Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định chắc chắn rằng sự kết thúc của đại dịch COVID-19 đã gần kề, đồng thời cảnh báo rằng việc tuyên bố kết thúc cuộc khủng hoảng “vẫn còn một chặng đường dài”.
Tuần trước, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên rằng: “Thế giới chưa bao giờ ở một vị trí tốt hơn để chấm dứt đại dịch… Kết cục đang ở trong tầm mắt”.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã đi xa hơn trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 18.9, tuyên bố rằng đại dịch ở Mỹ “đã kết thúc”.
Thế nhưng nói chuyện với giới truyền thông một lần nữa vào hôm 22.9 bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (Mỹ), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tỏ ra ít lạc quan hơn, nói rõ rằng “có thể nhìn thấy điểm cuối cùng, không có nghĩa là chúng ta đang ở điểm kết thúc”.
Ông nhắc lại rằng thế giới đang ở vị trí tốt nhất từng có để chấm dứt đại dịch, với số người chết do COVID-19 hàng tuần tiếp tục giảm, và hiện chỉ còn 10% so với mức đỉnh điểm vào tháng 1.2021.
Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng 2/3 dân số thế giới đã được tiêm vắc xin COVID-19, bao gồm cả 3/4 nhân viên y tế và người lớn tuổi.
“Chúng tôi đã trải qua hai năm rưỡi trong một đường hầm dài và tối tăm. Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm đó”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng: “Vẫn còn một chặng đường dài và đường hầm vẫn còn tối, với nhiều chướng ngại vật có thể khiến chúng ta khó khăn nếu không cẩn thận. Chúng tôi vẫn đang ở trong đường hầm".
Trong bản cập nhật dịch tễ học mới nhất, WHO cho biết hơn 9.800 ca tử vong do COVID-19 đã được báo cáo vào tuần trước, giảm 17% so với một tuần trước đó, trong khi có 3,2 triệu trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2.
Cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đã cảnh báo rằng số ca mắc COVID-19 được báo cáo giảm là không đúng với thực tế, vì nhiều quốc gia cắt giảm việc xét nghiệm và có thể không phát hiện ra các bệnh nhân ít nghiêm trọng hơn.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, nói với các phóng viên rằng vi rút SARS-CoV-2 vẫn đang "lưu hành ở mức độ dữ dội", mặc dù tình hình khác nhau ở các quốc gia khác nhau.
Thế nhưng, Maria Van Kerkhove chỉ ra rằng thế giới có những công cụ cần thiết để kiềm chế sự lây lan vi rút SARS-CoV-2.
“Mục tiêu của chúng tôi là chấm dứt tình trạng khẩn cấp ở tất cả quốc gia. Chúng tôi sẽ duy trì điều này cho đến khi đạt được mục tiêu đó”, cô nói.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, WHO đã thống kê hơn 609 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 6,5 triệu trường hợp tử vong, dù con số thực sự được cho là cao hơn đáng kể.
Một nghiên cứu của WHO được công bố vào tháng 5 dựa trên tỷ lệ tử vong vượt mức được thấy ở các quốc gia khác nhau trong đại dịch, ước tính rằng đến 17 triệu người có thể đã chết vì COVID-19 vào năm 2020 và 2021.
Hôm 14.9, Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết thế giới đang ở vị thế tốt để có thể chấm dứt đại dịch COVID-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực chống lại vi rút SARS-CoV-2.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo trực tuyến: "Chúng ta vẫn chưa ở đó (thời điểm đại dịch COVID-19 kết thúc – PV), nhưng cuối cùng đã trong tầm mắt”.
Đây là nhận xét lạc quan nhất của WHO kể từ khi cơ quan này tuyên bố COVID-19 là tình trạng khẩn cấp quốc tế và bắt đầu mô tả vi rút SARS-CoV-2 như một đại dịch vào tháng 3.2020.
Xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, vi rút SARS-CoV-2 ảnh hưởng lớn đến các nền kinh tế toàn cầu và áp đảo các hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Việc triển khai vắc xin COVID-19 và liệu pháp điều trị đã giúp ngăn chặn mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Tuy nhiên, các quốc gia cần xem xét kỹ các chính sách của mình và củng cố chúng với COVID-19 cùng các loại vi rút trong tương lai, theo Tedros Adhanom Ghebreyesus. Tổng giám đốc WHO cũng kêu gọi các quốc gia tiêm vắc xin cho 100% các nhóm có nguy cơ cao và tiếp tục xét nghiệm COVID-19.
WHO đã cảnh báo về khả năng xảy ra các đợt bùng phát dịch trong tương lai và cho biết các quốc gia cần duy trì nguồn cung cấp thiết bị y tế cùng nhân viên y tế đầy đủ. "Với COVID-19, đây không phải là lúc để thư giãn hoặc mất cảnh giác", WHO nhấn mạnh.
Maria Van Kerkhove cho biết: “Chúng tôi dự đoán sẽ có những đợt bùng phát dịch trong tương lai, có khả năng xảy ra vào các thời điểm khác nhau trên khắp thế giới do các biến thể phụ Omicron hoặc thậm chí các biến thể khác nhau đáng lo ngại gây ra”.
Các ca bệnh đậu mùa khỉ cũng đang có xu hướng giảm nhưng ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nước tiếp tục cuộc chiến. Các quan chức WHO vào tháng trước cho biết có thể loại bỏ dịch đậu mùa khỉ bùng phát ở châu Âu bằng cách đẩy mạnh tiêm vắc xin và xét nghiệm.
Đằng sau tuyên bố đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã chấm dứt
Hôm 18.9, Tổng thốngBiden tuyên bố đại dịch COVID-19 tại Mỹ đã chấm dứt, song chính phủ vẫn còn nhiều việc phải làm.
“Chúng ta vẫn còn vấn đề với COVID-19 và đang làm rất nhiều việc để xử lý, nhưng đại dịch đã kết thúc. Không còn ai đeo khẩu trang. Mọi người đều trong trạng thái tốt, vì vậy tôi nghĩ tình hình đang thay đổi”, Tổng thống Joe Biden nói trong chương trình 60 phút của CBS.
Chính phủ Mỹ vẫn xác định COVID-19 là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng, trong khi WHO coi đây là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng gây lo ngại quốc tế.
Các chuyên gia y tế công cộng đã cảnh giác trước tuyên bố của Tổng thống Biden, lo ngại điều này sẽ khiến người dân từ bỏ các biện pháp chống dịch và có nguy cơ gây ra một làn sóng dịch khác.
Tuyên bố này cũng gây ảnh hưởng tới các quan chức y tế đang khởi động chiến dịch nhằm phục hồi đề kháng của vắc xin COVID-19 vào mùa thu và mùa đông, trong bối cảnh Mỹ lo ngại làn sóng đại dịch sắp quay lại.
Phát biểu của Tổng thống Mỹ được đưa ra sau tuyên bố lạc quan gần đây của lãnh đạo WHO và trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới dần gỡ bỏ các biện pháp chống dịch cuối cùng.
Trên thực tế, đã có những mối lo ngại lớn rằng tuyên bố từ ông Biden có thể làm giảm nỗ lực đẩy lùi hoàn toàn đại dịch của Nhà Trắng.
Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu Mỹ, cho biết dịch COVID-19 tại Mỹ “chưa đạt đến trạng thái mong muốn”. Theo ông Fauci, COVID-19 có chấm dứt hay không phụ thuộc nhiều vào cách quốc gia đối phó những biến thể trong tương lai. Tiến sĩ Anthony Fauci lưu ý rằng Mỹ vẫn ghi nhận khoảng 65.000 trường hợp mắc bệnh và hơn 400 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, dù con số này đã giảm so với một năm trước đó.
Các dự báo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) chỉ ra rằng ca nhập viện và tử vong do COVID-19 mới sẽ không tăng trong tháng tới.
Theo Time, số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Mỹ đang giảm và số ca tử vong cũng thấp hơn đáng kể so với làn sóng Omicron xảy ra vào đầu năm nay. Song trung bình có hơn 500 người chết vì COVID-19 mỗi tuần tại Mỹ vẫn là điều đáng lo ngại.
Ngoài ra, số ca nhập viện do COVID-19, đặc biệt là ở người cao tuổi, đang tăng lên khi khả năng miễn dịch nhờ vắc xin giảm.
Các chuyên gia y tế công cộng nói với ABC News rằng đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc và tuyên bố của Tổng thống Biden có thể hơi vội vàng.
“Đại dịch rõ ràng vẫn chưa kết thúc. Tôi muốn nhấn mạnh lý do đầu tiên là số người chết mỗi năm vì dịch bệnh”, theo tiến sĩ Peter Chin-Hong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California (thành phố San Francisco).
Theo dữ liệu của CDC, Mỹ đã ghi nhận hơn 223.000 ca tử vong do COVID-19 từ đầu năm đến nay. “Con số này cao hơn so với số ca tử vong do bệnh cúm thông thường”, ông Chin-Hong nói. Ông cho biết thêm rằng nếu số người chết do COVID-19 hàng năm vẫn tăng, sẽ cao hơn bệnh tiểu đường và các bệnh hô hấp khác.
“Trong khi Tổng thống Mỹ nói rằng đại dịch đã kết thúc, vậy tại sao người dân vẫn xếp hàng để tiêm mũi tăng cường? Tại sao Quốc hội vẫn phân bổ ngân sách bổ sung cho các chiến lược và công cụ khác để phòng COVID-19? Tôi nghĩ rằng ông Biden đã đưa ra một tuyên bố không phù hợp”, nhà dịch tễ học Celine Gounder cho biết.
Từng thuộc nhóm cố vấn về COVID-19 cho Chính phủ Canada, chuyên gia Fahad Razak nói rằng còn quá sớm để tuyên bố đại dịch đã chấm dứt bởi các biến thể SARS-CoV-2 thường xuất hiện trong suốt mùa thu và mùa đông, dẫn đến sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 và tử vong. Xu hướng này có thể xảy ra một lần nữa trong năm nay.
Theo tờ Wall Street Journal, một số thành viên đảng Cộng hòa cho rằng tuyên bố chiến thắng trước COVID-19 có thể làm suy yếu nỗ lực của chính quyền Biden nhằm tìm kiếm thêm nguồn ngân sách từ Quốc hội Mỹ.
Trong khi đó, một số chuyên gia sức khỏe cộng đồng đồng ý với tuyên bố của Tổng thống Biden về “sự thay đổi” ở đại dịch.
“Đó là sự hợp lý trong bối cảnh chúng ta cùng nhau chấm dứt tình trạng khẩn cấp y tế trong mấy năm qua và cố gắng hướng tới trạng thái bình thường mới. Đó là một cách nghĩ phù hợp về mối đe dọa COVID-19 ở thời điểm hiện tại”, Tiến sĩ Bob Wachter, chủ nhiệm khoa y tại Đại học California, nói.
Tuyên bố rằng đại dịch COVID-19 ở Mỹ đã kết thúc chắc chắn sẽ dẫn đến cảm giác tự mãn của người dân. Ngay cả khi thế giới đang hướng tới một thực tế rằng COVID-19 có thể biến đổi như bệnh cúm, với việc phải tiêm vắc xin hàng năm, đại dịch vẫn gây ra nhiều ca mắc bệnh và tử vong hơn so với cúm.
Vắc xin và các phương pháp điều trị chống vi rút SARS-CoV-2 khiến COVID-19 không còn là mối đe dọa nghiêm trọng như trước đây, song không thể xem nhẹ sự xuất hiện của các biến thể mới.
Omicron và các biến thể phụ như BA.4, BA.5 có khả năng lây lan nhanh chóng. Trong khi các biến thể mới không gây bệnh nghiêm trọng, nếu càng lây nhiễm cho nhiều người thì vi rút SARS-CoV-2 càng có nhiều cơ hội tái tạo để tạo ra nhiều biến thể mới có thể gây bệnh nặng hơn.