Thời gian gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận gần 10 trường hợp trẻ mắc bệnh chốc, với tình trạng vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng…
Thông tin Y học

Trẻ mắc bệnh chốc tăng cao: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ lây lan trong mùa tựu trường

Hồ Quang 15:05 18/09/2024

Thời gian gần đây, mỗi ngày Bệnh viện Da liễu TP.HCM tiếp nhận gần 10 trường hợp trẻ mắc bệnh chốc, với tình trạng vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng…

Mỗi ngày, gần 10 trẻ mắc bệnh chốc phải nhập viện

Một bé gái 5 tuổi (ngụ tại tỉnh Đồng Nai) được gia đình đưa đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM khám trong tình trạng da vùng miệng, tay, chân có nhiều vết trợt, rỉ dịch vàng. Bé bị ngứa ngáy nên cào gãi, khó chịu.

Theo lời người nhà của bệnh nhi, cách đây khoảng 1 tuần, tay phải bé nổi mụn nước, ngứa khó chịu. Sau đó, mụn nước vỡ ra rồi lan dần ra các vùng khác. Gia đình có ra nhà thuốc tư nhân mua thuốc uống và thuốc bôi nhưng tình trạng của bé vẫn không đỡ mà từ từ lan ra các vùng khác như chân, mũi… Nghe người quen nói bé bị giời leo, giời bò, bôi mủ trái sung sẽ giúp khỏi bệnh, gia đình cũng làm theo nhưng tình trạng bé ngày càng nặng nên đưa em đến Bệnh viện Da liễu khám.

Ngồi cách một hàng ghế với bé gái 5 tuổi là một bé trai 4 tuổi (cũng ngụ tại TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) có nhiều vết trợt da, sưng, có mủ trên vùng đầu và lan ra một số vùng khác. Lúc này, bé sốt và than đau đầu.

tre-mac-benh-choc-tang-cao-bac0si-canh-bao-nguy-co-lay-lan-trong-mua-tuu-truong-hinh-anh-1.png
Trẻ mắc bệnh chốc được đưa đến khám và điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM - Ảnh: BVCC

“Khi phát hiện cháu có các mụn nước trên da đầu, tôi có ra tiệm thuốc tây gần nhà và mô tả các triệu chứng của bé thì được nhân viên nhà thuốc tư vấn uống thuốc tiêu độc, giải gan, tuy nhiên tình trạng bé không đỡ hơn, các mụn nước trên đầu vỡ ra, sau đó lan ra các vị trí khác trên cơ thể”, mẹ của bé trai 4 tuổi cho biết.

Gần đó, một bệnh nhi 5 tuổi (ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đưa tay gãi sột soạt ở vùng miệng, tay, chân do có nhiều vết trợt da, rỉ dịch vàng.

Qua khai thác bệnh sử, mẹ bé cho biết trước đó khoảng 5 ngày, tay chân bé nổi các mụn nước nhỏ rải rác. Thấy bé hay gãi nên gia đình mua lá chè xanh về tắm cho bé nhưng tình trạng không cải thiện mà các nốt mụn nước vỡ, lan ra nhiều vị trí miệng, bụng, lưng…

ThS-BS Đặng Thị Hồng Phượng – Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM - cho biết thời gian gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị bệnh chốc đến khám. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 8 trẻ bị bệnh chốc, trong đó có nhiều trẻ bị tình trạng chốc lan ra nhiều nơi do bố mẹ chủ quan, tự điều trị tại nhà bằng các phương pháp dân gian như “khoán nhang”, tắm lá chè xanh, lá khế, uống thuốc mát gan, tiêu độc…

“Bệnh chốc nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách sẽ khỏi nhanh và không để lại sẹo. Tuy nhiên, nếu để lâu, điều trị sai cách thì tình trạng nhiễm trùng có thể nặng nề và lan rộng hơn, gây một số biến chứng như hội chứng bong vảy da do tụ cầu, viêm mô tế bào, nhiễm trùng huyết, viêm cầu thận cấp hậu nhiễm liên cầu trùng…”, bác sĩ Phượng cho biết thêm.

Rửa tay thường xuyên và giữ vệ sinh cá nhân

Theo bác sĩ Hồng Phượng, chốc là bệnh nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây ra và thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh chốc là xuất hiện các mụn nước hay bóng nước trên da, đục dần, có mủ rồi vỡ tạo thành vết trợt, đóng vảy màu vàng mật ong đặc trưng, nhanh chóng lan rộng ra vùng da xung quanh. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, xung quanh hốc mũi, miệng hoặc tay chân. Bệnh thường khỏi trong 7 - 10 ngày nếu điều trị đúng cách.

tre-mac-benh-choc-tang-cao-bac0si-canh-bao-nguy-co-lay-lan-trong-mua-tuu-truong-hinh-anh.png
Bác sĩ bôi thuốc để điều trị bệnh chốc ở trẻ - Ảnh: BVCC

Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đa số trẻ bị bệnh ở độ tuổi mẫu giáo. Bệnh chốc thường bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách, bệnh sẽ khỏi nhanh và không để lại sẹo.

Đây là bệnh rất dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành, và lây sang người khác khi tiếp xúc do chất dịch rỉ ra từ các vết trợt da. Bệnh thường lây lan trong các trường học, cơ sở chăm sóc trẻ em do tình trạng đông đúc, dùng chung khăn lau, khăn trải giường, đồ chơi hoặc các vật dụng khác với người nhiễm bệnh.

Hiện nay, học sinh đang bước vào năm học mới 2024 - 2025 nên nguy cơ bệnh chốc lây lan là rất cao.

“Các phụ huynh phải thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng hoặc dung dịch rửa tay nhanh có chứa cồn, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với vùng da bệnh. Giữ vệ sinh cá nhân như giặt quần áo, khăn mặt và khăn tắm của người bị bệnh mỗi ngày; không dùng chung những vật dụng đó với bất cứ ai khác trong gia đình.

Ngoài ra, phụ huynh cần vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, nơi vui chơi của trẻ, đặc biệt là những bề mặt thường xuyên phải tiếp xúc như tay vặn cửa, mặt bàn, bệ ngồi nhà vệ sinh; cho trẻ nghỉ học, vì chốc có thể lây nhiễm cho các trẻ khác; cho trẻ mặc quần áo thoải mái, thoáng mát; cắt móng tay thường xuyên cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng khi trẻ gãi, đồng thời hạn chế tổn thương da và gây vỡ bóng nước. Khi thấy trẻ có những nốt mẩn đỏ, mưng mủ trên da, đặc biệt hay xảy ra trên đầu, mặt thì nên cho bé đi khám ngay để đề phòng lây lan và biến chứng”, bác sĩ Phượng khuyến cáo.

Bài liên quan
TP.HCM: Nữ bác sĩ làm Giám đốc Bệnh viện Da liễu
Sở Y tế TP.HCM vừa công bố quyết định bổ nhiệm giám đốc Bệnh viện Da liễu. Tân giám đốc bệnh viện là nữ bác sĩ 46 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa 13, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gợi mở nhiều vấn đề
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Sáng 18.9, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 13 khai mạc tại Hà Nội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trẻ mắc bệnh chốc tăng cao: Bác sĩ cảnh báo nguy cơ lây lan trong mùa tựu trường