Mục tiêu của ngành y tế TP.HCM là đảm bảo mỗi 150-200 hộ dân ở khu vực nội thành và 100-150 hộ dân ở khu vực ngoại thành có 1 cộng tác viên (CTV) sức khỏe cộng đồng, nhưng đến nay chỉ có 2 quận triển khai thực hiện điều này.
Số lượng CTV sức khỏe cộng đồng được tuyển chọn còn khiêm tốn
Tại buổi giao ban trực tuyến với UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức, Sở Y tế TP.HCM cho biết đến tính đến ngày 29.2 chỉ còn UBND quận 11 chưa xây dựng kế hoạch khám sức khỏe, tầm soát bệnh không lây dành cho người cao tuổi sinh sống trên địa bàn trong năm 2024 và 8 quận huyện (quận 3, 7, 8, 11, Phú Nhuận, Tân Phú; huyện Bình Chánh, Hóc Môn) chưa xây dựng dự toán theo quy định.
Sở Y tế đề nghị UBND các quận, huyện khẩn trương triển khai thực hiện và gửi lịch khám sức khỏe về Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP trước ngày 7.3.2024 để hỗ trợ và giám sát.
Các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai khám sức khỏe theo kế hoạch của UBND TP.HCM đã ban hành, qua đó chủ động phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi để tư vấn, điều trị và quản lý.
Đồng thời UBND các quận, huyện dự toán kinh phí cho hoạt động khám sức khỏe người cao tuổi. Căn cứ vào kế hoạch và dự toán này, Sở Y tế sẽ phối hợp Sở Tài chính tham mưu UBND TP.HCM bố trí kinh phí thực hiện trong năm 2024.
Sở Y tế lưu ý các địa phương cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn đã được triển khai trong năm 2023, đảm bảo tất cả người cao tuổi trên địa bàn mắc, nghi ngờ mắc các bệnh không lây nhiễm sau khám sức khỏe được quản lý, chăm sóc và điều trị bệnh, thực hiện chuyển đổi số dữ liệu khám sức khỏe của người dân, và chỉ được thanh quyết toán kinh phí sau khi thực hiện chuyển đổi số đầy đủ dữ liệu khám sức khỏe theo quy định.
Trong khi đó, Sở Y tế đặt mục tiêu phát triển mạng lưới CTV sức khỏe cộng đồng rộng khắp với hơn 16.000 người; bảo đảm cứ 150-200 hộ dân ở khu vực nội thành và 100-150 hộ dân ở khu vực ngoại thành có 1 CTV. Tuy nhiên, đến thời điểm này, toàn TP mới có 2 quận là Bình Tân và Bình Thạnh chủ động triển khai tuyển chọn cộng tác viên sức khỏe cộng đồng, nhưng số lượng còn khá khiêm tốn.
Cụ thể, quận Bình Tân tuyển chọn được 256 CTV sức khỏe cộng đồng (trong tổng số 1.499 CTV theo kế hoạch), quận Bình Thạnh tuyển chọn được 138 CTV sức khỏe cộng đồng (trong tổng số 1.000 CTV theo kế hoạch).
Trước tình hình trên, Sở Y tế yêu cầu UBND các quận, huyện còn lại khẩn trương triển khai quy trình tuyển chọn CTV sức khỏe cộng đồng theo hướng dẫn của ngành y tế.
Theo Sở Y tế, kể từ tháng 3.2024, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật sẽ tổ chức các khóa tập huấn dành cho CTV sức khỏe cộng đồng. Đồng thời mỗi năm, UBND phường, xã phải đánh giá kết quả hoạt động của từng CTV sức khỏe cộng đồng và bổ sung lực lượng này nếu cần.
Sẽ điều chỉnh chương trình thực hành của bác sĩ ở trạm y tế
Đối với chương trình thí điểm thực hành tại bệnh viện gắn liền với trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp, Sở Y tế cho biết, qua hơn 2 năm triển khai cho thấy việc tăng cường lực lượng bác sĩ trẻ cho trạm y tế đã góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ban đầu cho người dân tại trạm y tế, giúp cho các bác sĩ trẻ hiểu hơn và có thêm trải nghiệm thực tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tuy nhiên, theo quy định mới của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 (có hiệu lực kể từ ngày 1.1.2024), Sở Y tế cho biết sẽ tham mưu UBND TP điều chỉnh chương trình thực hành đối với các bác sĩ tham gia đợt 3 (tổng số lượng 164 bác sĩ). Theo đó, các bác sĩ sẽ thực hành liên tục 12 tháng tại bệnh viện và được cấp giấy phép hành nghề bác sĩ tham gia chương trình nếu hội đủ điều kiện (không phải đóng học phí) và được hỗ trợ 100% kinh phí thực hành.
Sau khi được cấp giấy phép hành nghề tiếp tục tham gia hành nghề khám bệnh, chữa bệnh 6 tháng tại trạm y tế và được hưởng chính sách hỗ trợ 60 triệu đồng theo Nghị quyết 01/2022/NQ-HĐND.
Sở Y tế kiến nghị lãnh đạo TP chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh chương trình thực hành và kiến nghị Hội đồng nhân dân TP xem xét, điều chỉnh Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND.