Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, trong kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30.4 - 1.5 (từ 29.4.2023 đến 3.5.2023), tổng thu từ khách du lịch cả nước ước đạt 24.000 tỉ đồng (tăng 9% so với cùng kỳ).
Trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, các địa phương trên cả nước ước tính đã đón được hơn 300.000 khách quốc tế, phục vụ khoảng 7 triệu lượt khách nội địa (tăng 40% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó 3,2 triệu lượt khách có lưu trú. Công suất phòng trung bình tại các cơ sở lưu trú du lịch đạt 60%, đặc biệt với những ngày cao điểm đạt trên 70%, một số khu vực đạt tỷ lệ lấp đầy 95 - 100%.
Theo Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành và hãng hàng không đã chủ động giới thiệu sản phẩm kích cầu hấp dẫn, phù hợp xu hướng và tâm lý của du khách. Với những chính sách ưu đãi, giảm giá cùng nhiều sản phẩm mới mà các đơn vị lữ hành tung ra trong dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5, lượng du khách đặt tour, vé máy bay có sự gia tăng, cơ bản đạt được mục tiêu kinh doanh đặt ra.
Các sản phẩm du lịch được doanh nghiệp chủ động làm mới, liên kết, thu hút đông đảo khách du lịch như: chuỗi các sự kiện thuộc chương trình “Khởi động mùa hè” (Quốc Oai, Hà Nội); các chương trình trải nghiệm sinh thái, gắn với di tích lịch sử - tâm linh và văn hóa tại Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội); Chương trình tham quan di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia trụ sở HĐND và UBND TP.HCM.
Đặc biệt, sản phẩm du lịch đường biển (tàu biển, du thuyền xuyên Việt, tour đảo) được du khách quốc tế ưa chuộng, lựa chọn cao như: Saigontourist đã đón liên tục 10 đoàn khách quốc tế đến Việt Nam với hơn 5.000 du khách từ Đức, Pháp, các nước châu Á; Vietravel đã phục vụ hơn 10.000 lượt khách quốc tế, chiếm 50% số lượng khách phục vụ trong kỳ nghỉ lễ, sản phẩm chủ đạo được lựa chọn là tour biển, tour du thuyền dài ngày...
Lượng khách đặt tour đi nước ngoài tăng mạnh, đạt tỷ lệ lấp đầy hơn 90%, thậm chí có tour đã hết chỗ như Thái Lan, Hàn Quốc, Bali (Indonesia),…
Kỳ nghỉ lễ năm nay, một số địa bàn du lịch trên cả nước đã ghi nhận những tín hiệu tích cực, với lượng khách tăng đáng kể; có nơi lượng khách không đạt như kỳ vọng nhưng chất lượng khách tốt hơn. Bên cạnh đó, vì thời gian nghỉ tương đối dài nên đa số lựa chọn của khách du lịch là một số khu, điểm du lịch gần biển, có sản phẩm du lịch biển phát triển như: Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... hoặc vui chơi, tham quan các khu, điểm du lịch gần, có thể đi về trong ngày; trong đó chủ yếu là các khu điểm du lịch văn hóa, sinh thái với đa số là khách lẻ, gia đình hoặc theo nhóm ít (3 - 5 người).
Ở miền Bắc, Hà Nội đón và phục vụ 719.000 lượt khách, công suất sử dụng phòng bình quân khối khách sạn, căn hộ du lịch đạt khoảng 58,4%. Ở Lào Cai, dù dự báo công suất phòng bình quân dịp lễ vào khoảng 80% (riêng Sa Pa dự kiến 98%), nhưng từ 29.4 - 2.5 công suất phòng bình quân chung toàn tỉnh Lào Cai chỉ đạt trên 60% (riêng Sa Pa trên 75%).
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên, đáng chú ý có Thanh Hóa đón khoảng gần 1,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 690.000 lượt khách, công suất phòng khoảng 81,5%; Nghệ An phục vụ khoảng 780.000 lượt khách, trong đó, khách lưu trú đạt 330.000 lượt, công suất phòng bình quân đạt 80 - 85%'; Đà Lạt (Lâm Đồng) ước đón khoảng 120.000 lượt khách đến tham quan, trong đó khách lưu trú ước đạt 78.000 lượt; Quảng Nam phục vụ 245.000 lượt khách, số khách lưu trú khoảng 70.000 lượt; Khánh Hòa báo cáo lượng khách 798.100, trong đó khách lưu trú là 199.600, công suất phòng bình quân 87,8%.
Ở phía Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu đón và phục vụ khoảng 499.730 lượt khách, trong đó khách lưu trú là 124.615 lượt khách, công suất phòng bình quân đạt 75 – 80%; Tiền Giang ước đón được 88.500 lượt khách, trong đó 22.700 lượt khách lưu trú, công suất phòng trung bình 75%.
Tây Ninh và Kiên Giang nằm trong số ít điểm đến báo cáo lượng khách giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 ngày từ 29.4 – 3.5.2023, Tây Ninh ước tính có 98.000 lượt khách tham quan các khu, điểm du lịch; công suất phòng bình quân ước đạt 60 - 65%. Tại Kiên Giang, lượng khách đến tham quan du lịch ước đạt 264.938 lượt, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, khách du lịch có lưu trú 74.070 lượt, giảm 12,9% so với cùng kỳ; tổng thu từ du lịch đạt trên 210 tỉ đồng, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Công suất phòng lưu trú bình quân trên địa bàn Kiên Giang đạt thấp so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt khoảng hơn 52%; phân khúc cơ sở lưu trú hạng 4 - 5 sao trung bình chỉ đạt từ 65 - 70%.
Tổng cục Du lịch cũng chỉ ra một số tồn tại như hiện tượng ùn tắc cục bộ vẫn diễn ra vào giờ cao điểm và kéo dài trong nhiều giờ. Vì vậy, còn xảy ra hiện tượng hủy lịch trình, hủy dịch vụ do tình trạng ùn tắc kéo dài trên các tuyến quốc lộ. Chất lượng phục vụ chưa thực sự đáp ứng kỳ vọng của du khách, bởi tình trạng đông đúc, chen lấn cục bộ vẫn diễn ra tại một số địa phương trọng điểm du lịch. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực du lịch vẫn bị thiếu hụt, chưa kịp đào tạo bổ sung.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Du lịch, số liệu thống kê trong dịp nghỉ lễ vừa cho cho thấy đây là tín hiệu tích cực đối với hoạt động du lịch, tiếp tục duy trì được đà phục hồi và đã hoàn toàn vượt qua khó khăn sau giai đoạn dịch bệnh. Tín hiệu khách quốc tế tăng cũng chứng tỏ hướng đi đúng đắn, kịp thời của du lịch Việt Nam trong cơ cấu lại thị trường khách, chủ động làm mới sản phẩm của mình và chủ động xúc tiến, quảng bá hình ảnh Du lịch Việt Nam hiệu quả.