Trong năm 2022, Đoàn kiểm tra chuyên ngành quảng cáo TP.HCM đã tiến hành kiểm tra 96 cơ sở kinh doanh quảng cáo ngoài trời, viết đặt biển hiệu trên địa bàn, ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 1,642 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM (VH-TT), thành phố là địa phương có số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo chiếm tỷ lệ cao và không ngừng tăng lên qua các năm.
Năm 2019, có 5.497 doanh nghiệp hoạt động trong ngành quảng cáo trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, có 13 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ quảng cáo có chi nhánh đặt tại TP.HCM thường xuyên có hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo tại Sở VH-TT TP. Năm 2022, Sở VH-TT đã tiếp nhận 1 hồ sơ Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam. Hiện nay, có 3 Văn phòng đại diện của doanh nghiệp nước ngoài tại TP.HCM.
Năm 2022, tình hình dịch COVID-19 suy giảm, kinh tế đang dần ổn định, nhu cầu quảng cáo của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bắt đầu tăng dần. Tính từ ngày 1.1 đến ngày 3.12.2022, có hơn 3.660 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn được Sở Văn hóa và Thể thao tiếp nhận và xử lý, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong năm 2022, Thanh tra Sở VH-TT đã triển khai 3 đoàn kiểm tra chuyên ngành văn hóa, thể thao, quảng cáo. Trong đó, Đoàn kiểm tra chuyên ngành quảng cáo tiến hành kiểm tra 96 cơ sở kinh doanh quảng cáo ngoài trời, viết đặt biển hiệu trên địa bàn thành phố, ban hành 63 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt 1,642 tỉ đồng; đã chấp hành 61 quyết định xử phạt với tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước 1,592 tỉ đồng; buộc tháo dỡ 144 quảng cáo vi phạm.
Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện đã triển khai thực hiện kiểm tra chấn chỉnh hoạt động quảng cáo, viết đặt biển hiệu, bảng quảng cáo, hộp đèn; kiểm tra các băng rôn, bảng quảng cáo sai phạm, xử lý theo quy định của pháp luật. Kết quả các đơn vị đã xử lý 129 vụ vi phạm với số tiền là 1,955 tỉ đồng.
Các nội dung vi phạm chủ yếu như: Không thông báo về nội dung, thời gian, địa điểm mới quảng cáo, số lượng bảng quảng cáo, băng rôn; không ghi rõ tên, địa chỉ của người thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một”; ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu…
Trước đó, trong phiên họp giải trình với HĐND thành phố về quản lý hoạt động quảng cáo, sáng 28.11, Sở VH-TT TP.HCM cho biết, trong 1.515 bảng quảng cáo ngoài trời trên địa bàn có 747 (hơn 49%) điểm không phép, chủ yếu ở các vòng xoay, chân cầu vượt, tuyến đường lớn của các quận trung tâm. Nhiều trụ pano được địa phương, Sở Giao thông Vận tải cho phép cổ động chính trị, nhưng sau đó biến tướng sang quảng cáo không phép.
10 năm qua, Thanh tra Sở VH-TT đã xử phạt 22 tỉ đồng với hơn 2.100 trường hợp vi phạm quảng cáo ngoài trời.