Trí tuệ nhân tạo (AI) có tên CerviCare AI là một hệ thống được đào tạo trên một tập dữ liệu khổng lồ với hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung bình thường và bất thường.
Ngày 27.9, Sở Y tế TP.HCM cho hay sẽ triển khai thử nghiệm ứng dụng CerviCare AI tại các bệnh viện chuyên khoa sản trên địa bàn TP nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư cổ tử cung (UTCTC).
Đây là hệ thống được đào tạo trên một tập dữ liệu khổng lồ với hơn 100.000 hình ảnh cổ tử cung, bao gồm hình ảnh bình thường và bất thường, hệ thống phân tích hình ảnh cổ tử cung sử dụng AI giúp phát hiện sớm các dấu hiệu UTCTC.
Theo Sở Y tế, ứng dụng CerviCare AI do một công ty khởi nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc tạo ra. Kết quả thử nghiệm lâm sàng chụp ảnh cổ tử cung bằng phương pháp soi cổ tử cung truyền thống và bằng ứng dụng CerviCare AI của KFDA (Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Hàn Quốc) thực hiện trên 1.000 phụ nữ Hàn Quốc từ 25 đến 65 tuổi cho thấy, CerviCare AI có thể phát hiện chính xác UTCTC giai đoạn sớm với độ chính xác lên đến 98% khi kết hợp với xét nghiệm Pap smear.
Qua thực hiện thử nghiệm lâm sàng đối với giải pháp TeleCervicography của sản phẩm CerviCare AI cho thấy, độ chính xác trong việc phát hiện UTCTC giai đoạn sớm là 98%; độ chính xác trong việc phát hiện các dấu hiệu bất thường khác trên cổ tử cung là 95%; thời gian phân tích hình ảnh là 5 phút.
Sở Y tế đánh giá, CerviCare AI là một công nghệ mới, có tiềm năng giúp cải thiện hiệu quả tầm soát và phát hiện sớm UTCTC.
Ưu điểm của CerviCare AI là phát hiện sớm các dấu hiệu UTCTC, ngay cả khi các dấu hiệu này chưa thể nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này giúp tăng khả năng điều trị thành công cho bệnh nhân.
Ngoài ra, CerviCare AI còn giảm thiểu chi phí và thời gian điều trị; tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Hiện nay, ngoài Hàn Quốc, một số nước đã bắt đầu phê duyệt cho phép sử dụng ứng dụng này tại các cơ sở khám, chữa bệnh như: Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan. Cơ quan kiểm nghiệm thuốc và thực phẩm Nhật Bản (PMDA) đã phê duyệt sử dụng CerviCare AI tại Nhật Bản vào tháng 1.2023, hiện nay hệ thống này đang được sử dụng tại một số bệnh viện và phòng khám tại quốc gia này.
Theo Sở Y tế TP.HCM, CerviCare AI là một hệ thống giải pháp có tên là TeleCervicography. Hệ thống này bao gồm thiết bị thông minh Dr. Cervicam C20, TeleCervico (phiên bản kết nối mạng) và mạng lưới các chuyên gia đánh giá. Quy trình kiểm tra sức khỏe cổ tử cung bằng CerviCare AI được thực hiện theo quy trình 3 bước gồm: bước 1 (người yêu cầu) – phóng to, chụp ảnh cổ tử cung bằng một máy ảnh đặc biệt (Dr. Cervicam C20), nhập hình ảnh và thông tin cơ bản của bệnh nhân, truyền dữ liệu đi; bước 2 (nhà cung cấp dịch vụ) - chỉ định, yêu cầu giải thích với các chuyên gia, quản lý kết quả; bước 3 (chuyên gia đánh giá) – đánh giá xem hình ảnh có hiển thị ung thư cổ tử cung hay không, sau đó truyền trả kết quả.