Họa sĩ Trần Quang Dũng biến hoa giấy thành tranh trừu tượng. Những tác phẩm này lần đầu tiên được trưng bày tại TP.HCM trong triển lãm "Nghiêng sáng".

Trần Quang Dũng mang hoa giấy trừu tượng đến Sài Gòn

Tiểu Vũ | 24/11/2022, 13:08

Họa sĩ Trần Quang Dũng biến hoa giấy thành tranh trừu tượng. Những tác phẩm này lần đầu tiên được trưng bày tại TP.HCM trong triển lãm "Nghiêng sáng".

Lần đầu tiên họa sĩ người Hà Nội Trần Quang Dũng mở một triển lãm cá nhân tại TP.HCM để giới thiệu đến công chúng phương Nam gần 30 bức tranh sơn dầu được vẽ trong những năm gần đây.

Những tác phẩm của Trần Quang Dũng như một sự ghi chép tỉ mỉ về cảm xúc của người nghệ sĩ trước những biến đổi ảo diệu của thiên nhiên và vạn vật theo dòng thời gian. Đó cũng là lý do để những người yêu hội họa háo hức chờ đợi đến thưởng lãm Nghiêng sáng của họa sĩ người Hà Nội khai mạc vào ngày 25.11 tới đây tại trung tâm Sài Gòn.

tran-quang-dung-1-.jpeg
Họa sĩ Trần Quang Dũng - Ảnh: NVCC

Hội họa có hai phương tiện chủ đạo: màu sắc và hình thể. Với triển lãm Nghiêng sáng, Trần Quang Dũng chọn màu sắc là phương tiện chủ đạo. Nó được cấu thành từ quá trình chiêm nghiệm về màu hữu sắc và màu vô sắc, từ cách dùng ánh sáng để chế định, để đi từ cái nhìn thấy đến cái cảm thấy.

Trần Quang Dũng cho rằng ánh sáng là mối liên kết không gian, thời gian, năng lượng và vật chất. Vì không gian và thời gian là cố định, nên ánh sáng là người đưa tin, di chuyển trong không gian, trong khoảng thời gian nhất định. Trường ánh sáng chính là yếu tố quyết định cấu trúc của không gian và thời gian. Nó vô hình nên tồn tại như sự trừu tượng của trí óc.

nghieng-sang-7.jpg
"Nghiêng sáng 7" của Trần Quang Dũng 

Xem tranh Trần Quang Dũng gợi nhớ đến hai câu thơ trong bài Trăng của Xuân Diệu: “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/ Ánh sáng tuôn đầy các lối đi”. Tranh của Trần Quang Dũng dù vẽ ở bút pháp nào, chủ đề gì thì cũng có sự tươi sáng, lạc quan...

Anh cho biết đó là do lựa chọn, do quan niệm. Vì nghệ sĩ không những quan tâm đến hiện thực bên ngoài, mà còn cả thế giới bên trong của tình cảm, tưởng tượng, mơ ước và cả tinh thần. Bản thân người họa sĩ thích hướng đến sự nhẹ nhàng nên tranh cũng nhẹ nhàng, sáng trong như vậy.

Trong Nghiêng sáng, Trần Quang Dũng chuyển biến mạnh từ bút pháp ấn tượng sang trừu tượng. Khi được hỏi vì sao có quyết định này, Trần Quang Dũng trả lời: “Trước đây tôi thường vẽ trực hoạ phong cảnh thiên nhiên để cảm nhận không gian và thời gian rồi đưa vào tranh. Sự thay đổi của mỗi mùa trong năm là thiên nhiên mang lại nguồn sinh lực cho con người. Tôi muốn giữ lại cảm xúc ấy bằng cách biểu đạt khác - dùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc và ánh sáng làm chủ đạo, để tạo nên sự hài hòa, không diễn tả các hình ảnh cụ thể hữu hình nữa, mà muốn khơi gợi, đánh thức trí tưởng tượng và cảm xúc của người xem một cách bình dị nhất. Sự chuyển biến này cũng là tự nhiên, thay đổi theo từng giai đoạn. Mô phỏng đơn giản những chuyển động biểu hiện của thiên nhiên, hình ảnh chân thực trong hội họa, mời gọi người xem bằng ấn tượng của nó”.

nghieng-sang-12.jpg
Bức tranh "Nghiêng sáng 12" của Trần Quang Dũng 

Trong khi đó, theo chia sẻ của họa sĩ Hiền Nguyễn thì: “Trần Quang Dũng trình làng triển lãm đầu tay Nghiêng sáng tại Sài Gòn chỉ sau bạn gái có một tháng. Khả năng gặp Nguyễn Thu Hương nên Dũng phải “nghiêng”. Nghiêng sáng của Trần Quang Dũng khiến ký ức được gợi mở với những người Hà Nội tha phương… Đối tượng chính của nguồn cảm hứng trong triển lãm lần này là hoa giấy, tuy nhiên, đó chỉ là cái cớ để Dũng chia sẻ cảm xúc của mình, chưa hẳn là một chủ đích cách tân, dù hình tướng bên ngoài có đôi chút khác biệt, thì cách nhìn - tâm thế vẫn như vậy”.

Trước đây, Trần Quang Dũng thường vẽ trực họa phong cảnh tại mỗi con phố, để cảm nhận không gian và thời gian, rồi đưa vào tranh. Sự thay đổi của mỗi mùa trong năm là thiên nhiên mang lại nguồn sinh lực cho mọi người.

“Tôi muốn giữ lại cảm xúc ấy bằng cách biểu đạt khác. Dùng ngôn ngữ tạo hình, màu sắc và ánh sáng làm chủ đạo, để tạo nên sự hài hòa, không diễn tả các hình ảnh cụ thể, hữu hình nữa. Chỉ muốn khơi gợi, đánh thức trí tưởng tượng và cảm xúc của người xem một cách bình dị nhất. Thế giới tự nhiên trong tranh tôi bắt nguồn từ cảm nhận đó”, Trần Quang Dũng chia sẻ.

Họa sĩ Trần Quang Dũng sinh năm 1979. Anh hiện đang công tác tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam và là hội viên Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Mỹ thuật Việt Nam, thành viên CLB họa sĩ trẻ.

Tranh của Trần Quang Dũng được trưng bày tại một số triển lãm trong và ngoài nước như triển lãm chuyên đề “Nước” tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2003; Triển lãm chuyên đề “ Cây” tại trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 2005; Triển lãm Mỹ thuật Thủ đô từ 2005 đến nay; Triển lãm tranh lụa toàn quốc năm 2007; Triển lãm “Nghìn năm Thăng long – Hà Nội” năm 2010; Tham dự triển lãm lụa tại Pháp năm 2010.

Giải thưởng: Giải Nhì triển lãm mỹ thuật Việt Nam - Đất nước, con người, năm 2001. Giải tặng thưởng khu vực 1 Hà Nội vào năm 2010.

Bài liên quan
Thấy gì từ triển lãm của thi sĩ Bùi Chát?
Vốn là người làm thơ và xuất bản sách, Bùi Chát rẽ ngang qua vẽ tranh và mở triển lãm khiến cho nhiều người bất ngờ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trần Quang Dũng mang hoa giấy trừu tượng đến Sài Gòn