Từ ngày 24 đến 30.11, Tòa án trọng tài thường trực The Hague ( PCA) xử vụ Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố độc chiếm Biển Đông, theo báo The Guardian (Anh).
Phiên điều trần ở PCA tại thành phố The Hague (Hà Lan) ngày 24.11 diễn ra vào thời điểm TQ tiếp tục xây dựng các đường băng và cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo mà TQ xây trái phép trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông.
Tháng 10.2015, Mỹ đã thách thức TQ, bằng cách đưa tàu chiến và máy bay ném bom B-52 vào vùng 12 hải lý quanh hai đảo nhân tạo để tuần tra. TQ cáo buộc Mỹ “hành động khiêu khích”.
Nhưng đêm 29.10, PCA thông báo: cả Philippines và TQ đều đã ký Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) nên “phải giải quyết các tranh chấp theo công ước này”.
PCA cũng khẳng định: việc TQ không tham gia quá trình tố tụng không ảnh hưởng đến quyền xét xử của tòa, và quyết định đơn phương khởi kiện của Philippines không vi phạm thủ tục giải quyết tranh chấp theo UNCLOS.
PCA kết luận họ “có quyền phân xử" vụ kiện TQ của Philipppines, quốc gia đã gởi đơn kiện lên PCA vào tháng 1.2013, nhằm tìm cách vô hiệu hóa việc TQ tuyên bố chủ quyền dựa trên "đường 9 đoạn" phi lý.
Philippines yêu cầu được thực thi quyền khai thác tài nguyên trong phạm vi 200 hải lý tính từ bờ biển của Philippines. Manila tuyên bố đây là Vùng đặc quyền kinh tế EEZ của họ.
TQ đưa ra "đường lưỡi bò" để lấp liếm cho tuyên bố chủ quyền 90 % biển Đông.
Đến tháng 3.2014, Philippines đã đệ trình hồ sơ pháp lý dày 4.000 trang để củng cố đơn kiện TQ, trong đó có các bằng chứng và bản đồ.
Philippines lập luận PCA nên can thiệp vào các tranh chấp ở biển Đông, liên quan đến quyền khai thác tài nguyên thiên nhiên và hải sản, dựa theo UNCLOS mà cả Bắc Kinh và Manila đều ký kết.
Phiên điều trần dự kiến kéo dài một tuần, theo Guardian. Dù không mở công khai nhưng PCA cho phép các đoàn đại biểu nhỏ từ Việt Nam, Malaysia, Nhật Bản, Indonesia và Thái Lan tới quan sát, theo yêu cầu của các nước này.
Theo trang tin GMA (Philippines), đoàn Philippines sẽ cố gắng cung cấp những bằng chứng thực chất về cái gọi là tuyên bố chủ quyền của TQ trên Biển Đông.
Đoàn cũng cung cấp những bằng chứng và lập luận về quy chế lãnh hải của các bãi đá, hoặc về các thực thể mà TQ đang chiếm đóng.
PCA sẽ xem xét 7 điểm trong vụ kiện TQ của Philippines:
1. Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham không có quyền hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
2. Các bãi Vành Khăn,Cỏ Mâyvà Xu Bi chỉ là những kết cấu nửa nổi nửa chìm, không có quyền hưởng quy chế về lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
3. Bãi Ga Ven và Ken Nan (gồm Bãi Hughes) là những thực thể nửa nổi nửa chìm, không được hưởng quy chế lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa, song ranh giới của chúng khi mực nước ở mức thấp có thể được sử dụng để quyết định đường cơ sở.
4. Các bãiGạc Ma, Châu Viênvà Chữ Thậpkhông được hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa.
5. Với hành vi can thiệp vào hoạt động đánh bắt cá truyền thống quanh bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, TQ đã ngăn cản trái phép ngư dân Philippines kiếm sống.
6. TQ vi phạm nghĩa vụ màUNCLOSquy định về bảo vệ và bảo tồn môi trường biển tại bãi Hoàng Nham và bãiCỏ Mây.
7. Bằng việc cho phép tàu của lực lượng hành pháp thực hiện các hành vi nguy hiểm, gây nguy cơ đụng độ để cản trở các phương tiện của Philippines gần bãi Hoàng Nham, TQ vi phạm nghĩa vụ của họ theo quy định của UNCLOS.
Vì TQ quyết không tham gia vụ kiện dù đã được gửi thông báo, Philippines sẽ trình bày luận điểm, tiếp đó biên bản nội dung trình bày này sẽ được gởi đến TQ, và PCA đề nghị Bắc Kinh đưa ra lập luận phản hồi trong một quãng thời gian nhất định.
Sau thời gian đó, PCA sẽ tuyên bố thời gian điều trần kết thúc. Kế đến, nội dung điều trần sẽ được thảo luận giữa các ủy ban liên quan và giữa những trọng tài viên tham gia phân xử.
Sau khi đọc hồ sơ của Philippines, các thành viên của hội đồng xét xử sẽ cố gắng đặt họ vào vị trí của TQ, để tiên liệu Bắc Kinh sẽ phản bác thế nào. Sau đó, PCA sẽ cho Philippines thời gian đáp trả những lập luận phản bác giả định, cũng như những câu hỏi mà hội đồng xét xử đặt ra.
Sau cuộc điều trần này, Philippines và TQ có thêm 4-5 tháng để nộp phần trả lời. nhưng vì TQ tuyên bố họ không tham gia vụ kiện, PCA sẽ chủ yếu xem hồ sơ mà Philippines đã nộp hồi cuối tháng 3.2014.
Quá trình xử trọng tài theo UNCLOS thường mất 3-5 năm nếu cả hai bên đều tham gia. Tiến trình sẽ diễn ra nhanh hơn nhiều khi TQ không tham gia.
PCA vẫn chưa thông báo thêm về trình tự, nên khó thể dự đoán chính xác thời gian PCA ra phán. Một số chuyên gia nói phán quyết có thể sẽ đến sau 2015.
Bảo Vĩnh (theo Guardian)