng nhưng vì người ngoại tỉnh, lại đang thuê nhà, không có tài sản thế chấp nên chị đành tìm đến tín dụng đen nhờ đọc được những quảng cáo hấp dẫn trên các tờ rơi. Mức lãi chị phải chịu cho số tiền 20 triệu là 6.000 đồng/1 triệu đồng/ngày và chỉ trong tháng Tết, chị phải trả lãi hơn 1 triệu đồng.
Theo chị Mai, nhiều tiểu thương gần Tết thường thiếu vốn bởi nhu cầu nhập hàng vào lớn để kịp cung ứng cho sức mua tăng mạnh vào dịp gần Tết. Nếu không sẵn tiền để nhập hàng thì không chuẩn bị được đủ hàng Tết để bán.
Thủ tục cho vay đơn giản |
Như vậy, theo quy định trên của bộ luật Dân sự thì nếu lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng thì gọi là "cho vay nặng lãi". Do đó, khi có tranh chấp xảy ra thì pháp luật không bảo vệ quyền lợi của bên cho vay đối với phần lãi suất vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước.
Theo luật sư Trương Thanh Đức - Công ty luật Basico, cho vay tự do bên ngoài thì chỉ được 13,5%, nếu vượt thì vi phạm pháp luật dân sự. Nếu người vay kiện yêu cầu toà án không công nhận phần vượt thì vẫn được chấp nhận. Việc này không bị xử lý vi phạm hành chính cũng không dễ xử lý hình sự vì phải có 2 yếu tố trên 135% và chuyên bóc lột.
Vị luật sư này nói thêm, cho vay cầm đồ thì cũng không quá 13,5%. Nếu vi phạm thì sẽ xử lý dân sự như trên và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính 5-15 triệu đồng đối với hành vi “Cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay”.
Về giải pháp, ông Trương Thanh Đức cho rằng phải thay đổi cơ bản điểm làm luật. Giới hạn 13,5% hiện nay và 20%/năm từ 2017 là bất hợp lý, ảo tưởng. Điều này dẫn đến "cả làng phạm luật và nhờn luật".
"Cần đặt trần lãi suất hợp lý, đủ rộng ví dụ khoảng 50% chung cho cả ngân hàng lẫn bên ngoài. Anh nào vượt trần đó thì chỉ chấp nhận lãi suất 0%, thậm chí tịch thu gốc. Nhưng lưu ý là trần phải cao, chứ áp dụng trần như bây giờ thì không ổn", ông Đức cho hay.
Hoàng Long