Ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela thả thủ lĩnh đối lập, nhưng có thể không được như ý muốn là kéo giảm sự phản đối của người dân và sự phê phán của quốc tế.

Tổng thống Venezuela 'xuống nước', thả thủ lĩnh đối lập hàng đầu

10/07/2017, 20:19

Ông Nicolas Maduro, Tổng thống Venezuela thả thủ lĩnh đối lập, nhưng có thể không được như ý muốn là kéo giảm sự phản đối của người dân và sự phê phán của quốc tế.

Thủ lĩnh đối lập Lopez sau khi được thả khỏi nhà tù quân sự-Ảnh: Reuters

Cú liều của ông Maduro cũng có thể “nạp năng lượng” cho phe đối lập, đồng thời làm mất lòng một số thành viên trong đảng Xã hội của ông.

“Quái vật của Ramon Verde’ là ‘khủng bố nguy hiểm’

Thủ lĩnh đối lập nổi tiếng được ông Maduro thả khỏi nhà tù là nhà kinh tế học Leopoldo Lopez, 56 tuổi.

Người ủng hộ chính phủ cũng thường lưu ý vai trò của Lopez giúp bắt một bộ trưởng, trong cuộc đảo chính ngắn ngủi năm 2002 mà không lật đổ được Tổng thống Hugo Chavez.

Trong các tuyên bố chính thức, các quan chức thường gọi ông là “Quái vật ở Ramon Verde” thay vì dùng tên ông. Ramon Verde là nhà tù quân sự, nơi ông bị giam trước khi bản án 14 năm tù được đổi thành quản thúc tại gia.

Suốt nhiều năm, ông Maduro mô tả Lopez là khủng bố nguy hiểm tìm cách gây bạo lực đường phố để lật đổ ông.

Nhiều người trong đảng Xã hội cầm quyền xem Lopez là một phần tử phản động, âm mưu lật đổ chính quyền, nên hồi năm 2015 đã bắt và kết án 14 năm tù đối với Lopez, với tội danh cầm đầu những cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ hồi năm 2014, sau đó xảy ra ẩu đả giữa người biểu tình với cảnh sát và khiến 43 người chết.

Dù Lopez có công khai kêu gọi chống ông Maduro một cách hòa bình, và lúc đó ông đang bị tù, ngành công tố nói những diễn văn của ông phát thông điệp ngầm kêu gọi bạo lực!

Lopez và luật sư của ông liên tục phủ nhận các tội danh, trong khi các chính phủ châu Âu và Mỹ chỉ trích chính quyền về việc kết tội ông.

Franklin Nieves, một công tố viên Venezuela tham gia vụ xét xử, cũng đã trốn qua Miami, nơi ông ta tố cáo đó là các tội danh “hư cấu” và có động cơ chính trị.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của báo The Wall Street Journal hồi năm 2015, Nieves nói: “Lopez vô tội” và xin lỗi gia đình Lopez.

Trong tù, Lopez từng tuyệt thực suốt 1 tháng để phản đối hồi năm 2015, và thi thoảng gởi được những thông điệp kêu gọi người ủng hộ gây sức ép với chính phủ mà ông gọi là chế độ độc tài.

Vì ông Maduro và ông Chavez từ lâu nghi ngại Lopez, cấm Lopez tranh chức Đô trưởng Caracas.

Lopez từng học đại học Harvard (Mỹ) và là con một gia đình giàu có, là hậu duệ trực tiếp của em gái của Simon Bolivar (anh hùng giành độc lập cho Venezuela) và của Chirtobal Mandoza, Tổng thống Venezuela đầu tiên.

Ông Chavez từng tiến hành cuộc cách mạng Bolivar, nhưng chính phủ Maduro nói tầng lớp giàu có ở Venezuela và chính phủ Mỹ “bỏ túi” Lopez.

Ông Lopez đang là thủ lĩnh đảng Ý chí nhân dân, được nhiều người trong phe đối lập ngưỡng mộ vì quan điểm cứng rắn của ông, và xem ông là Tổng thống tương lai.

Theo kết quả thăm dò dư luận của Datanalisis ở Venezuela hồi tháng 6, Lopez đạt 48% tín nhiệm, so với ông Maduro chỉ được 20%. Một thủ lĩnh đối lập khác là Henrique Capriles (ứng cử viên tổng thống nhưng thua ông Maduro năm 2014) đạt 51%.

Thả "quái vật" khỏi tù vì lý do nhân đạo...

Người dân Venezuela trong 3 tháng qua đã có những cuộc biểu tình phản đối, đòi bầu cử sớm và đòi trả tự do cho hàng trăm người đối lập bị tòa án quân sự xử kín với tội danh “phản quốc”, gồm một nghị sĩ và hàng chục thành viên đảng Ý chí nhân dân của ông Lopez.

Đã có ít nhất 90 người chết, hàng ngàn người bị thương và hàng trăm vụ bắt giữ trong các vụ biểu tình phản đối bạo lực.

Hôm 5.7, người ủng hộ chính phủ Maduro cầm ống nước xông vào trụ sở quốc hội, đập nhiều nghị sĩ đối lập.

Nhiều chính phủ, trong đó có Mỹ, đã lên án cuộc đàn áp của chính phủ Maduro, trong khi các nhà ngoại giao và cựu lãnh đạo ráng tìm gặp ông Maduro để khuyên can.

Trước sức ép của quốc tế, vào ngày 8.7, Tòa án tối cao thân chính phủ đã thả “quái vật” Lopez khỏi nhà tù quân sự Ramo Verde, chuyển Lopez sang hình thức quản thúc tại gia.

Trong một tuyên bố, Tòa án tối cao Venezuela giải thích việc thay bản án đối với Lopez do “có sai sót” trong thủ tục truy tố và vì lý do nhân đạo “Lopez bị suy yếu sức khỏe”.

Nhưng gia đình Lopez khẳng định Lopez vẫn khỏe mạnh. Cha ông đang sống lưu vong ở Tây Ban Nha, cho biết hai cha con đã nói chuyện 40 phút.

Bộ Ngoại giao Mỹ gọi phán quyết của Tòa án tối cao Venezuela “là một bước đi đúng hướng”, và kêu gọi trả tự do hoàn toàn cho Lopez và 400 người chống đối bị tù khác.

Quyết định thả Lopez của Tòa án tối cao làm niềm vui lan tỏa nơi người ủng hộ phe đối lập. Họ tụ tập trước nhà Lopez ở một vùng ngoại ô Caracas để đón ông, khóc vì vui và đốt pháo bông, nói quyết định của tòa án cho thấy chính phủ đang sợ hãi, bị quá nhiều sức ép của quốc tế.

Họ cũng nói Lopez đáng được trả tự do hoàn toàn, và họ thề sẽ “tiếp tục xuống đường phản đối cho đến khi chính phủ đáp ứng các yêu sách, thể theo lời kêu gọi của Lopez.

Freddy Guevara là nhân vật số 2 trong đảng Ý chí nhân dân của Lopez, đọc tuyên bố của thủ lĩnh:

“Tôi kiên quyết chống đối chế độ này và nếu duy trì cuộc đấu tranh cho tự do có nghĩa tôi phải chịu nguy cơ bị trở lại xà lim ở Ramo Verde, thì tôi sẽ vui vẻ chấp nhận. Hôm nay, tôi là tù nhân trong nhà tôi, nhưng nhân dân Venezuela cũng thế. Trong những ngày gian khổ nhất, ý chí tôi vẫn mạnh vì biết những gì tôi phải nếm trải chẳng là gì so với đồng bào đã phải nếm trải”.

...Là bài bản “xả van hơi nóng”

Phán quyết thả Lopez gây bất ngờ, vào lúc chính phủ Tổng thống Maduro thúc đẩy cuộc bầu cử Quốc hội lập hiến để soạn lại Hiến pháp vào ngày 30.7 tới.

Phe đối lập cảnh cáo cuộc bầu cử này là "đáng xấu hổ”, và là để ông Maduro củng cố quyền lực. Khi Quốc hội sẽ chỉ gồm người ủng hộ Maduro sẽ xóa bỏ di sản dân chủ của Venezuela và loại bỏ phe đối lập đang kiểm soát quốc hội vốn do ý chí nhân dân bầu lên.

Phe đối lập cũng tính tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16.7, để người dân Venezuela cho ý kiến về Chính phủ và kế hoạch soạn lại Hiến pháp của Tổng thống Maduro, và về ý tưởng thúc đẩy bầu cử sớm để gạt ông Maduro khỏi ghế Tổng thống.

Họ hy vọng cuộc trưng cầu này sẽ càng làm ông Maduro mất uy tín, dù đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu mang tính tượng trưng.

Theo tổ chức thăm dò dư luận Datanalisis hồi tháng 6, khoảng 85% dân Venezuela nói sẽ chống việc thay Hiến pháp.

Nhà phân tích chính trị Dimitris Pantoulas ở Caracas nói vụ thả Lopez là để “xả van hơi nóng” từ những cuộc phản đối của phe đối lập, trước khi diễn ra ngày bầu cử 30.7.

Vì thế, quan chức Chính phủ thường cáo buộc phe đối lập kích động bạo lực, đã nói công khai hôm 8.7 về cách Chính phủ dựa vào phán quyết của Tòa án tối cao để kêu gọi bình tĩnh.

Lãnh đạo Ủy ban nhân quyền Venezuela, ông William Tarek Saab là một đồng minh thân cận của Tổng thống Maduro, nói với các nhà báo: “Đây là một biện pháp nhân đạo”, và sẽ sớm công bố biện pháp tương tự với các tù chính trị.

Ông Pantoulas nói phán quyết “hợp thức hóa” Chính phủ Venezuela với quốc tế: “Nó cho phép họ khẳng định rằng họ là người yêu chuộng hòa bình, không phải độc tài và biết nhượng bộ”.

Chính phủ Venezuela xem đây là chứng cứ của ý muốn đối thoại chứ không xung đột.

Ngày 8.7, ông Maduro chìa “cành ô-liu” hòa bình: “Tôi chấp nhận và ủng hộ phán quyết của Tòa án tối cao, dù mọi người biết tôi bất đồng sâu sắc và tuyệt đối với L.L”, để tránh phải viết rõ tên đầy đủ của Lopez.

Ông Maduro kêu gọi Lopez ngưng kích động lật đổ Chính phủ vào lúc đất nước đang lâm khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng: “Chúa sẽ giúp hiểu phán quyết này, và ông L.L, sau 4 năm ở Ramo Verde, sẽ phát đi tín hiệu hòa giải”.

Người biểu tình phản đối chính phủ

Nước cờ liều lĩnh của Tổng thống Maduro

Theo Reuters, dẫn lời Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy và các quan chức Chính phủ Venezuela, vụ thả Lopez khỏi nhà tù quân sự và chuyển ông qua hình thức quản thúc tại gia là nhờ cựu Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero làm trung gian.

Năm ngoái, cuộc đối thoại do cựu Thủ tướng Zapatero làm trung gian đã thất bại, nhiều người bên phe đối lập xem ông là ‘lái buôn mua thêm giờ” cho ông Maduro.

Tuy nhiên, phán quyết thả Lopez và phục hồi vai trò của các nhà trung gian quốc tế có thể mở đường cho những cuộc đàm phán trong tương lai.

Nhưng quyết định thả Lopez khỏi nhà tù có thể khiến ông Maduro bị cô lập chứ không đem lại ích lợi nào cho cựu tài xế xe buýt-thủ lĩnh công đoàn được bầu làm tổng thống sau khi đàn anh Chavez qua đời năm 2013 vì bệnh ung thư.

Dựa vào vài dấu hiệu bất hòa giữa Chính phủ và quân đội Venezuela, phe đối lập chưa chắc đồng ý ngồi vào bàn nói chuyện với chính phủ Maduro.

Phán quyết thả Lopez cũng có thể khoét sâu vài rạn nứt trong “cánh Chavismo” vốn từng đoàn kết dưới thời thống trị của cố Tổng thống Chavez.

Suốt nhiều năm, các quan chức xem Lopez là một kẻ giết người, kích động bạo lực làm hàng chục người chết trong những cuộc phản đối năm 2014, nên việc đột ngột thả Lopez không làm một số người hâm mộ Chavez (gọi là Chavista) hài lòng.

Iris Varela là cựu Bộ trưởng quản lý nhà tù và là một đảng viên có tiếng trong đảng Xã hội, nói: “Hôm nay chúng tôi thức giấc với một quyết định chỉ làm chúng tôi tràn phẫn nộ”.

Bà còn nói quyết định làm sáng tỏ sự chia sẻ quyền lực ở Venezuela và bà chấp nhận, nhưng còn có những tin đồn từ các Chavista đưa lên mạng xã hội, cho rằng ông Marudo đã phản bội di sản của đàn anh đã quá cố.

Nhà văn-phân tích chính trị Carlos Romero nói: “Biện pháp quản thúc tại gia vì lý do nhân đạo của Chính phủ không làm rõ quyết định thay bản án 14 năm tù. Chỉ có đổi chỗ giam ông ấy thôi”.

Một số Chavista đòi Tòa án tối cao giải thích việc quản thúc tại gia đối với Lopez, vì xem ra ông vẫn khỏe mạnh, vui vẻ chào đón người ủng hộ kéo đến nhà ông, dù cách nhà một dãy phố là nơi đóng quân của một đơn vị cảnh sát tình báo của Tổng thống Maduro.

Một số Chavista khác cảnh cáo: quyết định thả Lopez khỏi tù sẽ không ngăn được các vụ phản đối, và đó là sự sỉ nhục các nạn nhân xấu số của vụ phản đối năm 2014.

Điều chắc chắn có nhiều câu hỏi không có câu trả lời, xung quanh việc thả Lopez, gồm vụ này đã được đàm phán thế nào, và có thả thêm người nào nữa hay không.

Vĩnh Thụy (theo Newsweek, he Wall Street Journal)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
2 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Venezuela 'xuống nước', thả thủ lĩnh đối lập hàng đầu