Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss thông báo nước này sẽ chính thức nộp đơn đề nghị gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 1.2.
“Tham gia CPTPP sẽ tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp Anh vốn không thuộc về EU, làm sâu sắc thêm mối quan hệ giữa chúng ta với một số thị trường phát triển nhanh nhất trên thế giới. Nhà sản xuất ô tô và rượu whisky hưởng thuế suất thấp hơn, nhà cung cấp dịch vụ dễ tiếp cận thị trường hơn, mang lại công việc chất lượng và thịnh vượng cho người dân. Chúng ta đang đi trước và mong muốn khởi động đàm phán trong những tháng tới”, Bộ trưởng Truss phát biểu.
Nếu được chấp thuận, Anh sẽ là quốc gia đầu tiên gia nhập CPTPP kể từ lúc Mỹ rút khỏi năm 2017 đến nay. Hiệp định hiện có 11 thành viên gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói: “Xin gia nhập CPTPP thể hiện quyết tâm của Anh trong hợp tác với bạn bè cùng đối tác trên toàn thế giới, ủng hộ thương mại tự do”.
Dự kiến vào sáng 1.2, Bộ trưởng Truss sẽ làm việc với Bộ trưởng Thương mại Nhật Yasutoshi Nishimura (Chủ tịch Ủy ban CPTPP năm 2021) và Bộ trưởng Thương mại - Phát triển kinh tế New Zealand Damien O'Connor. Tiếp đó đến Ủy ban CPTPP quyết định chuyện khởi động quy trình xét duyệt.
Nếu ủy ban nhất trí thì một nhóm công tác được thành lập để đàm phán. Phía Anh phải bắt đầu đàm phán bằng một đề nghị mở cửa thị trường.
CPTPP có thêm Anh sẽ chiếm hơn 16% GDP toàn cầu. 11 thành viên hiện tại đều chào đón đảo quốc sương mù, nhưng đàm phán khó lòng hoàn tất chỉ trong vài tháng.
Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan cũng ngỏ ý gia nhập. Nếu họ đều trở thành thành viên và Mỹ quay trở lại, CPTPP sẽ thực sự là hiệp định thương mại tầm vóc toàn cầu. Tuy nhiên tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trước mắt ưu tiên giải quyết vấn đề trong nước (kiểm soát dịch bệnh, khôi phục kinh tế) nên không thể mong chờ kịch bản này sớm xảy ra.
Anh rất chủ động tìm cách gia nhập CPTPP. Giới chức nước này đã tiếp xúc với 11 thành viên từ năm 2018, sau đó tiến hành thảo luận khả năng gia nhập với các bên chủ chốt từ tháng 9.2020.
Cơ chế đa phương CPTPP là trụ cột quan trọng cho hợp tác quốc tế. Nhà nghiên cứu Hosuk Lee-Makiyama thuộc trường Kinh tế - Chính trị Luân Đôn đánh giá gia nhập CPTPP đem lại cho Anh nhịp cầu kết nối với thị trường châu Á, tăng cường hiện diện tại khu vực.
“Ở thời kỳ dịch COVID-19, chỉ có 2 nơi có tăng trưởng dương là Trung Quốc và Đông Nam Á. Thậm chí ngay cả trước khi đại dịch bùng phát thì cũng chẳng có không gian tăng trưởng cho nền kinh tế phát triển như Anh. Hơn nữa Đông Á là nơi tập trung nhiều vấn đề lẫn cơ hội bậc nhất thế giới, bạn không thể trốn sau Mỹ hay châu Âu để trở thành thế lực ở đây”, nhà nghiên cứu Makiyama phân tích.