Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có bài phát biểu quan trọng đầu tiên tập trung vào vấn đề đường lối, chính sách đối ngoại kể từ khi ông nhậm chức ngày 20.1 vừa qua.

Tổng thống Mỹ Biden phát biểu về chính sách đối ngoại

TTXVN | 05/02/2021, 08:00

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có bài phát biểu quan trọng đầu tiên tập trung vào vấn đề đường lối, chính sách đối ngoại kể từ khi ông nhậm chức ngày 20.1 vừa qua.

biden-chinhsach1.jpg
Tổng thống Mỹ Joe Biden trình bày bài phát biểu lớn đầu tiên về chính sách đối ngoại tại trụ sở Bộ Ngoại giao. Ảnh: NBC News

CNN và các phương tiện truyền thông Mỹ đưa tin Tổng thống Biden đã phát biểu về chính sách đối ngoại của chính quyền mới khi ông tới thăm trụ sở Bộ Ngoại giao, gặp gỡ tân Ngoại trưởng Antony Blinken và nhân viên ngành ngoại giao Mỹ.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết bài phát biểu tập trung vào chủ đề “khôi phục vị thế của Mỹ trên thế giới”. Phó Tổng thống Kamala Harris cũng xuất hiện cùng Tổng thống Biden khi ông phát biểu.

Phát biểu trước các nhân viên và quan chức ngoại giao, Tổng thống Biden đã tuyên bố sẽ quay lại đường lối ngoại giao “kề vai sát cánh với các đồng minh và đối tác chủ chốt” sau nhiều năm Washington hướng tới chủ nghĩa biệt lập trong chính sách ngoại giao của chính quyền tiền nhiệm.

Ông Biden nói: “Hai tuần qua, tôi đã hội đàm với những nhà lãnh đạo bạn bè thân cận nhất – Canada, Mexico, Anh, Đức, Pháp, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia – để bắt đầu tái xây dựng lề lối hợp tác và phục hồi sức mạnh của các liên minh dân chủ vốn bị xói mòn 4 năm qua... Nước Mỹ đang trở lại, nền ngoại giao trở lại”.

Nhà lãnh đạo Mỹ đề cập tới những thách thức từ Trung Quốc và Nga, diễn biến chính trị tại Myanmar sau vụ quân đội bắt giữ bà Aung San Suu Kyi, xung đột tại Yemen, vấn đề người tị nạn…  

Liên quan tới Myanmar, ông Biden tuyên bố đã trao đổi với lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, về một phản ứng lưỡng đảng nhằm thuyết phục quân đội Myanmar trả tự do cho những quan chức và nhà hoạt động đang bị bắt giữ.

Liên quan tới tình hình Yemen, Tổng thống Mỹ khẳng định cuộc nội chiến lâu năm tại quốc gia nằm trên Bán đảo Arab là một trong những trọng tâm chính sách đối ngoại trong chính quyền của ông. Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ không ủng hộ “các chiến dịch tấn công” tại Yemen và tăng cường viện trợ nhân đạo. Ông cũng bổ nhiệm một đặc phái viên của Bộ Ngoại giao Mỹ để nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột này.

Về vấn đề người tị nạn, Tổng thống Biden đã công bố một bản ghi nhớ nhằm bảo vệ quyền của những người xin tị nạn, quyền của cộng đồng LGBTQ trên khắp thế giới. Trong tài khóa bắt đầu từ ngày 1/10, Mỹ sẽ tăng số lượng người tị nạn được phép vào nước này lên 125.000 người, tăng khoảng 8 lần so với hạn ngạch thời chính quyền Tổng thống Trump.

Cũng theo nhà lãnh đạo Mỹ, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ phụ trách một cuộc đánh giá toàn diện về việc bố trí các lực lượng Mỹ trên thế giới, động thái đồng nghĩa với việc tạm dừng quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Trump muốn rút bớt quân số Mỹ ở Đức. Ông Trump đã ra lệnh rút gần 12.000 lính Mỹ khỏi Đức nhằm trừng phạt nước này đối với những đóng góp cho NATO.

Một quan chức cấp cao giấu tên cho hay việc Tổng thống Biden tới thăm trụ sở Bộ Ngoại giao trước tiên, thay vì Lầu Năm Góc hay trụ sở Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), chứng tỏ ưu tiên của tân lãnh đạo Mỹ tập trung hàn gắn các quan hệ đồng minh của Mỹ và sẽ sử dụng ngoại giao như một công cụ đối ngoại.

Tổng thống Biden đang nỗ lực thúc hiện thực hóa cam kết tranh cử “làm mới lại” quan hệ của Mỹ với các đồng minh, vốn đã bị tổn thương dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã nêu bật những mối quan tâm chính về chính sách đối ngoại trong chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden. Trả lời phỏng vấn NBC News, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ sẽ theo đuổi gia hạn thêm 5 năm đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START).

Về vấn đề Iran, tân Ngoại trưởng Blinken kêu gọi Iran quay trở lại tuân thủ các điều khoản của Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015, cảnh báo rằng vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu Iran tiếp tục dỡ bỏ một số hạn chế được áp đặt trong thỏa thuận. Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận nếu Iran đảo ngược lộ trình làm giàu urani và quay trở lại tuân thủ JCPOA.

Liên quan đến Trung Quốc, tân ông Blinken nhận định Bắc Kinh đang đặt ra "thách thức quan trọng nhất" đối với Mỹ hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác. Bên cạnh đó, ông hối thúc Trung Quốc tạo điều kiện cho cuộc điều tra minh bạch về xác định nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.


Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mỹ Biden phát biểu về chính sách đối ngoại