TP.HCM đang thiếu hàng ngàn giáo viên, cộng thêm số giáo viên mới nghỉ việc, khiến ngành giáo dục thành phố tiếp tục phải tìm kiếm các giải pháp khắc phục.

Chuyên gia nêu giải pháp giữ chân giáo viên tại TP.HCM

Tú Viên (Tổng hợp) | 27/02/2023, 16:53

TP.HCM đang thiếu hàng ngàn giáo viên, cộng thêm số giáo viên mới nghỉ việc, khiến ngành giáo dục thành phố tiếp tục phải tìm kiếm các giải pháp khắc phục.

TP.HCM có gần 2.500 giáo viên nghỉ việc trong vòng 3 năm qua. Một trong những nguyên nhân chính khiến cho các giáo viên nghỉ việc là áp lực công việc rất lớn mà mức lương lại không đủ sống.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm 2022 TP.HCM có 282 giáo viên nghỉ việc và 732 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ.

Cụ thể trong số 282 giáo viên nghỉ việc thì có 99 người thuộc bậc mầm non, 86 tiểu học, 76 THCS, 20 THPT và 1 giáo viên chuyên biệt. So với tổng số 57.500 giáo viên của toàn thành phố thì tỷ lệ giáo viên nghỉ việc chiếm 0,49%.

gdtv2.6bia.jpg
Trong năm đầu tiên công tác, mỗi thầy cô tiểu học thu nhập chỉ hơn 3,3 triệu đồng/tháng - Ảnh: P.V

Trong năm 2022, toàn thành phố có 732 giáo viên nghỉ hưu theo chế độ. Trong đó có 118 giáo viên bậc mầm non, 327 tiểu học, 186 THCS, 99 THPT và 2 giáo viên chuyên biệt.

Chia sẻ về vấn đề thu nhập của giáo viên tiểu học, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam cho biết Bộ GD-ĐT quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức giảng dạy trong trường tiểu học công lập, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mới ra trường là 1,86. Sau khi trừ phí bảo hiểm xã hội, trong năm đầu tiên công tác, mỗi thầy cô có thu nhập hơn 3,3 triệu đồng/tháng, thấp hơn rất nhiều so với bình quân chi phí sinh hoạt tính theo đầu người tại TP.HCM là 11,4 triệu đồng/người/tháng.

Hiện nay, Luật Giáo dục quy định không thu học phí đối với bậc tiểu học, nhưng ngân sách cấp cho bậc học này ngang bằng các bậc học khác. Đặc biệt, trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trường tiểu học phải triển khai dạy học 2 buổi/ngày nên không thu học phí buổi 2 (trước đây chương trình cũ dạy học 1 buổi/ngày nên các trường có thể thu học phí buổi 2) dẫn đến khó khăn về nguồn thu cho các đơn vị, gián tiếp ảnh hưởng thu nhập của giáo viên.

Theo ông Nguyễn Minh Thiên Hoàng, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), giáo viên tiểu học hiện nay phải hoàn thành số tiết nghĩa vụ/tuần cao hơn giáo viên bậc THCS và THPT. Từ năm học 2020-2021 đến nay, TP.HCM có 219 cán bộ quản lý và 2.483 giáo viên tiểu học rời ngành, một nửa trong số đó chủ động xin nghỉ việc. Toàn thành phố hiện đang thiếu hơn 3.600 giáo viên tiểu học. Đội ngũ giáo viên hiện có phải choàng gánh khối lượng công việc cao hơn 25% so với quy định.

stem3.9.jpg
Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong giờ học phát huy tính sáng tạo - Ảnh: P.V

Để khắc phục tình trạng này, một số chuyên gia giáo dục đã đưa ra giải pháp:

Th.S Lê Ngọc Diệp, nguyên Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM): Xã hội hóa buổi dạy thứ 2

Th.S Lê Ngọc Diệp cho rằng: “Để giáo viên tiểu học sống được với nghề, nhà trường cần bố trí thời khóa biểu đảm bảo đúng số tiết dạy/tuần cho giáo viên. Số buổi mà giáo viên tham dự họp hành, dạy học vượt quá quy định cần được tính tiền phụ trội thật rõ ràng. Song song đó, trường học cần tạo điều kiện cho giáo viên làm việc tại trường như soạn bài giảng, chấm bài kiểm tra cho học sinh trong phòng làm việc được trang bị đầy đủ máy vi tính, thư viện sách giáo khoa, sách tham khảo và tài liệu đọc thêm liên quan đến chuyên môn nghiệp vụ.

Đặc biệt, trường học bố trí thêm phòng hoặc khu vực thư giãn cho giáo viên nghỉ ngơi những lúc mệt mỏi. Tôi cho rằng việc tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ quản lý đi tham quan học tập kinh nghiệm từ các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới là cần thiết. Đơn cử, tại Singapore, phòng thư giãn cho giáo viên được bố trí máy nghe nhạc, trà, cà phê, bánh ngọt... giúp thầy, cô “xả” bớt sự mệt mỏi, đồng thời tái tạo năng lượng sau những giờ dạy để đạt hiệu quả công việc cao hơn.

Ở phạm vi lớn hơn, tôi đề xuất xã hội hóa buổi dạy thứ 2, trường tiểu học không đạt chuẩn bán trú chỉ dạy học 1 buổi/ngày với sĩ số từ 30 - 35 học sinh/lớp. Theo đó, các trường dạy 1 buổi theo đúng chương trình giáo dục do Bộ GD-ĐT ban hành. Phụ huynh yên tâm về chuẩn kiến thức và kỹ năng mà học sinh được học nên không cần cho con em học buổi thứ 2. Giáo viên tiểu học hoàn thành công việc ở trường có thể ký hợp đồng với các trung tâm chăm sóc học sinh, lương thỏa thuận theo trình độ, kinh nghiệm và uy tín của người dạy. Đây là thu nhập chính đáng của các thầy cô sau khi hoàn thành trách nhiệm ở phần chính khóa.

Trong đó, mô hình trung tâm chăm sóc học sinh tùy theo mức độ và nhu cầu của người học để triển khai chương trình học với các mức học phí khác nhau, như học ngoại ngữ, thi lấy bằng hoặc chứng chỉ quốc tế; sân chơi tập luyện thể dục thể thao; học các môn năng khiếu như âm nhạc, mỹ thuật, kỹ năng sống, trải nghiệm thực tế; ôn tập kiến thức hoặc các hình thức học tập khác theo nhu cầu của phụ huynh, học sinh.

Ngoài ra, chính sách chăm lo đời sống cho giáo viên cần quan tâm các đối tượng đặc biệt như vợ chồng trẻ là giáo viên có nhu cầu cấp thiết về nhà ở, nhà giáo về hưu độc thân, bệnh tật không ai chăm sóc...”. 

TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM: Đẩy mạnh nguồn lực đầu tư cho giáo dục

Đất nước nói chung và ngành giáo dục nói riêng đã và đang đổi mới rất nhiều so với giai đoạn trước đây. Trong đó, TP.HCM là địa phương tiên phong, luôn đi đầu, tiếp cận sớm những cái mới. Vì vậy, việc định hình chân dung học sinh trong giai đoạn mới là cần thiết, trong đó cụ thể những tố chất, năng lực và phẩm chất gì đáp ứng sự phát triển của xã hội. Trên cơ sở đó, ngành giáo dục xây dựng kế hoạch cho những chương trình cụ thể, tính toán trong vòng 10 - 20 năm nữa cần bổ sung số lượng giáo viên như thế nào để “đặt hàng” các trường đại học đào tạo một cách bài bản.

Trong chiến lược phát triển chung đó, xã hội hóa giáo dục cần có chỗ đứng phù hợp với vai trò là giải pháp mang tính đột phá để mở rộng trường lớp, đẩy mạnh các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Thành phố nên có chủ trương, chính sách giao đất xây trường rõ ràng, có giải pháp phát triển các trường tiên tiến hội nhập.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, từ nay đến năm học 2024-2025, cả nước cần tuyển thêm 6.621 giáo viên tin học và 5.780 giáo viên ngoại ngữ để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp tiểu học.

Để có thêm nguồn tuyển giáo viên đáp ứng yêu cầu giảng dạy của chương trình mới, các địa phương cần chủ động “đặt hàng” với các trường đại học để đào tạo mới giáo viên tiếng Anh, tin học; kết hợp đào tạo liên thông trình độ đại học sư phạm đối với người đã tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp chuyên ngành tiếng Anh và tin học.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia nêu giải pháp giữ chân giáo viên tại TP.HCM