Sau khi uống “nước vui” trong tiệc sinh nhật của một người bạn, cô gái trẻ 23 rơi vào tình trạng hôn mê sâu, phải đi cấp cứu ở bệnh viện.
Chiều 28.2, BSCK2 Hoàng Ngọc Ánh - Phó khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cho hay, bệnh viện đang điều trị cho một cô gái trẻ bị hôn mê, động kinh đặc hiệu, suy hô hấp, viêm phổi sau khi được bạn mời uống “nước vui”.
Theo thông tin ban đầu, trong bữa tiệc sinh nhật của một người bạn, T.N.N.Y (23 tuổi, ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) được mời uống “nước vui”. Cả nhóm gồm 5 người đã pha “nước vui” vào rượu rồi cùng uống. Tuy nhiên, Y. không nhớ được lượng “nước vui” và rượu đã sử dụng. Ban đầu cô cảm thấy cơ thể được kích thích, hưng phấn nhưng sau đó mệt nhiều, nôn ói rồi rơi vào lơ mơ.
Nữ bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Thống Nhất cấp cứu. Tại đây, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hội chứng động kinh đặc hiệu, suy hô hấp, viêm phổi do hít phải thức ăn, chất nôn, kích thích hệ thần kinh trung ương.
“Chúng tôi đã tiến hành mở nội khí quản hỗ trợ hô hấp và điều trị triệu chứng, nâng đỡ tổng trạng. Sau một ngày điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện tốt, được rút nội khí quản”, bác sĩ Ánh thông tin.
Theo bác sĩ Hoàng Ngọc Ánh, những trường hợp ngộ độc ma túy lâu nay phổ biến là thuốc lắc, bóng cười... Bệnh nhân Y. là trường hợp ngộ độc do uống “nước vui” đầu tiên mà bệnh viện tiếp nhận. “Qua tìm hiểu thông tin, chúng tôi ghi nhận “nước vui” thực chất là một dạng ma túy tổng hợp tương tự như thuốc lắc”, bác sĩ Ánh nói.
Phân tích của bác sĩ Ánh cho thấy khi sử dụng “nước vui”, người dùng sẽ gặp kích thích ngưng thận, tác động tới thần kinh làm cho có cảm giác sảng khoái, kích thích, nói nhiều, kích động. Những trường hợp nặng sẽ gây tổn thương đa cơ quan, suy thận, nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Các chất như amphetamin, ketamin gây co thắt mạch máu có thể dẫn tới đột tử.
“Để tránh nguy hiểm, cộng đồng tuyệt đối không sử dụng ma túy tổng hợp dưới mọi hình thức”, bác sĩ Ánh khuyến cáo.