Ngày 2.3, tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai”.

TP.HCM tìm giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai

Tú Viên | 02/03/2023, 17:39

Ngày 2.3, tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã diễn ra Tọa đàm “Giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai”.

Đây là một trong những hoạt động nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án số 01 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai của TP.HCM giai đoạn 2020–2035.

Tại chương trình, các cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã đóng góp các ý kiến, đề xuất TP thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai. Giảng viên Phạm Hữu Hoài cho rằng, để thực hiện Đề án số 01 thành công, việc liên kết chặt chẽ giữa trường đại học và cơ quan Nhà nước rất quan trọng. Vì các trường đại học chính là nơi cung cấp nguồn tài năng trẻ dồi dào, nơi hun đúc, rèn luyện cho sinh viên.

02-03-2023dchh_66.jpeg
GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM phát biểu tại toạ đàm - Ảnh: P.V

Phó bí thư Đoàn trường, Nguyễn Thị Thương Nhớ kiến nghị thành phố cần thực hiện việc "săn đầu người" sớm hơn, tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ, gần gũi để các bạn trẻ có thể hiểu được quyền lợi đi kèm với trách nhiệm. Nếu sinh viên đi học bằng học bổng, hưởng các chính sách ưu đãi từ cơ quan nhà nước thì phải có những ràng buộc nhất định.

Tâm lý của phần lớn sinh viên hiện nay là được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất hiện đại, khang trang. Đồng thời, các bạn cũng thích ứng nhanh với chuyển đổi số nên nếu môi trường làm việc hiện đại sẽ thu hút người trẻ nhiều hơn.

Tại tọa đàm, Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP.HCM Lê Thị Thanh Thúy cho biết, trong các nhóm đối tượng triển khai thực hiện Đề án số 01 có nhóm học sinh THPT và sinh viên các trường đại học có đam mê nghiên cứu, sáng tạo; đạt giải thưởng trong các cuộc thi sáng tạo, tìm kiếm tài năng do sở, ban, ngành TP tổ chức. Đối với nhóm này, Ban Thường vụ Thành ủy có đề ra nhiệm vụ, giải pháp là giao cho các cơ quan, đơn vị liên quan của TP triển khai thực hiện chính sách phát hiện ngay từ cơ sở đào tạo và thực tiễn công tác.

Theo đó, học sinh có triển vọng từ năm cuối trước khi tốt nghiệp THPT, học sinh đỗ thủ khoa, đạt giải quốc gia, quốc tế, sinh viên đại học có kết quả học tập, nghiên cứu và rèn luyện xuất sắc ngay từ năm thứ nhất của các cơ sở đào tạo trong nước hàng năm được phát hiện, đánh giá, để trình cấp có thẩm quyền đưa vào diện thực hiện chính sách, được cấp học bổng. Đến khi tốt nghiệp loại xuất sắc thì được cấp kinh phí bồi dưỡng kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước, được giới thiệu cho các cơ quan, đơn vị có nhu cầu xem xét, tuyển dụng.

Bí thư Đoàn Trường Đại học Kinh tế TP.HCM Nguyễn Đình Hoàng Uyên cũng dẫn chứng, nhiều nhà khoa học trẻ đi học nước ngoài về muốn đầu quân cho các đơn vị công lập. Tuy nhiên, quá trình làm việc, nếu môi trường làm việc không chuyên nghiệp, không tìm được đồng nghiệp cùng chí hướng thì rất khó thu hút và giữ chân được họ. Ngoài ra, trong thực hiện Đề án cũng cần thông tin rõ về lộ trình và mô tả cụ thể các vị trí làm việc; tạo nhiều cơ hội để người trẻ trải nghiệm nhiều vị trí, tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kỹ năng.

Ở góc độ sinh viên, nhiều bạn cho rằng thế hệ của họ là thế hệ Gen Z, chuộng sử dụng công nghệ và họ cũng thường xuyên tìm kiếm các cơ hội việc làm thông qua các nền tảng mạng xã hội hoặc các trang tuyển dụng trực tuyến. Tuy nhiên, trên các nền tảng hiện nay chủ yếu là thông tin tuyển dụng các công việc liên quan đến khu vực tư, chưa có các vị trí việc làm trong khu vực nhà nước. Điều đó cho thấy, nhu cầu của sinh viên và nhu cầu của các sở, ban, ngành, các địa phương, đơn vị khu vực công không gặp nhau. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Đề án chưa thực sự lan tỏa.

Các sinh viên cũng kiến nghị mở rộng hơn đối tượng thu hút theo Đề án 01, thay vì chỉ thu hút sinh viên xuất sắc thì có thể quan tâm thêm đến sinh viên 5 tốt, sinh viên tiêu biểu…

Phát biểu tại tọa đàm, Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết, quan điểm của TP.HCM lâu nay không phân biệt người thành phố hay người ở tỉnh. TP.HCM là nơi hội tụ của người dân trên khắp cả nước đến sinh sống và làm việc, cống hiến và góp phần xây dựng thành phố.

Theo ông Nguyễn Hồ Hải, Đề án số 01 là một trong nhiều chương trình của TP nhằm thu hút, trọng dụng tài năng trẻ; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Hồ Hải đề nghị, Ban Tổ chức Thành ủy và Sở Nội vụ TP.HCM tiếp tục tham mưu các chính sách để thực hiện hiệu quả đề án này. Lãnh đạo thành phố sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến của sinh viên, giảng viên ở các lĩnh vực khác để có thêm các góc nhìn khác nhau.

GS.TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM biết, trong 48 năm qua, nhà trường đã đào tạo hàng trăm ngàn cán bộ, nhà kinh tế, nhà quản lý cho trình độ đại học và sau đại học cho cả nước.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, một trong những sứ mệnh của Trường Đại học Kinh tế TP.HCM là dẫn đầu trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng thị trường lao động và kinh tế toàn cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
6 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TP.HCM tìm giải pháp hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ và lãnh đạo tương lai