Chiều 6.9, Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM tổ chức lễ ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn - ESC.
Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn được thành lập trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Đào tạo thiết kế vi mạch Khu công nghệ cao (SCDC) và Trung tâm Đào tạo điện tử Quốc tế (IETC).
Việc hợp nhất này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan là các ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn có mối quan hệ hữu cơ với nhau và yêu cầu phải có một chiến lược phát triển đồng bộ.
Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn được định hướng phát triển trở thành đơn vị đầu mối của cả nước, là cơ sở hạ tầng dùng chung, hỗ trợ cho các trường đại học, viện nghiên cứu lớn trong cả nước nhằm đẩy nhanh việc phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp và điện tử, vi mạch bán dẫn.
Phát biểu tại lễ ra mắt, PGS.TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM cho biết, việc ra mắt Trung tâm điện tử và vi mạch bán dẫn - ESC nhằm mục đích phát triển các ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn của Việt Nam giai đoạn tới. Việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải có chủ đích và được chọn lọc nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển các doanh nghiệp trong nước.
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Thi, trên cơ sở kết quả thí điểm tích cực ban đầu đối với hai trung tâm SCDC và IETC, Ban Quản lý và Công ty Synopsys trong thời gian qua đã quyết định mở rộng hợp tác, bổ sung chương trình ươm tạo vi mạch nhằm hướng đến hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp thiết kế vi mạch trong nước.
“Đây là mô hình hợp tác đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á. Cùng với việc mở rộng hợp tác này, với mục tiêu hình thành một đơn vị đào tạo có quy mô đủ lớn để có thể đáp ứng các yêu cầu của các nhà đầu tư lớn và tạo điều kiện để thu hút các chương trình hợp tác quốc tế có quy mô lớn hơn trong tương lai, Ban Quản lý Khu công nghệ cao đã quyết định hợp nhất hai mô hình SCDC và IETC thành một trung tâm có quy mô lớn hơn là Trung tâm đào tạo điện tử, vi mạch bán dẫn”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, trong công cuộc đổi mới hiện nay, Việt Nam phải lựa chọn con đường phát triển xanh, dựa trên kinh tế tri thức, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Khi nói đến ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp về vi mạch và bán dẫn tức là đang nói tới những ứng dụng rộng rãi của nó đang thay thế dần nền kinh tế phụ thuộc vào khai thác tài nguyên.
Phó thủ tướng cho biết, việc phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch thời gian tới sẽ có nhiều khó khăn, thách thức và cạnh tranh. Phó thủ tướng nêu một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, đào tạo nguồn nhân lực là việc đầu tiên phải làm. Công việc này có thể bỏ qua một số khâu trung gian, đi ngay từ khâu vườn ươm, dựa vào kiến thức của những người đi trước.
Tuy nhiên, muốn đi xa trong lĩnh vực này, không thể dừng lại ở việc “cầm tay chỉ việc”. Do đó, phải hiểu được bản chất, hiểu công nghệ lõi, có nghiên cứu cơ bản, biết cách học hỏi, chuyển giao.
Trong thời gian tới, các trường đại học phải là nơi startup, nghiên cứu cơ bản và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau đại học trong lĩnh vực này.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh việc thay đổi cách tiếp cận trong chính sách về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, công nghệ thông tin; việc cần có chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các hệ sinh thái.
Trong công cuộc chuyển đổi xanh, Việt Nam có 2 nguồn lực quan trọng: Lực lượng lao động chăm chỉ, ham học hỏi và những nhà khoa học, những doanh nhân “luôn đau đáu giúp Việt Nam phát triển”.
Phó thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ cùng TP.HCM sẽ lắng nghe các nhà khoa học, các doanh nhân để phát triển ngành công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn mạnh mẽ.