“Cũng vì những món nợ từ cái chợ này mà vợ chồng tui phải đưa nhau ra tòa, suýt ly hôn”, ông Anh buồn rầu nói.

Tin lời cán bộ xã: phá vườn, xây chợ rồi trúng nguyên... cục nợ

Hùng Anh | 03/02/2018, 05:25

“Cũng vì những món nợ từ cái chợ này mà vợ chồng tui phải đưa nhau ra tòa, suýt ly hôn”, ông Anh buồn rầu nói.

Mang nợ vì phá vườn xây chợ

Ông Trần Văn Thạch Anh (SN 1959, ngụ ấp 3, xã Tam Hiệp, H.Bình Đại, tỉnh Bến Tre) cho biết các chủ nợ vừa ra “tối hậu thư”: nếu từ nay đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất, ông không trả nợ thì họ sẽ khởi kiện ra tòa, nguy cơ nhà, đất bị phát mại để trả nợ là khó tránh khỏi.

Ông Anh hiện đang gánh số nợ 300 triệu đồng vốn gốc, nếu tính luôn tiền lãi từ năm 2010 đến nay ước tính khoảng hơn 500 triệu đồng. “Tui và các con quanh năm làm thuê làm mướn cũng không đủ tiền ăn uống cho gia đình, 3.000m2 vườn mới trồng lại không có bao nhiêu hoa lợi, tiền đâu trả nợ, trả lãi cho người ta?”, ông Anh buồn rầu nói.

Sở dĩ ông Anh gánh trên vai món nợ hơn nửa tỉ đồng - số tiền rất lớn đối với người dân xứ cù lao nằm giữa sông Tiền, vì ông trót nghe lời “vận động” của lãnh đạo UBND xã Tam Hiệp, xúi ông phá bỏ vườn cây ăn trái, xây chợ để “lên đời” làm chủ chợ nông thôn.

Ngồi trong ngôi chợ trống huơ trống hoác hoang phế, ông Anh kể: “Tháng 5.2010, ông Trương Văn Dũng - Bí thư, và bà Võ Thị Đạm Tuyết - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, đến nhà tui cho biết xã đang phấn đấu xây dựng xã văn hóa, nhưng còn thiếu cái chợ. Vì thực tế lúc đó trên địa bàn xã chỉ có cái “chợ chồm hổm” gần UBND xã hiện nay.

Ông Dũng và bà Tuyết nói, nhà tui và miếng vườn rộng 3.000m2 của tui đang trồng nhãn ở gần bến phà Tam Hiệp nằm trong quy hoạch xây dựng chợ, nên vận động tui phá vườn, bỏ tiền đầu tư xây chợ thì không mất nhà, mất đất”.

Gia tài chỉ có vườn nhãn và căn nhà cho vợ chồng con cái tránh nắng trú mưa, nghe bị “quy hoạch xây chợ” thì ông Anh hoảng hồn. Dù thời điểm đó miếng vườn nhãn của ông Anh cho thu nhập 70 - 80 triệu đồng/năm, nhưng để xây cái chợ thì ông không có tiền, nên cứ chần chừ.

“Nghe vậy, ông Dũng và bà Tuyết thuyết phục tui đi vay mượn vốn, hướng dẫn tui làm thủ tục xin xây chợ, hứa khi chợ xây xong, lãnh đạo xã sẽ đứng ra vận động bà con tiểu thương ở “chợ chồm hổm” vào buôn bán và giữ an ninh trật tự. Họ nói hoài nên tui xiêu lòng, dù lúc đó vợ con tui phản đối dữ lắm”, ông Anh nhớ lại.

Vay vốn ngân hàng không được, ông Anh liều mạng hỏi mượn của bạn bè, bà con dòng họ số tiền 300 triệu đồng, lãi 1,5%/tháng. Và ông đốn bỏ 3.000m2 vườn nhãn đang cho trái, đầu tư san lấp mặt bằng, xây nhà lồng chợ rộng 120m2, đất xung quanh nhà lồng chợ dành cho tiểu thương đặt sạp hàng.

Năm 2011 chợ Tam Hiệp (dân trong vùng gọi là chợ ông Thạch Anh) xây xong, khánh thành rầm rộ. Nhưng có điều, ngay sau lễ khánh thành, không người nào vào chợ của ông Anh mua bán mà vẫn bám trụ ở “chợ chồm hổm” cách đó gần 1.000m2.

“Chợ không ai vào mua bán nên tui nhiều lần đến gặp lãnh đạo xã nhắc lại chuyện vận động tiểu thương, người dân vào mua bán, nhưng lần nào cũng bị ông Dũng, bà Tuyết né tránh. Sự việc kéo dài, các chủ nợ liên tục thúc hối trả nợ trong khi lãnh đạo xã Tam Hiệp làm ngơ, nên năm 2012 vợ chồng tui cằn nhằn nhausuốt ngày, đến mức phải đưa nhau ra tòa ly hôn.

May mà nhờ tòa hòa giải êm xuôimới không tan cửa nát nhà. Sau đó tui bắt đầu gửi đơn khiếu nại, kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền ở H.Bình Đại và tỉnh Bến Tre, nhưng không được giải quyết thỏa đáng”, ông Anh cho biết.

“Chợ chồm hổm” của bà Thu Ba gần trụ sở UBND xã Tam Hiệp lèo tèo chưa đầy 20 gian hàng - Ảnh: Thanh Anh

Trong khi đó tại ngôi “chợ chồm hổm” gần trụ sở UBND xã do bà Thu Ba làm chủ hiện nay vẫn rất xập xệ, chỉ có chưa đầy 20 sạp hàng buôn bán và mới 9 giờ sáng đã vắng như chùa bà Đanh.

Giải quyết kiểu “cạn tàu ráo máng”

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã, cho biết việc vận động gia đình ông Thạch Anh phá vườn nhãn xây chợ nhưng không ai vào mua bán đến mức phải ôm nợ là chuyện của… lãnh đạo tiền nhiệm. Còn ông mới làm Chủ tịch UBND xã từ năm 2014 nên không biết rõ. Nhưng từ khi ông Anh có đơn khiếu nại, UBND xã đã nhiều lần vận động tiểu thương từ “chợ chồm hổm” của bà Thu Ba vào chợ mới của ông Anh buôn bán nhưng không đạt được kết quả.

Nguyên nhân chủ yếu là chợ của ông Thạch Anh tuy tọa lạc gần bến phà Tam Hiệp nhưng là khu vực vắng vẻ, dân cư thưa thớt, trong khi “chợ chồm hổm” của bà Thu Ba nằm ngay trung tâm xã.

Từ năm 2012-2014, UBND xã Tam Hiệp và UBND H.Bình Đại đã có nhiều cuộc giải quyết, nhưng ông Anh không đồng ý. Tháng 10.2014, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND H.Bình Đại đã đến xã Tam Hiệp mời ông Thạch Anh đến giải quyết vụ việc.

Tại buổi làm việc này, ông Dũng kết luận dứt khoát là UBND huyện không chấp nhận yêu cầu bồi thường việc xây dựng chợ của ông Thạch Anh vì… pháp luật không có quy định. Và ông yêu cầu ông Anh bàn bạc với vợ con theo 2 phương án: bán đất đã xây chợ cho nhà nước theo giá đất do nhà nước quy định hoặc chuyển đổi công năng ngôi chợ sang mục đích khác, cụ thể là mở xưởng may gia công.

Theo ông Chủ tịch xã, sau cuộc họp này thì đến nay ông Thạch Anh đã chấp nhận vì không còn gửi đơn khiếu nại. Trả lời câu hỏi: “Trước khi vận động ông Thạch Anh xây chợ lãnh đạo xã có lấy ý kiến tiểu thương “chợ chồm hổm” hay không và chợ của bà Thu Ba có trong quy hoạch không?”, thì ông Thọ tiếp tục điệp khúc: “Chuyện đó là của lãnh đạo xã tiền nhiệm, tôi không biết rõ”.

Hàng loạt văn bản của UBND xã Tam Hiệp và UBND H.Bình Đại đều bác yêu cầu đòi bồi thường của ông Thạch Anh -Ảnh: Thanh Anh

Tuy nhiên, theo ông Thạch Anh thì do chính quyền xã và huyện “xử ép” ông nên ông không tiếp tục gửi đơn khiếu nại mà gửi đến cấp cao hơn để kêu cứu. Chứ không hề có chuyện vụ việc của ông đã giải quyết xong! Tức là, ông không chấp nhận 2 phương án do UBND H.Bình Đại đưa ra.

Theo ông Anh, nếu bán cái chợ và miếng vườn 3.000m2 của ông theo giá đất do nhà nước quy định thì tối đa chỉ được 300 triệu đồng, trả xong nợ thì gia đình ông cũng trắng tay, không còn cục đất chọi chim, lấy đâu ra đất cất nhà tá túc? Đó là chưa kể số tiền lãi mẹ đẻ lãi con, tiền thiệt hại thu nhập từ vườn nhãn bị đốn bỏ để làm chợ gia đình ông phải gánh chịu suốt 7 năm qua.

Còn chuyển đổi công năng ngôi chợ thành xưởng may gia công cũng bất khả thi. Ông Anh nói: “Tui là nông dân, biết gì về nghề may mà đi làm chủ xưởng may? Tam Hiệp là xứ cù lao, đò giang cách trở, lấy đâu ra nhân công nghề may, may xong bán hàng cho ai? Nợ cái chợ chưa trả xong, không lẽ tui phải tiếp tục đi vay nợ để làm xưởng may rồi lại ôm thêm 1 đống nợ?

Hiện nay tui chỉ mong nhà nước giải quyết có tình có lý vụ cái chợ cho tui, để tui có điều kiện trả hết nợ, bởi việc vận động tui phá vườn xây chợ chỉ phục vụ mục đích chạy theo danh hiệu văn hóa của xã chứ không phục vụ cho lợi ích của người dân, trong khi gia đình tui phải ôm nợ”.

Theo ông Ngô Minh Quân, Trưởng phòng VHTT TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), vụ việc của ông Thạch Anh rất lạ. Việc UBND xã vận động người dân xây dựng chợ để đạt danh hiệu “xã văn hóa”, nhưng sau đó không vận động được tiểu thương vào buôn bán, thì UBND xã không thể thoái thác trách nhiệm trước thiệt hại của chủ đầu tư.

Trường hợp xã thoái thác trách nhiệm thì ông Thạch Anh có quyền khởi kiện UBND xã ra tòa án để yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tin lời cán bộ xã: phá vườn, xây chợ rồi trúng nguyên... cục nợ