Tổng thống Mỹ Donald Trump có ý định mua lại Greenland, hòn đảo lớn nhất thế giới thuộc chủ quyền Đan Mạch nằm gần Bắc Mỹ.
Tờ Wall Street Journal (của Mỹ) dẫn nhiều nguồi thạo tin cho biết, ông Trump đã nêu vấn đề này trong các cuộc họp và bữa tối. Nhà lãnh đạo Mỹ còn hỏi ý kiến của các trợ lý và nội dung các câu hỏi "có mức độ nghiêm túc khác nhau" liên quan đến khả năng và lợi thế của việc sở hữu Greenland.
Ông chủ Nhà Trắng cũng yêu cầu cố vấn Nhà Trắng của mình nghiên cứu vấn đề này.
Tuy nhiên, các trợ lý của ông Trump có quan điểm khác nhau. Một số người ủng hộ và ca ngợi đây là chiến lược kinh tế vững chắc, trong khi số khác bác bỏ nó khả năng này và cho rằng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực.
Theo Wall Street Journal, tổng thống Mỹ đã đưa ra vấn đề này trong một bữa ăn tối vào năm ngoái, cho rằng Đan Mạch đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính cho lãnh thổ tự trị Greenland, vốn là gánh nặng của nước này. Một nguồn thạo tin cho rằng ông Donald Trump quan tâm đến Greenland do nguồn tài nguyên thiên nhiên của hòn đảo này.
Tổng thống Trump dự kiến sẽ thăm chính thức Đan Mạch lần đầu tiên vào tháng 9, nhưng Greenland được cho là không nằm trong chương trình nghị sự.
Được biết, Greenland là một đảo tự trị của Vương quốc Đan Mạch với dân số khoảng 56.000 người. Chính quyền hòn đảo quyết định hầu hết các vấn đề đối nội, trong khi chính sách đối ngoại và an ninh thì do Copenhagen xử lý.
Ảnh chụp căn cứ không quân Thule của Mỹ tại Greenland vào năm 1989 - Ảnh: Wikipedia
Giới chức Mỹ từ lâu luôn coi Greenland là quan trọng đối với lợi ích an ninh quốc gia. Một hiệp ước quốc phòng kéo dài hàng thập kỷ giữa Copenhagen và Washington mang lại cho quân đội Mỹ đặc quyền gần như vô hạn ở Greenland. Mỹ hiện có một căn cứ không quân lớn có tên Thule, nằm phía tây bắc hòn đảo. Căn cứ này có 600 quân nhân và đóng vai trò rất quan trọng trong hệ thống radar cảnh báo sớm tên lửa đạn đạo toàn cầu của Mỹ.
Ông Donald Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên muốn mua Greenland. Dưới thời Tổng thống Harry Truman, Mỹ cũng đã thể hiện mối quan tâm địa chính trị ở Greenland và đề nghị mua nó từ Đan Mạch với giá 100 triệu USD vào năm 1946 nhưng bị chính phủ nước này từ chối. Trước đó vào năm 1867, Ngoại trưởng Mỹ William Seward – người xúc tiến thương vụ mua lại Alaska từ Nga cũng đã từng quan tâm đến việc mua đảo này.
Hoàng Vũ (theo Wall Street Journal)